Nữ bác sĩ chiến trường năm xưa: ‘Thời bình hay thời chiến, mỗi bác sĩ đều có trận chiến của riêng mình’

01/05/2019 - 06:00

PNO - Với bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Đức, nếu như chiến tranh, cán bộ y tế phải tránh bom rơi, chiến đấu với bệnh tật, thì thời bình, bác sĩ không chỉ đấu tranh với giặc bệnh, còn phải chiến đấu với chính mình trước lợi ích kinh tế.

"Nghe tôi làm dân y, mẹ tôi mang bức chân dung của tôi lộng kính để chuẩn bị... thờ"

Năm 1949, cô gái Nguyễn Thị Hồng Đức chào đời ngay trên mảnh đất Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh. Theo thời gian, cô đã chứng kiến biết bao trận càn quét, bệnh tật dày xéo quê hương. Lớn lên, cô gái ấy chọn vào Trường Y Hải Phòng để phần nào xoa dịu những nỗi đau bom đạn.

Nu bac si chien truong nam xua: ‘Thoi binh hay thoi chien, moi bac si deu co tran chien cua rieng minh’
Bác sĩ Hồng Đức lúc chuẩn bị vào chiến trường B2

Những hôm đi học, nghe ở đâu có tiếng súng, sau trận bom đạn, Hồng Đức cùng các bạn liền chạy ra tham gia cứu thương.

21 tuổi, sau khóa huấn luyện đặc biệt, thiếu nữ Hồng Đức chính thức trở thành cán bộ y tế chiến trường với nhiệm vụ phục vụ cơ yếu chính phủ, chăm sóc sức khỏe, cứu thương cho cán bộ tổng tại chiến trường B2 miền Nam Việt Nam.

Bác sĩ Hồng Đức nói: “Chiến trường B2 là nơi diễn ra những trận đánh rất ác liệt, bạn bè phổ thông, anh trai tôi đều hy sinh tại đây. Tôi có 4 anh trai, hy sinh hết trong hai cuộc kháng chiến, nên khi tôi nói với mẹ “Con sẽ vào Nam, phụ các cô các chú cứu thương”, mẹ tôi không nói gì, bà lấy hình của tôi, nhờ thợ tô chút son môi, bôi thêm tí phấn rồi lộng khung để chuẩn bị… làm hình thờ”.

Nu bac si chien truong nam xua: ‘Thoi binh hay thoi chien, moi bac si deu co tran chien cua rieng minh’
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Đức: 'Bác sĩ thời bình và thời chiến đều phải đấu tranh vì lý tưởng của mình'

Đi cùng 32 cán bộ y tế, có các chiến sĩ bộ đội, sau 2 tháng 16 ngày băng rừng, lội suối phần do bom mìn, khi thì sốt rét, bệnh tật, rắn cắn… Đến trạm cuối cùng, nơi giáp ranh ở Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chiến sĩ bộ đội giảm đi ít nhiều. Nơi các cô gái, chàng trai dừng lại, chỉ được đất mẹ chở che bằng những hố huyệt đào vội.

“Lúc đó sợ chứ, sợ mình như các anh trai, không còn ai phụng dưỡng cha mẹ, nhưng khi tôi 5 tuổi, hình ảnh ba mẹ tôi tham gia kháng chiến ở nhà máy đóng tàu Bạch Đằng đợi các cô chú trong Nam tập kết ra, mẹ tôi không gói bánh chưng nữa, mà làm toàn bánh tét, kêu tôi mang lên mời các cô các chú. Thấy bánh tét, các chú bộ đội bật khóc, ôm tôi rồi nói chú nhớ miền Nam quá, khiến tôi thấy thương mảnh đất này lắm. Nay miền Nam cần chúng tôi, dù bệnh tật vẫn phải nương mình vào hai chiếc gậy, quyết xuyên rừng Trường Sơn để bước về phía trước, phải đi thôi”, bác sĩ Hồng Đức xúc động.

Vào miền Nam, cô được phân công vào Ban Dân y miền Nam, Bệnh viện Liên cơ C6/BS67, căn cứ ở giữa rừng già đất bạn Camphuchia với nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh nhân ở cơ quan dân chính, không phân biệt lính của quốc gia nào, miễn vào bệnh viện tất cả đều là bệnh nhân.

Nu bac si chien truong nam xua: ‘Thoi binh hay thoi chien, moi bac si deu co tran chien cua rieng minh’
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Đức (bên trái) và bác sĩ Ngô Thị Thơ sau Hiệp định Paris 1973 bên sông Vàm Cỏ.

"Dòng sữa những năm tháng ấy vẫn chảy trong mắt tôi"

Cứu thương giữa vùng đất “nóng” nhất lúc bấy giờ, ngoài những trận bố ráp của giặc, y bác sĩ luôn bị nạn dân nghèo đói, khổ sở đến cướp bóc, có người vì miếng ăn sẵn sàng giết chết bác sĩ vừa cứu sống họ. Bom đạn, bệnh tật, thời tiết khắc nghiệt có thể bào mòn cơ thể nhưng ý chí, tinh thần, lòng quyết tâm của 32 cán bộ y tế ở đây luôn chiến thắng tất cả.

Trong những tình huống thoát chết, kỷ niệm đáng nhớ nhất của bác sĩ Hồng Đức là một lần cô bị sốt rét, ráng đứng phụ mổ cho một thương binh xong, cô ra phía ngoài móc võng vào cây rừng nằm nghỉ. Chưa kịp ngả lưng, cô liền nghe tiếng nổ lớn rồi xung quanh tối thui, sau đó đồng nghiệp liên tục gọi “Hồng Đức ơi, Hồng Đức ơi, Hồng Đức mới về mà, Hồng Đức đâu rồi” nhưng không thể nhìn thấy ai.

Nu bac si chien truong nam xua: ‘Thoi binh hay thoi chien, moi bac si deu co tran chien cua rieng minh’
Thời bình hay thời chiến, mỗi bác sĩ đều có trận chiến của riêng mình

“Lúc này tôi biết mình bị vùi dưới lòng đất, chỉ không biết sâu bao nhiêu và liệu mọi người có moi tôi lên kịp không, nhưng tôi tin họ sẽ tìm tôi. Tôi cố gắng nằm im để đất không lắp hết chút khe hở còn sót lại, vừa ráng thở, vừa nghe tiếng bước chân chạy tới chạy lui của anh chị em phía trên, nghe họ nói "võng này của Hồng Đức, Hồng Đức ơi em ở đâu rồi, hay Hồng Đức bị vùi, Hồng Đức bị vùi rồi".

Vài phút sau, mọi người kéo tôi lên, ai cũng khóc khi thấy tôi còn sống, tôi nhìn quanh, tay các anh chị bật máu vì cố cào đất cứu tôi”- bác sĩ Hồng Đức cười, kể nhẹ tênh vì “ai cũng từng bị vùi, không chỉ riêng tôi, nhưng tôi là một trong số ít người may mắn còn có thể cười được”.

Như một anh bộ đội chỉ mới 19 tuổi, quê ở Cà Mau được chuyển đến với đôi chân đứt rời, mất máu rất nhiều, người đói run. “Khác với những thương binh bên cạnh, cậu ta cứ cười, tôi hỏi sao bạn cười hoài vậy, cậu ta mới nói còn gì nữa đâu chị, tôi pha sữa cho cậu ấy, uống xong, cậu mất, nếu như thời bình, đầy đủ trang thiết bị, có lẽ cậu ta sẽ không dừng lại ở độ tuổi đẹp nhất của đời người”. 

Nu bac si chien truong nam xua: ‘Thoi binh hay thoi chien, moi bac si deu co tran chien cua rieng minh’
Tuy đã về hưu nhưng bác sĩ Hồng Đức vẫn còn rất nhiều tâm huyết với nghề

Hay vào một đêm tháng 3, sau cơn mưa giữa rừng già, bác sĩ Hồng Đức cùng đồng nghiệp là y tá Thanh Vân tiếp nhận một cán bộ nữ bị rắn cắn. Tuy đã sơ cứu nhưng ai cũng lo lắng khi biết đúng một ngày đường chị mới được chuyển tới bệnh viện.

“Tôi mời thầy Trần Y, đang là Viện trưởng của Bệnh viện Liên cơ lúc bấy giờ để xem bệnh. Anh đau đớn kêu lên “Rắn độc rồi Đức ơi!”. Chúng tôi lập tức thực hiện các y lệnh cấp cứu. Khi bệnh nhân ổn định, chị nói mới sinh em bé được hai tuần, đang kể thì chị mệt, tay chân lạnh, huyết áp xuống rất nhanh, vết bầm lan ra nhiều lắm. Thầy trò tôi liên tục cấp cứu, tôi xoa tim cho chị, ấn ngực thấy tay mình ướt đẫm, đó là sữa, những dòng sữa trắng đục tràn ra, lạnh dần dưới tay tôi”, bác sĩ Hồng Đức nghẹn ngào, dòng sữa năm tháng ấy, vẫn chảy trong mắt cô, mỗi khi nhắc lại sự khắc nghiệt nơi chiến trường.

Bác sĩ thời bình ngoài bệnh tật còn phải đấu tranh với chính mình trước lợi ích kinh tế

Nỗi đau, nước mắt rồi cũng đổi được hòa bình, đến ngày 2/5/1975, bác sĩ Hồng Đức được cử về tiếp quản Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc này bệnh viện có 800 nhân viên với các phương tiện, điều kiện kỹ thuật rất hiện đại. Bác sĩ thời bình và chiến tranh khác nhau rất nhiều, các cô tiếp tục đi học để nâng cao tay nghề và biết cách sử dụng máy móc. 

Nu bac si chien truong nam xua: ‘Thoi binh hay thoi chien, moi bac si deu co tran chien cua rieng minh’
Khi còn sức khỏe, bác sĩ Hồng Đức luôn tìm kiếm đồng đội của mình, hiện cô luôn đau đáu với hai phần hài cốt của chiến sĩ hy sinh chưa có gia đình đến nhận.

Mỗi lần cứu được một bệnh nhân mắc bệnh như những bệnh nhân ở chiến trường xưa, lòng cô lại dâng lên nỗi tiếc nuối, nếu như lúc đó có phương tiện, có máy thở, có nhiều máu hơn thì những tuổi xuân vừa chớm nở sẽ không phải vội tàn. Ngành y không phân biệt chiến sĩ của mình, hay quân địch cũng là một mạng sống, người thân của họ mong mỏi họ về.

Làm bác sĩ của thời chiến lẫn thời bình, cô Hồng Đức cho rằng chiến tranh tàn khốc, nhưng cuộc chiến lớn nhất của người bác sĩ là tự chiến đấu với chính bản thân mình trước cám dỗ, trước lợi ích kinh tế, cái mà khiến một người bác sĩ từ lý tưởng cứu người có thể giết chết mọi người.

Trên thực tế, ngành y của Việt Nam vẫn còn nhiều bác sĩ dành cả đời cho sức khỏe người dân, nhưng bên cạnh đó, vẫn có bác sĩ giỏi, không chịu nổi sự khó khăn nên nặng về cạnh tranh kinh tế dẫn đến so đo công sức, thu nhập, không ít bác sĩ sa ngã và vẫn còn trong cuộc chiến tàn khốc nhất – cuộc chiến kinh tế, lợi ích cá nhân.

Nu bac si chien truong nam xua: ‘Thoi binh hay thoi chien, moi bac si deu co tran chien cua rieng minh’
Mục tin buồn cũng là nơi cô Hồng Đức tìm lại người quen, cô không hy vọng có tên họ tại đây, nhưng nhiều đầu mối đứt đoạn, nếu 'bắt gặp' người quen, cô còn có địa chỉ để đến thăm họ.

Bác sĩ Hồng Đức trăn trở khi nhắc về nỗi buồn của chính mình, nỗi đau của ngành y. Chính một bác sĩ đàn em của cô, được đi học ở nước ngoài về nên rất giỏi nhưng cám cảnh ngành y… bạc bẽo, cuộc đời nghèo khó, vị bác sĩ lao vào kiếm tiền bất chấp. 

“Biết chuyện, tôi tìm gặp rồi nói thầy thuốc có thể làm kinh tế vì còn gia đình họ, nhưng phải giữ được cho mình cái tâm sáng. Nếu em muốn có thật nhiều tiền, em đừng theo nghề y nữa. Thực tế tôi nhìn nhận bác sĩ bây giờ chịu rất nhiều áp lực, cũng có sai lầm, cũng ứng xử không tốt với bệnh nhân, nhưng công bằng mà nói bệnh nhân cũng có những người khiến bác sĩ sa ngã. Chính tôi từng thấy bệnh nhân họ không thật lòng, họ muốn được việc họ, họ mang đến lợi ích, bắt bác sĩ phải nhận, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm hư thầy thuốc”, bác sĩ Hồng Đức chùng xuống.

Bác sĩ Hồng Đức nhận ra nghề y hiện nay cũng có những khó khăn, như mỗi ngày một bác sĩ khám hơn 300 bệnh, vành tai đỏ chóe, sưng lên vì đeo ống nghe quá nhiều. Tâm trạng không tốt, dẫn đến ứng xử nóng nảy, khám bệnh qua loa, ban đầu chỉ là sự bộc phát nhưng dần dần trở thành thói quen, ngay chính cô cũng từng gặp nhiều tình huống bệnh nhân bị nhân viên y tế đối xử cộc cằn khi vào ra bệnh viện khám bệnh.

Bác sĩ Hồng Đức cho rằng cuộc chiến cơm, áo, gạo, tiền, con cái phải được đầy đủ, áp lực từ những sự cố y khoa khiến bác sĩ không còn đủ tỉnh táo để chiến đấu với bệnh tật, chiến đấu với lợi ích. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, người bác sĩ 70 tuổi, đã nghỉ hưu nhưng vẫn tâm huyết với nghề, luôn cảm thông cho thế hệ bác sĩ thời bình, luôn tin tưởng dù thời bình hay thời chiến, tình yêu thương, y đức sẽ vượt lên tất cả.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI