Rắn độc cắn nát chân bà cụ, bác sĩ phải dùng kỹ thuật cao để che vết thương

06/12/2018 - 15:13

PNO - Ngay sau khi bị rắn độc cắn, bà Trần Thị Y. bất tỉnh trong vườn nhà. Vì không được phát hiện sớm nên độc rắn lan rộng và vết thương nham nhở.

Trưa 6/12, GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - cho biết bệnh viện này vừa lấy vạt da đùi 20x8cm để tạo hình che vùng cổ chân phải cho bà Trần Thị Y. bị rắn độc cắn nát. Đặc biệt, ca mổ phải áp dụng kỹ thuật vi phẫu nối từng mạch máu nhỏ để đảm bảo cho vết thương lành lặn.

Bà Y. (64 tuổi, ở thị xã Hương Trà) được người nhà đưa đến cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng sốc do nhiễm độc nặng. Sau khi được hồi sức cấp cứu qua cơn nguy kịch, bệnh nhân được đưa về khoa Chấn thương Chỉnh hình để điều trị.

Ran doc can nat chan ba cu, bac si phai dung ky thuat cao de che vet thuong

Lúc này, chân trái bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc và khuyết hổng lộ gân, xương, mạch máu. Bệnh nhân được chỉ định cắt lọc các mô da bị hoại tử nhiều lần và tiến hành ghép da để che lành vết thương.

Bác sĩ Hồ Mẫn Trường Phú – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Huế - cho biết: đây là một ca phẫu thuật rất khó, vết thương lớn, nham nhở phải dùng kỹ thuật vi phẫu mới có thể giúp vết thương lành lặn.

Mặt khác, hai ê-kíp phẫu thuật tiến hành cùng lúc trên cơ thể bệnh nhân: vừa lấy vạt da với hai cuống mạch nuôi vừa cắt lọc tổ chức hoại tử, nhiễm trùng... để ghép da.

Sau 50 ngày, vùng da ghép của bà Y. tươi hồng, chứng tỏ mạch máu đã đến nuôi da mới ghép. Vết mổ khô ráo, không chảy dịch. Bệnh nhân chuẩn bị xuất viện.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI