Sau một đêm ngủ dậy không biết mình là ai

17/06/2019 - 07:00

PNO - Biết con bị nhầm lẫn giới tính do dị dạng cơ quan sinh dục, thương con, cha mẹ nôn nóng muốn con trở nên bình thường như bao đứa trẻ khác, vô tình khiến trẻ sốc vì không biết mình là ai khi tỉnh dậy sau ca mổ.

Con là ai?

Bé Y.D. (5 tuổi, nhà ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) từ lúc mới sinh có giới tính nữ, nhưng bé bị dị dạng cơ quan sinh dục, phần âm hộ to, dài bất thường nên cả bác sĩ sản khoa ở địa phương, cha mẹ và người thân quen đều nghĩ D. là bé trai.

Bé D. được khai sinh, nuôi dưỡng như người mang giới tính nam cho đến khi chị H’B. (30 tuổi, mẹ của bé) có cảm giác bất thường ở con mình vì D. luôn tiểu ngồi.

Ngày 24/4, chị H’B. bàng hoàng với kết luận của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: bé D. là con gái. Gia đình chị liền quyết định phẫu thuật để chỉnh sửa lại cơ quan sinh dục cho bé. 

Sau mot dem ngu day khong biet minh la ai
Chị H’B. bên cạnh bé Y.D. sau khi bé được phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục nữ

Bé D. được điều trị nội tiết đến ngày 29/5 thì được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục nữ nhưng bản thân bé không hay biết. Sau giấc ngủ kéo dài ba giờ trên bàn mổ, bé D. tỉnh dậy, khóc thét vì thấy mình lạ lẫm.

Trước tình huống này, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Tấn Sơn - cố vấn Khoa Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị dị dạng cơ quan sinh dục hoặc trẻ có cả hai bộ phận sinh dục của nam và nữ… 

Những trẻ sơ sinh được bác sĩ sản khoa phát hiện ngay sự bất thường từ khi sinh ra sẽ được thực hiện các chẩn đoán để biết chính xác giới tính sinh học. Cha mẹ đồng ý, trẻ sẽ được phẫu thuật tạo hình trở về giới tính thật của mình.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, bé “đánh lừa” cả nhân viên y tế, người thân do cơ quan sinh dục giống như bình thường. Trong quá trình chăm sóc, có thể cha mẹ, những người gần gũi bé nhất mới nhận thấy những “điều lạ” hoặc bác sĩ vô tình phát hiện khi bé đi khám bệnh.

Bác sĩ Sơn cho biết: “Khi được chẩn đoán về khiếm khuyết, dị dạng, bé cần được y khoa can thiệp càng sớm càng tốt để có sự phát triển đúng hướng, vì định hình và phát triển theo đúng giới tính ở mỗi người rất quan trọng. Từ sáu tháng đến một tuổi là giai đoạn thuận lợi nhất để phẫu thuật điều chỉnh cho bé, bởi trước ba tuổi, những ký ức này không được lưu giữ. 

Trường hợp bé lớn hơn ba tuổi, như bé D., ngoài điều trị nội tiết, bé cần được hiểu rõ về khiếm khuyết của mình để tránh ảnh hưởng tâm lý. Ngay cả người lớn, nếu sau một đêm tự nhiên “biến” thành con gái/con trai cũng sẽ rất sốc. Lúc này, dù thành công về y học trong việc chỉnh sửa, nhưng bé sẽ bị chấn động rất lớn”.

Sau mot dem ngu day khong biet minh la ai
Có những bé được phát hiện dị dạng cơ quan sinh dục từ sớm, nhưng có bé 'đánh lừa' mọi người đến khi trưởng thành.

Sang chấn tâm lý khi “biến hình”

Theo bác sĩ Sơn, mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM thực hiện nhiều ca mổ điều chỉnh, xử lý cho hàng trăm bé bị dị tật cơ quan sinh dục, nhưng chỉ có một số ca phải xác định lại giới tính sinh học. 

Điều đáng tiếc, rất ít bé được phát hiện sớm trở về với chính mình, bé được phụ huynh đưa đến xác định lại giới tính khi đã lớn, ý thức về giới đã được hình thành nên có những người bệnh không thể chấp nhận được chính mình, rơi vào hoàn cảnh cười ra nước mắt.

Như em N.V.K. (12 tuổi, ở Bình Dương, dị dạng cơ quan sinh dục nữ) được cha đưa đến bệnh viện do không hiểu sao con trai mà ngực ngày càng to. “Nhìn em ấy rất đẹp trai, cao ráo, khôi ngô trong bộ đồng phục quần tây, áo sơ-mi khi vừa đi học về. Tôi thật sự không nỡ nói cho cháu biết ngực cháu to do cháu là bé gái đang dậy thì.

Ngay cả cha, người thân thiết nhất với con mình cũng không thể đứng vững khi tôi đưa kết quả chẩn đoán. Tôi khuyên anh ấy nên cho con mình phẫu thuật tạo hình lại âm đạo. Chiều hôm đó, hai cha con ngồi trên ghế đá trong khuôn viên bệnh viện khóc suốt”, bác sĩ Sơn nhớ lại.

Nửa năm sau, khi K. đã được hỗ trợ tâm lý, sẵn sàng quay về giới tính thật của mình, bé tự bước lên bàn mổ. Điều đáng mừng là K. vẫn sống vui vẻ khi làm con gái, em có thể lấy chồng, sinh con bình thường như những phụ nữ khác.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như K., cách đây hai năm, một bệnh viện sản khoa tại TP.HCM mời bác sĩ Sơn đến hội chẩn cho người đàn ông hơn 40 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang bị xuất huyết ở bộ phận sinh dục. Hồ sơ bệnh án ghi rõ, M.T.N. giới tính nam, nhưng kết quả lâm sàng lại thấy buồng trứng, tử cung. Hơn hết, “người đàn ông” này có vợ, có con hẳn hoi khiến các bác sĩ đều bối rối.

Sau mot dem ngu day khong biet minh la ai
Trước khi quyết định phẫu thuật lấy lại giới tính cho con, cha mẹ nên giải thích cho bé có thể hiểu và chấp nhận chính mình

Bác sĩ Sơn kể: “Tôi mời “anh N.” vào phòng, “anh ta” cũng đoán được điều tôi muốn nói nên thổ lộ từ nhỏ “anh” đã biết được những khác biệt, nhưng “anh ta” muốn làm con trai nên không giải thích. Vợ có con, “anh” vừa vui vừa đau lòng nhưng vẫn im lặng chấp nhận, xem đứa con là của trời cho. Tôi đồng ý phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, tử cung để… trị bệnh “xuất huyết dương vật” cho anh ấy”.

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cho biết, con người khi ở gian đoạn sơ sinh chưa hề ý thức được về giới tính nhưng khi lên ba tuổi bắt đầu hình thành nhận thức về giới thông qua việc giáo dục của cha mẹ, đặc điểm cơ thể, phân định cơ quan sinh dục nam và nữ. Một đứa trẻ khi được định hình là bé trai hay bé gái, bản thân sẽ tiếp nhận và hình thành những hành vi, ứng xử, suy nghĩ tương ứng với giới tính đó.

Tuy nhiên, một vài tình huống phát sinh khi cơ quan sinh dục của bé có khiếm khuyết, dị dạng hay định hình không rõ ràng khiến người xung quanh nhầm lẫn, khiến ý thức về giới của bản thân đứa trẻ cũng bị nhầm theo. Ở bất kỳ lứa tuổi nào, khi một người vô tình phát hiện ra giới tính thật của mình, sẽ gây chấn động rất lớn về tâm lý của họ và cả những người xung quanh.

Sau mot dem ngu day khong biet minh la ai
Sang chấn tâm lý sau khi “biến hình” có thể gây nhiều hệ lụy, người bệnh có thể sống khép kín, sa ngã, gây tổn thương cho mình và cả người thân

Điều này lý giải việc bé Y.D., đã có ý thức tương đối về giới tính của mình, nên đột ngột “điều lạ” xuất hiện, ngủ một giấc “biến” thành con gái, bé khóc thét không chấp nhận được mình thì rất tội nghiệp. 

“Nếu trước khi phẫu thuật, bé D. được người lớn trò chuyện, chia sẻ về giới tính thật của mình, cho bé thời gian để chấp nhận sẽ tốt hơn”, tiến sĩ Bùi Hồng Quân cho hay. 

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân: Giúp bé học lại từ đầu về giới tính của mình

Tôi nghĩ ai rơi vào tình huống như cha mẹ của D. cũng sẽ không nghĩ được gì khác do hoang mang và nôn nóng muốn con trở về với chính mình. Đáng mừng, bé được phẫu thuật tạo hình thành công, nên người thân đừng tự trách mà hãy luôn kề cận, trấn an tâm lý, giúp bé hồi phục sức khỏe sau ca mổ.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên cùng chuyên gia làm công tác tư tưởng, giải thích cho bé hiểu. Khi trẻ đã hiểu được giới tính của mình, cha mẹ nên chuyển đổi cách giáo dục về giới tính cho bé, giúp bé học lại từ hành vi, kiểu tóc, quần áo và làm quen với các mối quan hệ... 

Người thân hãy cho bé thời gian trò chuyện, chia sẻ để kịp thời giải tỏa tâm lý, nâng đỡ khi bé có những suy nghĩ “lạc nhịp” hoặc bạn bè trêu ghẹo. Điều này rất quan trọng trong việc phát triển, hòa nhập xã hội sau này, vì nếu bé không chấp nhận sẽ có những hệ lụy rất lớn, có thể bé sống khép kín, trầm cảm hay thù hận chính người thân của mình.

Nếu bé có biểu hiện quấy khóc, không muốn tiếp xúc với người khác, im lặng, thì cha mẹ nên quan sát bé. Nhất là khi bé đi vệ sinh, vì nếu trẻ không chấp nhận có thể sẽ tự điều chỉnh bộ phận sinh dục rất nguy hiểm.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM): Cha mẹ bé D. không phạm luật 

Theo quy định tại điều 36 Bộ luật Dân sự 2015, mỗi cá nhân đều có quyền được xác định giới tính, nếu giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Do bé Y.D. chỉ mới 5 tuổi, cha mẹ được quyền đại diện cho con để thực hiện phẫu thuật xác định giới tính thật theo sinh học, do đã có kết luận của cơ sở y tế về dị dạng cơ quan sinh dục ở bé. Trong trường hợp này, cha mẹ của bé và cả bác sĩ thực hiện phẫu thuật không vi phạm pháp luật.

Luật pháp không cấm cha mẹ chấp thuận cho bé mổ tái tạo lại cơ quan sinh dục, xác định lại giới tính của bé. Nhưng theo tôi, người thân nên trò chuyện, lắng nghe nguyện vọng, giải thích cho bé hiểu về giới tính của mình để tránh ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và sự chối bỏ chính mình sau này.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI