Người bệnh thông thái

20/03/2017 - 14:00

PNO - Cứ sau mỗi một tai biến nghiêm trọng xảy ra tại phòng khám (PK) Trung Quốc, người ta lại dễ dàng thấy các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Sở Y tế địa phương lại quyết liệt vào cuộc.

Cứ sau mỗi một tai biến nghiêm trọng xảy ra tại phòng khám (PK) Trung Quốc, người ta lại dễ dàng thấy các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Sở Y tế địa phương lại quyết liệt vào cuộc. Điển hình như sau vụ thai phụ tử vong tại PK Đa khoa 168 Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập bốn đoàn thanh tra để tổng rà soát hoạt động của các PK có yếu tố nước ngoài trên địa bàn.

Kết quả, nhiều cơ sở có bác sĩ Trung Quốc hoạt động liên tiếp được phát hiện trong tình trạng “sai phạm chồng sai phạm”. Nhiều người không khỏi băn khoăn, nếu không có những sự việc báo động thì đến bao giờ những vi phạm này mới bị phát giác?

Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, với tổng số ba cán bộ thanh tra khám chữa bệnh, trong năm 2016, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập với tổng số 140 lượt/3.215 cơ sở trên địa bàn. Rõ ràng, với con số này, số lượng PK ngoài công lập, có yếu tố nước ngoài bị Thanh tra Sở Y tế "sờ gáy" còn quá khiêm tốn!

Nói như vậy không có nghĩa các PK ngoài công lập, các PK có yếu tố nước ngoài chỉ được quản lý qua những đợt thanh, kiểm tra. Hiện, việc quản lý này đã được phân cấp rất rõ, UBND các quận/huyện/thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về hoạt động của cơ sở trên địa bàn.

Là đơn vị quản lý chuyên môn, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, vẫn tổ chức giao ban định kỳ với Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã một lần/tháng để trao đổi thông tin, thông báo kết quả thanh tra, xử lý vi phạm... Vậy nhưng, có một thực tế như tại PK Nhân Ái, trong tổng số ba bác sĩ Trung Quốc đăng ký hoạt động tại đây thì có hai người đã về nước mà vẫn không ai nắm được! Hay mỗi khi xảy ra tai biến, các bác sĩ Trung Quốc đều nhanh chóng “mất tích”, thì trách nhiệm chỉ thuộc về… PK. 

Bên lề một cuộc họp diễn ra cuối tuần qua, khi nói về giải pháp quản lý các PK có bác sĩ Trung Quốc hoạt động, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền còn nhấn mạnh, bệnh nhân phải là người chủ động khi khám chữa bệnh: “Trước khi người dân đi khám nên tìm hiểu trước lĩnh vực họ làm rồi đến nơi kiểm tra lại xem, vì chỉ có bác sĩ với khách hàng thôi thì không cơ quan nào giám sát hết được”.

Nguoi benh thong thai
Đoàn kiểm tra đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Phòng khám Đa khoa Nhân Ái Hà Nội

Vị giám đốc sở cũng nêu ra hai điểm lưu ý với người bệnh. Một là phải tìm hiểu các cơ sở khám chữa bệnh, các bác sĩ tại đó có kinh nghiệm trong lĩnh vực khám hay không. Hai là, cần cân nhắc khi bác sĩ tư vấn. Bởi theo ông Hiền, không phải cứ nghe nói có nghiệp vụ lại… bùi tai! 

Khuyến cáo của ông Hiền khiến nhiều người nhớ tới khẩu hiệu mà chúng ta vẫn hay nghe hiện nay: “Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái”. Tuy nhiên, việc bệnh nhân ôm bệnh mà phải lo “thẩm định” cơ sở trước khi đi khám chữa không phải dễ dàng. Dù biết rằng, không phải bệnh nhân nào cũng có đủ kiến thức, trình độ để cân nhắc lời khuyên đúng sai của bác sĩ, nhưng với thực trạng báo động của các PK như hiện nay, thì bệnh nhân muốn bảo vệ sức khỏe của mình, trước tiên phải… trở thành người bệnh thông thái!

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI