Sau điều trị ho, mất ngủ 12 năm, mới phát hiện bị... suyễn

10/09/2019 - 07:00

PNO - Trong cơn tuyệt vọng, bệnh nhân tìm đến bệnh viện với hy vọng bác sĩ giúp ông chợp mắt được vài giờ mỗi đêm. Nhưng bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân: ông bị hen do ho.

Do không có những dấu hiệu đặc trưng của bệnh suyễn nên ông bị chẩn đoán nhầm và phải khổ sở ôm bệnh suốt 12 năm.

Bệnh nhân đặc biệt này là ông Nguyễn Văn Đ., 50 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk. Ông Đ. bị ho và mất ngủ suốt 12 năm, đi điều trị ở nhiều nơi và uống hàng chục loại thuốc nhưng vẫn không khỏi.

Gần đây, ông đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM với hy vọng bác sĩ (BS) giúp ông chợp mắt được 2-3 giờ mỗi đêm. Tại đây, BS đã tìm ra bệnh của ông.

Sau dieu tri ho, mat ngu 12 nam, moi phat hien bi... suyen
Trẻ bị ho được test suyễn tại phòng khám Đại học Y Dược 1

Dành cả thanh xuân để... ho

Thạc sĩ - BS Nguyễn Như Vinh, chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đó không phải bệnh nan y như ông Đ. lo sợ mà là bệnh suyễn. Từ năm 38 tuổi, ông Đ. thường xuyên bị ho khan và ho dữ dội lúc nửa đêm về sáng. 

Ông đi khám ở nhiều bệnh viện; nơi chẩn đoán ông bị viêm hô hấp trên, nơi chẩn đoán viêm phế quản, viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản, lao, thậm chí còn được chỉ định làm test ung thư… Nhưng kết quả chụp x-quang phổi, CT Scan phổi… của ông Đ. đều bình thường.  

BS Vinh nghi ông Đ. bị bệnh suyễn và cho làm các test chẩn đoán suyễn: hô hấp ký, xét nghiệm công thức máu… nhưng đều cho kết quả bình thường. Dù vậy, BS Vinh vẫn nghi bệnh nhân bị suyễn giấu mặt nên cho đo nồng độ nitric oxide đường thở thì thấy có hiện tượng viêm đường thở. 

Bệnh nhân được điều trị theo hướng bệnh suyễn. Chỉ sau một ngày uống thuốc, bệnh nhân đã giảm ho. Ngày 3/9, khi tái khám, ông Đ. cho biết đã không còn ho đêm, ngủ ngon và đã làm việc trở lại. 

Còn chị Lê Thu N., 35 tuổi, ở Q.Bình Tân, sau khi sinh con được 4 tháng thì bị ho khan đến ran cả ngực. Chị đi khám ở nhiều bệnh viện và được chẩn đoán viêm họng, viêm phế quản và uống cả mớ kháng sinh nhưng không khỏi. Khi nghe tin cô bạn học mất vì ung thư phổi với triệu chứng ban đầu là ho khan thì chị hoảng sợ đi tầm soát ung thư phổi tại Đơn vị hô hấp miễn dịch lâm sàng Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1. 

Tại đây, chị được Phó giáo sư - Tiến sĩ - BS Nguyễn Thị Tuyết Lan chẩn đoán hen do ho. Sau một tuần uống thuốc điều trị suyễn, những cơn ho đêm của chị đã biến mất. Nhưng ca mà BS Tuyết Lan nhớ nhất là bệnh nhân nữ 62 tuổi, sau 33 năm điều trị ho, mất ngủ mới được phát hiện bị “suyễn giấu mặt” và đã được điều trị khỏi.  

Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng khổ sở với căn bệnh này. Bé Đỗ Thùy C., ở Cần Thơ, mới 8 tuổi nhưng đã ho gần 4 năm. Gia đình đưa bé đi điều trị khắp nơi, các BS chẩn đoán bé bị viêm mũi họng, rồi viêm phế quản, nhưng uống thuốc ho, kháng sinh, rửa mũi, khò nước muối chỉ giảm vài ngày rồi nặng trở lại. 

Tình cờ, mẹ bé đi khám ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và dẫn bé theo. BS Vinh cho bé làm các chẩn đoán suyễn và kết quả bình thường. Dù vậy, khi hỏi kỹ mẹ bé thì thấy bé có bị dị ứng; khi thay đổi thời tiết ho nhiều hơn nên nói gia đình điều trị thử bệnh suyễn, kết quả sau khi uống thuốc bé đã hết ho.  

“Sát thủ” mang tên suyễn giấu mặt

BS Tuyết Lan cho biết, bệnh suyễn có nhiều dạng. Dạng điển hình là người bệnh suyễn thường hội đủ ba dấu hiệu: ho, khò khè, khó thở, nhất là về đêm, khi thay đổi thời tiết hoặc hít phải các mùi nồng gắt (sơn tường, dầu thơm, thuốc lá…), ăn thực phẩm gây dị ứng.

Một dạng khác, không điển hình, ngay cả làm các test chức năng hô hấp cũng không ra, đó là hen do ho, còn gọi là suyễn giấu mặt. 

Dù suyễn giấu mặt chiếm đến 28% nhưng nếu thầy thuốc không am hiểu và thiếu phương tiện chẩn đoán cũng khó nhận biết. Gọi là “giấu mặt” vì chúng không thể hiện đủ ba dấu hiệu điển hình trên, chỉ ho nhưng không kèm khó thở hoặc khò khè nên thường bị nhầm là viêm họng.

Ngoài ra, một loại suyễn giấu mặt khác là chỉ biểu hiện khó thở hoặc đau thắt ngực mà không ho, không khò khè nên thường bị nhầm với các bệnh lý tim mạch. 

Điều nguy hiểm nhất mà suyễn giấu mặt gây ra là làm chậm việc điều trị khiến những tổn thương đường dẫn khí thành sẹo, hóa xơ, thuốc suyễn không đáp ứng được, hoặc chuyển sang dạng phổi tắc nghẽn mạn tính, thậm chí tử vong do cơn suyễn cấp tính. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI