Người phụ nữ nghiện tập thể dục đến gãy xương, mất kinh nguyệt

02/05/2017 - 09:30

PNO - Tập thể dục tốt cho sức khỏe và sắc vóc, nhưng nghiện tập thể dục quá mức sẽ gây hại đến sức khỏe.

Đó là câu chuyện có thật từ cô Katherine Schreiber (28 tuổi, người Mỹ). Vì chứng nghiện tập thể dục mà cô bị mất kinh nguyệt, gãy xương và kèm theo những chấn thương khác. Cuộc sống của Schreiber cũng bị đảo lộn hoàn toàn.

Chứng nghiện tập thể dục của Schreiber bắt đầu khi cô còn ở độ tuổi thiếu niên. Cô đã phải vật lộn với các vấn đề về cơ thể từ khi còn học tiểu học, thậm chí cô tin rằng mình quá xấu xí khi đến lớp. 

Nguoi phu nu nghien tap the duc den gay xuong, mat kinh nguyet
Katherine Schreiber nghiện tập thể dục  với cường độ tập luyện 3 lần/ngày.

Xuất phát từ sự tự ti đó, Schreiber tìm đến thể dục như một lối thoát. Ban đầu, cô chỉ luyện tập 2 lần/tuần, rồi nhanh chóng tăng lên thành 3 lần/ngày.

Nhưng việc luyện tập quá nhiều đã ảnh hưởng đến Schreiber. Chu kỳ kinh nguyệt của cô biến mất, cô còn bị thoát vị đĩa đệm cột sống và tinh thần luôn căng thẳng.

Khi Schreiber bắt đầu thói quen tập thể dục, cô cũng hạn chế lượng thức ăn tiêu thụ, điều này nhanh chóng biến thành chứng rối loạn ăn uống.

Khi vào học Đại lọc Sarah Lawrence, Schreiber được điều trị rối loạn ăn uống nhưng thói quen tập thể dục quá mức thì vẫn không được giải quyết.

Ngay sau đó, việc luyện tập bắt đầu làm hỏng cơ thể cô. Trong 2 năm liên tiếp, cô hoàn toàn mất kinh nguyệt, bị gãy xương chân và bị thoát vị đĩa đệm cột sống.

Ngoài các vấn đề về sức khỏe, Schreiber cũng thừa nhận rằng chứng nghiện tập thể dục đã khiến cô mất đi cuộc sống bình thường, các mối quan hệ cá nhân trở nên xấu đi.

“Tôi không thể hình thành hoặc duy trì những mối quan hệ gần gũi. Tôi không có thời gian dành cho bạn bè hoặc phát triển mối quan hệ sâu sắc với bạn đời của mình. Tôi không muốn đi chơi về muộn hay làm bất cứ điều gì có thể can thiệp vào kế hoạch luyện tập của mình”, Schreiber chia sẻ.

Schreiber cho biết thêm, cô chỉ muốn gặp ai đó trong một khoảng thời gian cụ thể và sẽ rất lo lắng nếu như thời gian luyện tập bị rút ngắn lại.

Vào năm 2015, Schreiber được điều trị và quyết định hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Đại học Jacksonville và Đại học High Point ở Bắc Carolina, Hoa Kỳ nhằm cảnh báo với mọi người về sự nguy hiểm của chứng nghiện tập thể dục.

Nguoi phu nu nghien tap the duc den gay xuong, mat kinh nguyet
Trong 2 năm liên tiếp, cô hoàn toàn mất kinh nguyệt, bị gãy xương chân và bị thoát vị đĩa đệm cột sống.

Nghiện tập thể dục không được xem là một loại rối loạn sức khỏe tâm thần, tình trạng này cũng có những dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng để nhận biết, về cả thể chất và tâm lý.

Các triệu chứng thường xảy ra bao gồm gãy xương, căng thảng và chấn thương dây chằng. Để duy trì thói quen của mình, người nghiện tập thể dục cũng sẽ phải hy sinh những mối quan hệ với gia đình và bạn bè.

Nếu như quá trình tập thể dục bị ngừng lại hoặc gián đoạn, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như lo lắng, kích thích, bồn chồn, mất khả năng ngủ hoặc tập trung.

Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng này ảnh hưởng đến 0,3 – 0,5% dân số nói chung và khoảng từ 1,9 – 3,2% những người tập thể dục thường xuyên.

Các chuyên gia cho biết, việc chẩn đoán chứng nghiện tập thể dục cũng rất khó khăn, nó phải căn cứ vào quá trình đối thoại chi tiết với bệnh nhân với những câu hỏi tương tự như khi chẩn đoán các chứng nghiện khác.

Bên cạnh đó, mục tiêu của việc điều trị không phải là ngừng tập thể dục hoàn toàn, mà là giúp mọi người nhận ra hành vi “nghiện” của mình và tìm ra cách để kết hợp luyện tập một cách lành mạnh.

Schreiber cho biết, quá trình điều trị đã giúp cô chú ý hơn và cắt giảm thời gian luyện tập. Hiện tại Schreiber vẫn tập thể dục 45 phút mỗi ngày nhưng đã cẩn thận để không quá thúc ép bản thân.

Giờ đây ở tuổi 28, Schreiber đang điều trị và dần hồi phục sức khỏe. Cô chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng rằng các chuyên gia có thể nhận biết sớm chứng nghiện thể dục này một cách nhanh chóng trước khi quá muộn.

Thùy Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI