Những ai tuyệt đối không được ngâm chân?

20/03/2017 - 17:55

PNO - Theo bác sĩ Trần Văn Năm, nguyên Viện phó Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, bàn chân là nơi hội tụ nhiều nhánh tận cùng của các dây thần kinh ngoại biên và hệ động - tĩnh mạch chi dưới.

Ngâm chân trị bệnh phải đúng cách

Theo y học cổ truyền, lưng và lòng bàn chân có nhiều huyệt, khi tác động sẽ ảnh hưởng tốt đến toàn cơ thể như giúp điều hòa nhịp tim, ổn định huyết áp, chống đau đầu, trị mất ngủ… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết dùng dược liệu để ngâm chân cho đúng, đạt hiệu quả thư giãn và chữa bệnh.

Nhung ai tuyet doi khong duoc ngam chan?
Nhiều “bác sĩ Guốc-gồ” vẫn chỉ dẫn bà bầu ngâm chân, trong khi BS khuyên không nên

Theo thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Đàn, giảng viên đại học Y Dược TP.HCM, những người đang mang thai, nhất là ba tháng giữa thai kỳ trở đi thì tuyệt đối không được ngâm chân. Khi đó thai đã to, có thể gây chèn ép tĩnh mạch vùng chậu khiến máu từ chân về tim kém. Nếu ngâm chân, dù là ngâm với thảo dược, cũng sẽ gây ứ trệ ở chi dưới, càng làm máu hồi lưu về tim kém, không tốt cho sức khỏe và khiến chân sưng phù thêm.

Người cao tuổi cũng thường bị suy tĩnh mạch chi dưới, ngâm chân sẽ làm bệnh lý này nặng thêm. Ngoài ra, người bị tiểu đường cũng không được ngâm chân, vì bệnh lý này thường có biến chứng ở bàn chân, ngâm chân có thể sinh lở loét, hoại tử. Bệnh nhân tiểu đường còn hay bị rối loạn cảm giác bàn chân, ngâm nước nóng có khi không cảm nhận được độ nóng nên dễ bị phỏng.

Ngâm chân đúng cách 

Chị Kim Yến, 38 tuổi, ở P.2, Q.5, TP.HCM kể, có người quen hướng dẫn chị ngâm chân với rượu gấc, rượu nghệ và gừng pha chung với nước ấm. Làm thử mỗi tối, chị thấy có dễ ngủ và đỡ đau gối hơn. Thế là chị tăng “thuốc” lên gấp đôi, ngâm từ 30 phút lên một giờ.

Sau hơn ba tháng ngâm chân như thế, da chân chị bị xỉn màu vàng nghệ, chân đau nhiều hơn, đi đứng rất khó khăn. Đến BV ĐH Y Dược khám, BS cho biết chị bị dãn tĩnh mạch độ 3, nguyên nhân có thể do ngâm chân không đúng cách. 

Bác sĩ Trần Văn Năm khuyến cáo, tuy liệu pháp ngâm chân rất tốt cho cơ thể, nhưng phải đúng người, đúng cách và đúng thuốc.

Các vị thuốc thường dùng ngâm chân là gừng tươi đâm nhuyễn khoảng 15-20g trộn với một muỗng canh muối hạt to (hoặc nhuyễn). Có thể phối hợp thêm các dược liệu khác như thiên niên kiện 15g, nhục quế 5g, đại hồi 8g, địa liền 12g, độc hoạt 10g, sa nhân 10, thuốc cứu (ngãi cứu) 15-20g, lá lốt 15-20g…

Nhung ai tuyet doi khong duoc ngam chan?
 

Cách “bào chế thuốc” ngâm chân khá đơn giản, chỉ cần nấu các dược liệu với khoảng 1,5-2 lít nước, cho đến khi còn lại khoảng 1,5 lít, pha thêm nước nguội cho nhiệt độ còn khoảng 40 độ C, khi ngâm phải châm tiếp nước nóng để duy trì nhiệt độ đó trong suốt quá trình ngâm.

Tuyệt đối không được ngâm với nước quá nóng, dễ làm bỏng chân và làm tăng tình trạng dãn tĩnh mạch khiến chân bị sưng phù. Ngược lại, ngâm nước lạnh có thể bị nhiễm lạnh, gây cảm, ho, sổ mũi…  

Lưu ý: Chỉ để lượng nước ngâm vừa phải, từ mắt cá trở xuống, không được ngâm đến bắp chân. Trong quá trình ngâm, có thể thả vài viên sỏi hoặc dụng cụ massage gan bàn chân để lăn bàn chân lên, giúp tăng hiệu quả. Nên chọn phòng thoáng mát, tránh gió lùa và thư giãn khi ngâm chân.

Chỉ ngâm chân khoảng 30 phút, sau đó có thể tự massage bàn chân bằng cách dùng lòng bàn tay xát mạnh và xoay tròn các ngón chân, chú ý tìm những điểm có cảm giác đau, ấn day vào đó sẽ tăng hiệu quả phòng - trị bệnh. Khi ngâm chân phải có một chiếc khăn bên cạnh, ngâm xong lau khô chân ngay, nếu không sẽ dễ cảm lạnh.

Thùy Dương

Không ngâm chân khi bị nhiễm trùng hoặc loét nặng ở da bàn chân; đang mang thai; mắc bệnh suy dãn tĩnh mạch, bệnh tiểu đường. Không ngâm cả phần cẳng chân (bắp chân) trong nước vì sẽ làm nặng thêm tình trạng dãn tĩnh mạch chân, nếu có; chỉ ngâm từ mắt cá trở xuống. Không ngâm trong nước quá  nóng (trên 60 độ C).
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI