Người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam phải thành thạo tiếng Việt?

30/11/2019 - 13:37

PNO - Quy định về khả năng thành thạo tiếng Việt với bác sĩ người nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam đã được đưa vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Nguoi nuoc ngoai kham chua benh tai Viet Nam phai thanh thao tieng Viet?
Một bác sĩ người nước ngoài đang mổ thị phạm tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)

Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua. Trong dự thảo này, có 2 phương án dành cho người nước ngoài hành nghề y tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, dù là phương án nào, yêu cầu bắt buộc đều phải là “Người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo”.

Phương án 1: Quy định về sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã loại bỏ hoàn toàn vai trò của người phiên dịch.

Phương án này ngoài yêu cầu người hành nghề y phải thành thạo tiếng Việt thì việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng tiếng Việt.

Nguoi nuoc ngoai kham chua benh tai Viet Nam phai thanh thao tieng Viet?
Một trong những bác sĩ quốc tịch Trung Quốc khám chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa ở TP.HCM

Chấp nhận sự tồn tại vai trò của người phiên dịch bên cạnh bác sĩ nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam. Cụ thể, người hành nghề y không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.

Việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng tiếng Việt; trường hợp người hành nghề không biết tiếng Việt thành thạo thì việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký sử dụng và người phiên dịch phải dịch sang tiếng Việt. 

Nguoi nuoc ngoai kham chua benh tai Viet Nam phai thanh thao tieng Viet?
Sở Y tế TP.HCM thanh tra một phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc hành nghề

Sở Y tế TP.HCM ủng hộ phương án không sử dụng người phiên dịch. Theo nhận định của bác sĩ Lê Minh Hùng – Phó phòng Quản lý Dịch vụ y tế, Sở Y tế TP.HCM - ngành y rất phức tạp, chỉ cần sai một ly đã rất nguy hiểm.

Bác sĩ người nước ngoài phải nhờ phiên dịch khi khám bệnh sẽ dễ gặp rủi ro do không đảm bảo truyền đạt thông tin bệnh tật.

Vì thế, để giảm bớt nguy hiểm cho người dân Việt Nam, người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải dùng tiếng Việt hoàn hảo, bỏ qua người phiên dịch.

Nguoi nuoc ngoai kham chua benh tai Viet Nam phai thanh thao tieng Viet?
Toa thuốc đóng dấu tên của một bác sĩ Trung Quốc hành nghề tại một phòng khám ở TP.HCM

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cũng nghiêng về phương án 1, không sử dụng người phiên dịch cho bác sĩ người nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam.

Theo lý giải của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, người phiên dịch nào phải gắn với bác sĩ đó nhưng rất ít có trường hợp như vậy. Ngoài ra, rất khó kiếm được thông dịch viên giỏi. Hơn nữa, quy định về thành thạo ngôn ngữ nước sở tại khi đến khám chữa bệnh đã được nhiều nước ở Đông Nam Á thực hiện.

Những điều kiện để bác sĩ nước ngoài có thể hành nghề tại mỗi nước trong khối ASEAN rất khác nhau, tuỳ theo quy định pháp luật của mỗi nước, trong đó, có những nước quy định rất nghiêm ngặt (Singapore, Thái Lan, Phillippine, Malaysia, Lào) và một số nước chưa có quy định rõ ràng (Camphuchia, Myanmar, Indonesia).

Tại Lào, một bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề phải thành thạo ngôn ngữ Lào và phải trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức; chứng chỉ có thời hạn 5 năm.

Ở Thái Lan, Bộ Y tế công cộng Thái Lan sẽ cấp giấy phép hành nghề chính thức cho bác sĩ nước ngoài khi đảm bảo các điều kiện sau: (a) Có bằng tốt nghiệp bác sĩ từ các trường y khoa trên thế giới, được công nhận bởi Hội đồng Y khoa Thái Lan (b) Có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh hợp lệ từ nước xuất xứ của bác sĩ nước ngoài xin giấy phép, (c) Vượt qua được cả 3 phần của kỳ thi cấp phép hành nghề do Trung tâm Đánh giá và kiểm định năng lực y tế thực hiện, và (d) Phải được công nhận là thành viên của Hội đồng Y khoa Thái Lan. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI