Người phụ nữ 5 lần thần chết chối từ

14/07/2018 - 08:56

PNO - Trở về nhà với đôi chân bị liệt, người chồng sau bao năm chung sống lạnh nhạt rồi bỏ đi, người đàn bà tìm đến cái chết, nhưng với chị, chết sao mà khó!

Khát vọng sống

Bài 1: Gạt "nỗi đau a-xít" đi tìm thanh xuân

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Mai Trâm, 40 tuổi trong một hình dạng rất quen thuộc của nghề bán vé số kiếm sống ở Sài Gòn. Đó là một phụ nữ với đồ bộ màu mè, ngồi trên chiếc xe lăn, phía trước mặt để vài tệp vé số.  

Một nghề nuôi sống bản thân, một bộ trang phục yêu thích và khuôn mặt tươi rói đầy sức sống này là điều mà cách đây hơn 10 năm chị không dám nghĩ tới…

Nguoi phu nu 5 lan than chet choi tu

Rắn độc cũng… không buồn cắn

Cuộc đời sóng gió của chị Mai Trâm bắt nguồn từ căn bệnh lao cột sống được phát hiện vào năm 2007. Khi đó, chị là một thợ may ở vùng thôn quê xã Hòa Hưng, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đêm nọ, khi đứng đắp mền cho hai con ngủ, chị té nhào xuống đất.

Chị nhập viện và mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vì bác sĩ chẩn đoán chị bị lao cột sống. Mổ xong, chị về nhà với đôi chân bị liệt, không thể đi lại. 

Chồng chị sau đó ngán ngẩm mà bỏ chị đi biệt, bỏ luôn hai đứa con lúc đó một đứa lớp Bảy, một đứa lớp Một. Hoang mang, tủi phận vì không thấy lối thoát nào… chị Trâm tìm cách kết thúc sự sống của mình. 

Lần đầu tiên, chị thử với mớ thuốc kháng lao mà bác sĩ cho toa của cả ba tháng. Chị mua về một lần và dốc trọn vào người. Chị Mai Trâm nhớ lại: “Uống thuốc xong, chị không còn cảm giác gì nữa. Người mơ mơ tỉnh tỉnh. Con bưng cơm vào cho mẹ, chị biểu nó để đó đi đi”. Chị lịm đi, đôi chân nhẹ bẫng, ngỡ mình đã trôi vào vùng mênh mông sương khói. Vậy mà chẳng hiểu sao, hai ngày sau, chị tỉnh lại, mọi thứ nguyên vẹn, trần nhà vẫn trước mắt, cánh cửa vẫn ở góc cũ, tiếng lao xao cuộc sống vẫn ngoài kia và thân thể cùng những đớn đau còn nguyên đó. 

Lần thứ hai, chị chọn cách treo cổ. Sợi dây dù đứa con trai lớn cột thòng từ mái nhà xuống để chị nắm lấy ngồi dậy giờ đây chấp chới trước mắt chị. Chị nằm, nhìn trân trân vào sợi dây, chị nghĩ đến cái chết, sẽ thật nhanh, thật nhẹ nhàng, mọi đau đớn sẽ qua hết, mọi tuyệt vọng sẽ chấm dứt. Tranh thủ hai đứa con chạy ra ngoài chơi, chị níu sợi dây, ngồi dậy. Nhanh tay thắt nút, thò đầu vào dây và đẩy khối cơ thể gồm nửa phần trên còn cử động, nửa phần dưới nằm đơ rơi hẳn ra ngoài giường. Nhưng khi cơ thể chị vừa chạm đất nghe rầm một cái, con trai chị cũng vừa về và lao vào. Thần chết chối từ. Hai đứa con bấu chặt lấy chị, đớn đau cùng cực. Nước mắt chị cũng trào ra, ôm các con, chị nghĩ: thôi thì ráng sống.

Vậy nhưng, dù bọn trẻ cảnh giác dẹp hết các dụng cụ nguy hiểm như khăn, dây và không để thuốc ở trong tầm tay của mẹ, cơn tuyệt vọng lại lần nữa kéo chị tới gần với mong ước được nhắm mắt xuôi tay cho hết nợ trần thế. Đó là lần thứ ba, chị giấu được lưỡi dao lam trong tay. Nhân khi hai đứa trẻ đi chơi, chị nhắm mắt cứa cổ tay mình. 

Nguoi phu nu 5 lan than chet choi tu

Nhớ lại, chị Mai Trâm tỉnh rụi: “Lúc đó, máu chảy ròng ròng mà chị không cảm giác đau gì hết vì trong đầu chỉ luôn nghĩ cách nào để chết cho nhanh, cho gọn, cho khỏe, chứ sống mà làm phiền con cái, làm cục nợ cho đời thì sống làm chi”. 

Lần này, con gái chị về kịp. Con bé la lớn và hàng xóm nhào qua băng vết thương. Chị bảo: “Hàng xóm qua la rầy quá trời. Sau đó, một sư cô khuyên nhủ, đọc kinh kệ cho chị nghe, chị nhắm mắt, thật khó mà tĩnh tâm vì đến cả cái chết cũng chối từ chị, hình như mọi thứ đều ruồng rẫy chị, cuộc đời sao mà tăm tối”. 

Chỉ 5 ngày sau, chị gõ cửa thần chết lần thứ tư. Không có thuốc, không có dây, không có lưỡi lam. Ngó quanh quẩn, bà mẹ hai con nhìn thấy ống tiểu thông qua da bác sĩ đặt ở bụng vì sau khi bị liệt, chị không điều khiển việc tiểu tiện được nữa. Giật phắt ống thông tiểu ra khỏi cơ thể, chị nghĩ khi đó, cơ thể bí nước tiểu sẽ gây… bể bụng. Nào ngờ, chờ hoài không thấy gì khó chịu, chị lại đi tiểu tự nhiên, hết sức nhẹ nhõm. 

Sau 4 lần bị thần chết “chê”, chị nằm bẹp trên giường, bi quan, chán nản. Bỗng một hôm, một con rắn hổ mang bò lên giường và nằm khoanh bên cạnh. Chị sợ rắn từ nhỏ, nên lúc ấy nghĩ thầm, phen này mình chết chắc rồi, nhưng sao cái chết lại đáng sợ thế này. Chị Mai Trâm kể lại, dù sợ rắn, nhưng lúc đó chị muốn bỏ chạy cũng không được, vì không thể ngồi dậy. Chị và rắn... nhìn nhau. Khi qua cơn sợ hãi, chị rơi vào trạng thái chờ đợi. Có phải đây là định mệnh của chị hay không?

Chị nằm đó, chờ rắn mổ một nhát. Nhưng con trai chị cũng về kịp, nhảy vào ôm mẹ, xô xuống đất. Chị ngất đi một lát, tỉnh dậy không còn thấy con rắn đâu nữa. Hàng xóm qua nói: “Mày đó, tới con rắn mà còn không cắn mày. Chắc là ông bà về quở mày đó, không cho mày chết đâu”. Đó là thời điểm năm 2008. 

Cuộc đời bất trắc thành vốn sống quý giá

Khốn khổ đến thế, nhưng cuộc đời này vẫn mỉm cười bao dung với chị, ngoài hai đứa con ngoan, rất nhiều tấm lòng đã cưu mang, hỗ trợ chị. Chị được giúp để phẫu thuật ghép da do nằm lâu bị lở loét vùng cụt và những người hảo tâm cũng giúp chị một ít tiền để làm ăn. 

Nguoi phu nu 5 lan than chet choi tu
Chị Mai Trâm trong một lần cùng nhóm từ thiện Người tôi cưu mang đến thăm, tặng quà động viên chị Nguyễn Thị Ba ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: NTCM

Không muốn ngửa tay xin tiền mãi, năm 2014, chị rời quê lên Sài Gòn để bán vé số. Cái mảnh đất này không hề phân biệt kẻ sang hèn, người lành lặn hay thương tật. Chị cũng nhiều lần bị lường gạt, cướp giật… Nhưng có người này thì cũng có người kia. Chỉ sau khoảng nửa tháng, chị bắt đầu quen với công việc bán vé số. 

Cứ thế, chị và hai con gồng gánh nhau qua khúc quanh của số phận. Con trai chị sau khi tốt nghiệp trường trung cấp cũng đã có việc làm. Con gái chị đang đi học. Nhưng không chỉ có thế, sự sống giờ đây đã là điều rất quý giá với chị Lê Thị Mai Trâm: “Nghĩ lại thấy lúc tự sát, mình khờ quá. Không có cách này thì có cách khác để sống. Nhiều người còn khổ hơn mình mà họ đâu có muốn chết. Mình sống đôi khi không phải chỉ vì mình, mà là vì con”. 

Số phận dường như sắp đặt để chị ngẫu nhiên gặp những hoàn cảnh bi thương. Và với chị Lê Thị Mai Trâm, còn gì để cho đi, để giúp đỡ lại những người khốn khổ chị sẵn sàng làm.

Lần gặp đầu tiên, khi nằm điều trị chung ở Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (Q.8, TP.HCM), thấy cảnh người vợ chăm sóc cho anh Nguyễn Văn Việt, 37 tuổi, ở Cần Giuộc, tỉnh Long An (bị liệt tứ chi do gãy cột sống), mà không khỏi tủi phận vì bên mình chẳng có ai. Nhưng xuất viện được nửa năm, tình cờ liên lạc, chị không khỏi nghĩ ngợi khi biết người vợ của Việt bỏ chồng mà đi, bỏ lại cả đứa con gái mới học lớp Hai. 

Chị lập tức bỏ buổi bán vé số, tất tả về Cần Giuộc, Long An. Món quà chị mang theo cho người đồng bệnh là những ký ức đau buồn nhưng đã trở thành những chia sẻ chân thành. Chị nói với Việt: “Trước kia chị cũng như em. Cứ nghĩ tại sao người ta lại bỏ mình mà đi. Nhưng vợ em còn trẻ, còn tương lai. Em không buông ra, chính em mới là người ích kỷ, là người có lỗi. Sống với nhau cũng là duyên số. Hết duyên hết nợ thì không giữ được đâu. Huống chi, em còn có cả cha mẹ, anh chị ở bên cạnh, có một đứa con gái cần cha”. Những lời này khiến người đàn ông tàn phế chợt tỉnh và sống tiếp. Đứa con gái anh nay đã học đến lớp Bốn. Thi thoảng, anh Việt còn gọi điện hỏi thăm, động viên ngược lại chị Mai Trâm…

Chị Trâm nói rằng, mỗi người mỗi số phận nên cách nói chuyện cũng phải khác nhau. Vốn sống và kỹ năng vực dậy tinh thần của chị ngày càng đầy lên sau mỗi chuyến đến với người bất hạnh. Cũng bị liệt như anh Việt, nhưng chị Mai Trâm có cách khác để nâng đỡ tinh thần cho anh Nguyễn Văn Hưởng, 32 tuổi, Tiền Giang. Khi bị tai nạn, Hưởng là một thanh niên chưa vợ. Tai nạn buộc anh phải ngồi một chỗ trong khi gia đình bỏ mặc, khiến Hưởng không còn gì để hy vọng.

Hay tin, chị Trâm gom ít tiền sau buổi bán vé số, vội vã đón xe đò đi Tiền Giang. Đó là một căn nhà xác xơ nằm khuất trong những cánh đồng. Người thanh niên trẻ chị gặp trong một trạng thái thất thần vì một chân vừa mới tháo khớp. Chị nói với Hưởng: “Em nghĩ đi. Em không có gia đình thì em xem người dưng như gia đình cũng được mà. Em cứ thương người thì người dưng cũng thương lại em thôi. Nhưng em không phải vướng bận con cái cũng là điều khiến mình đỡ áy náy. Em còn trẻ, không có gánh nặng nào, làm gì được cho xã hội thì nên làm. Em có muốn vươn lên không, có muốn thay đổi không? Giờ em lên Sài Gòn, tự mình kiếm sống. Rồi trở về nhà cho gia đình thấy mình sống tốt thế nào”.

Vài tháng sau, Hưởng lên Sài Gòn, trú ngụ tại một ngôi chùa ở Q.3, TP.HCM để bán vé số, tự nuôi sống bản thân. Một thời gian sau, anh có bạn gái…

Thời gian nằm tập vật lý trị liệu ở Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, chị Mai Trâm quen chị Nguyễn Thị Ba, 39 tuổi, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị Ba bị liệt do té khi hái tiêu. Vài năm sau, khi gọi điện hỏi thăm, chị Trâm mới hay sau khi về nhà chị Ba cũng bị chồng bỏ, không biết phải xoay xở thế nào vì còn phải nuôi nấng hai đứa con. 

Chị Mai Trâm nhờ một người anh trong hội từ thiện chở từ TP.HCM đến nhà chị Nguyễn Thị Ba bằng xe máy. Hai chân liệt, người quen ái ngại hỏi chị Trâm có ngồi xe máy được không. Chị nói không cần suy nghĩ: “Anh có gan chở thì em có gan ngồi”. Đến nhà, chị lựa lời rủ rỉ: “Bé Ba biết không, khi còn nằm ở bệnh viện, khi đó nhìn cảnh chồng vào chăm sóc cho em, tui buồn lắm, khóc hoài vì thấy mình chẳng được ai thương. Tui cũng từng tự tử nhưng giờ sống ổn rồi. Đàn bà mình phải sống vì con”. Chị Mai Trâm cũng kêu gọi những tấm lòng thiện nguyện giúp chị Ba mua đất, xây nhà. Hiện giờ, hoàn cảnh chị Ba đã đỡ hơn rất nhiều khi con có việc làm và chị nhận cạo vỏ hạt điều để mưu sinh. 

Cứ thế, thấy ai không còn lối nào để kiếm sống, chị Mai Trâm nói ngay: “Muốn lên Sài Gòn bán vé số thì cứ kiếm tui. Tui chỉ cho. Giờ tui rành rồi”. Nói xong, chị lại cười rổn rảng, đôi mắt lấp lánh đầy niềm tin yêu. 

Hiếu Nguyễn

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHƯƠNG TRÌNH

Nguoi phu nu 5 lan than chet choi tu
 
Nguoi phu nu 5 lan than chet choi tu
 
Nguoi phu nu 5 lan than chet choi tu
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI