Người dân sống ở nhà trọ tại TP.HCM mắc viêm phổi rất cao

14/10/2018 - 20:30

PNO - Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố tại hội thảo 'Môi trường không khí và các bệnh có liên quan' do Hội Y học TP.HCM tổ chức ngày 14/10

Nhóm nghiên cứu gồm 5 tác giả đang làm việc tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Công nghiệp TP.HCM và Đại học Tự do Brussels (Bỉ) tiến hành đưa 5 loại nhà tại TP.HCM vào khảo sát gồm: căn hộ, nhà hình ống, nhà trọ, nhà kiểu nông thôn, nhà ổ chuột.

Nguoi dan song o nha tro tai TP.HCM mac viem phoi rat cao
Một căn nhà ở vùng nông thôn ở huyện Nhà Bè (TP.HCM)

Có 1.561 người dân của 506 hộ gia đình sống trong 100 căn nhà được đánh giá. Mỗi căn nhà được lấy mẫu bụi tại 3 vị trí là phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp.

Kết quả cho thấy, hàm lượng độc tố endotoxin (chất độc có trong các hạt bụi) cao nhất được tìm thấy ở loại nhà kiểu nông thôn, sau đó là nhà ổ chuột và nhà trọ. 2 loại nhà chung cư và nhà ống (nhà phố) có tỷ lệ độc tố này thấp nhất.

Khi phân tích theo từng vị trí của căn nhà, các nhà nghiên cứu ghi nhận lượng độc tố ở phòng bếp của nhà nông thôn, nhà ổ chuột, nhà trọ cao hơn hẳn so với vị trí của phòng khách, phòng ngủ.

Nguoi dan song o nha tro tai TP.HCM mac viem phoi rat cao
Những căn nhà ở chuột ở Quận 3 (TP.HCM)

Khảo sát mối liên quan giữa các loại nhà và tần suất mắc bệnh hô hấp mãn tính. Kết quả cho thấy, nhà nông thôn, nhà trọ dẫn đầu bảng xếp hạng về tỷ lệ mắc các bệnh hô hấp mãn tính như: hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn  mạn tính (COPD), dị ứng đường hô hấp, bệnh phổi nghề nghiệp, giãn phế quản…

Nguyên nhân do nhà ở nông thôn, nhà trọ thường dùng chất đốt sinh khói và hay có vật nuôi gây ô nhiễm. Hay ngôi nhà không thoáng khí nên môi trường trong nhà bị ô nhiễm.

Xếp thấp nhất về mức độ ô nhiễm là nhà chung cư, nhà ống. Nhà nông thôn, nhà trọ giữ thứ hạng cao nhất trong khảo sát về số người mắc hen suyễn và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tại hội thảo, các tác giả còn cảnh báo tình trạng ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu do tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn do hoạt động giao thông. Năm 2017, số liệu tại 12 vị trí quan trắc giao thông cho thấy có 68,16% số liệu quan trắc tổng bụi lơ lửng, và 98,4% số liệu quan trắc tiếng ồn vượt quy chuẩn Việt Nam.

Nguồn phát sinh ô nhiễm không khí của TP.HCM chủ yếu từ 3 nguồn: ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông (khoảng 7,6 triệu xe máy; 796 ngàn xe ô tô); ô nhiễm không khí do hoạt động công nghiệp (khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp, hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp); ô nhiễm không khí phát sinh từ cuộc sống đô thị (hoạt động xây dựng và dịch vụ).

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI