Qua mùa dịch, sởi vẫn diễn biến bất thường

27/05/2019 - 07:00

PNO - Mặc dù thường xuất hiện cao điểm vào mùa đông - xuân, nhưng mùa hè năm nay, tại nhiều bệnh viện của khu vực miền Bắc, bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục gia tăng.

Bệnh sởi gia tăng vào ngày nóng

Nằm điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bé P.T.K. (2 tuổi, Hà Nội) vẫn còn lấm tấm trên cơ thể những nốt phát ban do sởi để lại. Cậu bé gầy gò, ốm yếu thường xuyên quấy khóc khiến người mẹ mệt mỏi và lo lắng.

Người mẹ chia sẻ, K. nhập viện đã hơn 10 ngày nay. Cháu K. đã được tiêm một mũi vắc-xin phòng bệnh sởi và chuẩn bị tiêm mũi kế tiếp thì bất ngờ mắc thủy đậu. Khi căn bệnh này chưa khỏi, cháu lại tiếp tục nhiễm sởi khiến cơ thể gần như suy kiệt.

Bác sĩ Lê Thanh Tùng - Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, bệnh nhi K. nhập viện trong tình trạng bị bội nhiễm do mắc sởi. Trẻ bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp và phải thở máy. Hiện, sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, trẻ đã có nhiều tiến triển tích cực hơn, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục ở lại viện để theo dõi.

Qua mua dich, soi van dien bien bat thuong
Bệnh nhi sởi tại Bệnh viện Thanh Nhàn có xu hướng gia tăng đột biến so với năm 2018

Chưa biến chứng tới mức phải thở máy như K., song cháu N.V.M. (2 tuổi, Hà Nội) cũng khiến cả gia đình một phen hoảng hồn vì diễn biến nhanh, bất ngờ của bệnh sởi. Thấy trẻ có biểu hiện mỏi mệt, sốt, gia đình cho cháu uống hạ sốt và theo dõi thêm tại nhà. Tuy nhiên, cháu M. sốt cao tới 410C và xuất hiện các cơn co giật. Tới lúc này, gia đình mới vội vàng đưa M. vào bệnh viện cấp cứu.

Trường hợp của cháu K., M. chỉ là hai trong số nhiều bệnh nhi nhập viện vì biến chứng của sởi trong thời gian gần đây. Bác sĩ Tùng cho hay, nếu cả năm 2018, Khoa Nhi chỉ tiếp nhận một vài trường hợp sởi thì năm nay con số có sự gia tăng đột biến. Trung bình một ngày, đơn vị này tiếp nhận từ 3 - 5 trường hợp mắc sởi, thậm chí có ngày cao điểm lên tới 10 trường hợp, khiến Khoa Nhi của bệnh viện luôn trong tình trạng kín chỗ.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi trung ương, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 20 - 30 bệnh nhi mắc sởi từ Hà Nội và khu vực phía Bắc. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương, trong số trẻ nhập viện, có tới gần 90% trường hợp là do chưa được tiêm phòng. Nhiều trẻ nhập viện điều trị bệnh hô hấp cũng bị lây nhiễm chéo bệnh sởi. Điều đáng nói, bệnh sởi là căn bệnh thường xuất hiện vào mùa đông - xuân, nhưng năm nay, dù đã vào hè nhưng số ca bệnh chưa có chiều hướng giảm.

Nghịch lý này cũng khiến các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) phải lên tiếng cảnh báo. Bởi theo số liệu thống kê của bệnh viện, trong bốn tháng đầu năm nay, đơn vị này ghi nhận hơn 30 ca mắc sởi, trong khi đó, vào cùng kỳ năm ngoái không hề có ca bệnh sởi nào. Trong số các bệnh nhân mắc sởi tại bệnh viện, bên cạnh việc chưa tiêm hoặc tiêm thiếu mũi phòng bệnh cho trẻ, đáng lưu ý có nhiều trường hợp trẻ bị lây bệnh sởi từ chính cha mẹ, vì tâm lý chủ quan không tiêm phòng của người lớn. 

Hà Nội tiếp tục tiêm “bao phủ” cho nhóm trẻ 6 - 10 tuổi

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm tới nay, trong các căn bệnh truyền nhiễm, số ca mắc sởi đang dẫn đầu với gần 1.300 trường hợp mắc. Trong tháng Năm, mỗi tuần, có từ 80 tới gần 90 ca sởi được phát hiện. Dù rằng bệnh dịch hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, dịch bệnh vẫn có nhiều nguy cơ gia tăng, ngay cả khi mùa cao điểm đông - xuân đã qua.

Qua mua dich, soi van dien bien bat thuong
Trẻ bị sởi. Ảnh: Phạm An

Lý giải về điều này, ông Cảm cho hay, theo chu kỳ 5 năm, năm 2019 là cột mốc được dự báo bệnh sởi sẽ diễn biến phức tạp. Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà bệnh này đang có xu hướng tăng cao tại nhiều nước trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, đặc biệt tại châu Phi cao nhất tới 700%, so với cùng kỳ năm 2018. Tại Mỹ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại 22/50 bang với 695 trường hợp mắc; đây là số trường hợp mắc cao nhất trong 25 năm trở lại đây của nước này.

Nhận định được sự phức tạp của bệnh dịch, từ cuối năm 2018, TP.Hà Nội đã bắt đầu triển khai tiêm chủng bổ sung miễn phí vắc-xin sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Đến nay, với tổng số trẻ được tiêm, theo Sở Y tế Hà Nội là hơn 590.000, chiếm tỷ lệ 97,36%. Tuy nhiên, các ca bệnh trong nhóm tuổi 1 - 5 đã giảm, nhưng lại có số mắc cao ở nhóm 6 - 10 tuổi. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tiêm phòng bao phủ cho nhóm tuổi này. n

Trước con số 59/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi, ông Nguyễn Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ, hơn 98% người mắc bệnh có tiền sử chưa tiêm phòng vắc-xin sởi, không rõ tiền sử tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi.

Để hạn chế tình trạng này, ông Phu khuyến cáo, cùng với trẻ nhỏ, người lớn chưa tiêm vắc-xin sởi cũng cần chủ động tiêm phòng. Khi trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa tới các cơ sở y tế  để tránh lây lan, cách ly người bệnh ít nhất bảy ngày kể từ khi phát ban sởi để tránh lây lan ra xung quanh…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI