Những lưu ý về việc dưỡng sức cho cô dâu và chú rể trong mùa cưới

12/09/2016 - 10:30

PNO - Mùa cưới đang đến, nhiều cặp đôi tất bật chuẩn bị trang phục cưới, nơi đãi tiệc, khách mời… Thế nhưng, mọi người thường quên một phần quan trọng: chăm sóc sức khỏe cô dâu chú rể.

Thiếu ngủ, đi lại nhiều, bỏ ăn

Mỗi lần nhắc lại đám cưới là vợ chồng chị Nguyễn Thu H.-Trần Minh T. (đều 29 tuổi), ở P.9, Q.5, TP.HCM lại tiếc nuối xen lẫn hối hận, do không được hưởng trọn vẹn ngày vui. Yêu nhau 5 năm mới đến được với nhau do gia đình chị H. không đồng ý anh con rể làm nghề tài xế. Đến khi được sự đồng ý của cha mẹ, chị H. cùng anh T. chỉ có hai tháng chuẩn bị đám cưới vào tháng 6/2016. Vừa đi làm, anh chị vừa tranh thủ buổi trưa lên ý tưởng cho tiệc cưới, rồi chọn thiệp cưới, xem nơi đặt tiệc, thử áo cưới, lựa chọn trang sức và chụp hình cưới, lễ hỏi…

Lo lắng, chạy tới chạy lui lo mọi việc, không nghỉ trưa, lại thức khuya, nên đến ngày cưới cả hai vợ chồng đều đuối. Lẽ ra, đó là một ngày vui, hân hoan. Thế nhưng, trong lúc quan khách đang cụng ly khí thế chúc mừng thì chị H. loạng choạng rồi ngất xỉu. Mọi người nháo nhào đưa chị vào phòng thay đồ nghỉ ngơi, đánh gió và cho uống nước. Một lát sau chị tỉnh, nhưng không thể đi chào bàn. Vậy là, đám cưới chỉ có mình chú rể đi cảm ơn khách, xem lại hình cưới chị vừa tiếc, vừa buồn.

Với những cô dâu - chú rể có quê khác nhau, rồi lại làm việc ở một nơi khác, đám cưới quả là thử thách sức người. Chị Ngọc Bích, 26 tuổi, nhân viên một công ty tin học ngao ngán kể: “Nhà mình ở Kiên Giang, nhà chồng ở Bình Dương, cả hai làm việc ở TP.HCM nên tiệc cưới tổ chức đủ ba nơi. Vì không có nhiều thời gian và tính để dành những ngày nghỉ cho tuần trăng mật nên chúng mình tổ chức ba bữa tiệc trong ba ngày liên tục.

3g sáng mình dậy đi trang điểm, làm tóc. Chồng cũng xuống quê cùng đãi tiệc rồi vội vã về để hôm sau đón dâu và đãi tiệc nhà trai. Đến tiệc thứ ba thì vợ chồng nhấc chân không muốn nổi, mắt chỉ muốn nhắm, miệng đơ, cười như cái máy. Ông chồng di chuyển xe liên tục mấy ngày, lại uống bia rượu nhiều nên đám cưới mà gia đình hai bên và cả chúng mình đều căng thẳng, sợ kiệt sức.

Nhung luu y ve viec duong suc cho co dau va chu re trong mua cuoi

Mẹ chồng mình chốc chốc cho hai đứa ngậm lát sâm cho đỡ mệt, chứ không thể nuốt trôi món gì. Vì vậy, mình chỉ mong mau kết thúc tiệc và đám cưới xong thì hai vợ chồng đều cảm sốt, nằm bẹp, phải hủy chuyến du lịch trăng mật Singapore, chấp nhận mất tiền vì đã mua vé máy bay giá rẻ trước rồi”.

Chăm sóc sức khỏe cô dâu, chú rể

Ngày nay, đám cưới hầu hết bạn trẻ tự lo, tự quyết, nên khá hao tốn sức lực. Trước ngày vui, ai cũng háo hức nên không biết rằng, việc đón khách, đãi tiệc, cộng thêm trước đó thức khuya, lo lắng, nhịn đói, di chuyển xe cộ, uống bia rượu… sẽ dễ làm cô dâu chú rể quỵ.

Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe trong ngày cưới, một điều không thể quên là phải ăn, uống điều độ, tuyệt đối không được nhịn. Nếu quá mệt hay không có thời gian thì tranh thủ ăn nhẹ chén xúp, cái bánh ngọt, uống hộp sữa… Trong lúc đi chào bàn có thể “nhâm nhi” miếng chả, muỗng cơm. Đặc biệt, nếu tửu lượng không cao, không nên uống thả ga, nên cầm rượu vang, hoặc “ăn gian” bằng nước giải khát có màu giống bia để cụng ly mà không say.

Trước đám cưới, cần hạn chế thức khuya, nên ngủ đủ từ sáu-tám tiếng mỗi ngày để làn da hồi phục. Ngoài ra, nên ăn nhiều rau củ, trái cây, nước ép trái cây vừa giúp tăng cường sức đề kháng, vừa giúp cô dâu có chú rể có làn da tươi sáng.

Theo ThS-BS Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết Niệu BV Đại học Y Dược TP.HCM, cô dâu chú rể còn phải chú ý sức khỏe cho cả “chuyện ấy”. Thông thường, trước đám cưới, có không ít chàng tự bổ sung rượu Minh Mạng, cá ngựa, ăn trứng lộn, trứng ung… để sung mãn. Thế nhưng, có trường hợp sung không thấy, mà suýt mãn… phần.

Như anh Nguyễn V. 27 tuổi ở Bình Chánh, TP.HCM trước khi cưới vợ đã được “đồng bọn” bỏ nhỏ một bài thuốc cường dương là trứng ung. Anh V. tẩm bổ ba trứng với hy vọng bừng bừng khí thế đêm tân hôn. Nhưng trớ trêu, khi sắp “lâm trận” thì anh đau bụng quằn quại và ói, phải đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược cấp cứu.

Các BS cho biết, gần đây nhiều người đồn đại trứng ung giúp cường dương, sung mãn vì có chứa khí Hydro Sulfur (H2 S), ít nhiều có tác dụng lên thành mạch của hệ thống mạch máu thể hang (của dương vật) giúp duy trì khả năng cương. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết. Còn sự thật là trứng ung không còn chất dinh dưỡng vì protein đã bị tiêu hủy. Chưa kể, vỏ trứng không còn tác dụng bảo vệ nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào, bao gồm cả các ký sinh trùng và vi khuẩn thương hàn, sinh ra nhiều độc tố rất nguy hiểm cho cơ thể.

Theo BS Nguyễn Hoàng Đức, để có đêm tân hôn, tuần trăng mật cũng như duy trì cuộc sống “gối chăn” được viên mãn, vợ chồng, đặc biệt là quý ông cần thường xuyên tập thể dục, tập sự dẻo dai và sức bền, sống lành mạnh, điều độ, giảm căng thẳng… Không nên lạm dụng thực phẩm bổ sung được quảng cáo có tác dụng tăng cường sinh lực. Bên cạnh đó, nam giới có thể ăn thêm thịt đỏ, bổ sung chất kẽm từ con hàu có tác dụng tăng lực và “dinh dưỡng” cho tinh trùng.

Đừng quên khám tiền sản

Khám tiền sản là “cái gốc” trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cô dâu chú rể. TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết- Giám đốc BV Phụ sản Hùng Vương nhấn mạnh: “Khám tiền sản trước khi kết hôn là điều rất cần thiết, bởi sẽ giúp các bạn trẻ phát hiện ra những vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe như có mang mầm bệnh hay không, khả năng mang thai… Thế nhưng, hiện nay ít người xem trọng việc này, chỉ khi xuất hiện bệnh lý, hiếm muộn, thậm chí cả ung thư khi mang thai, họ mới đến BV khám - trong khi những vấn đề này có thể đã được phát hiện nếu có khám tiền sản, sẽ hạn chế được nhiều rủi ro về sức khỏe”.

Có không ít trường hợp sau khi cưới mới phát hiện chồng/vợ mang bệnh viêm gan B, C hay lậu, giang mai hoặc vô sinh… Có đôi vẫn chấp nhận, đồng cam cộng… chữa bệnh.

Tuy nhiên, cũng có người không dễ bỏ qua như chị Nguyệt M.- ở P. An Lạc, Q.Bình Tân. Sau khi cưới gần sáu tháng, chị mới biết chồng mắc bệnh viêm gan C sáu năm. Chồng sợ mất chị nên không dám nói sự thật, còn chị dù thương chồng - nhưng lúc cơm không lành lại nhớ chuyện cũ, cho rằng chồng lừa dối mình. Hiện, vợ chồng chị không dám sinh con, vì chi phí chữa bệnh cho chồng gần 20 triệu đồng/tháng - xem như gần hết thu nhập của cả hai.

BS CKI Trần Thị Nhật Vi, Khoa Phụ sản - BV ĐH Y Dược cho biết, tầm soát sức khỏe trước khi kết hôn thì các cặp đôi được khám tổng quát các bệnh lý nội, ngoại khoa như tuyến giáp (cường giáp, nhược giáp), tim mạch, hô hấp (hen phế quản) để đảm bảo sức khỏe cho việc kết hôn và mang thai. Cả hai người sẽ được chỉ định xét nghiệm tổng quát để loại trừ thiếu máu, bệnh lý hồng cầu nhỏ nhược sắc do Thalassemie. Việt Nam nằm trong nhóm vùng dịch tễ của Thalassemie. Bệnh lý này khá nguy hiểm vì nếu trong trường hợp cả hai người cùng bị mang gen Thalassemie thể lặn mà kết hợp với nhau thì sẽ có 25% những trường hợp bé sinh ra bị thiếu máu nặng.

Ngoài ra, sâu răng và các bệnh răng miệng khác cần được kiểm tra để tránh các biến chứng khi mang thai như sinh non. Phần khám thứ hai là phụ khoa cho các chị, gồm tầm soát ung thư cổ tử cung (phụ nữ đã có quan hệ tình dục), các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, Chlamydia, giang mai, HIV, viêm gan B...), kiểm tra chức năng sinh sản.

Đối với nữ giới, cần loại trừ những bất thường về cấu trúc của tử cung, buồng trứng. Nếu có u xơ to, u buồng trứng thực thể thì cần phẫu thuật trước khi có thai, tính chất kinh nguyệt (đánh giá thời kỳ rụng trứng, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang…).

Còn nam giới sẽ được sàng lọc dựa trên việc trả lời những câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp, môi trường tiếp xúc… Tiền sử bệnh lý của gia đình cũng cần được sàng lọc để xác định nguy cơ di truyền cho thai nhi, qua đó phòng tránh được nhiều rủi ro, nguy cơ cho thai phụ

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI