Người bệnh khó được mổ nội soi sau ngày 15/7?

04/07/2018 - 19:30

PNO - Từ ngày 15/7 - lần đầu tiên sau 6 năm, giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm 88 mục: giá khám, giá giường bệnh, giá dịch vụ chẩn đoán cận lâm sàng… Tuy nhiên, người bệnh e ngại khó tiếp cận được mổ nội soi như trước.

Phí mổ hở đắt hơn mổ nội soi

Một bác sĩ chuyên về phẫu thuật cho rằng, mổ nội soi là kỹ thuật cao, khó thực hiện, đầu tư máy móc tốn kém và không phải bác sĩ nào cũng thực hiện được nên chi phí thực hiện ca mổ nội soi phải cao hơn mổ hở thông thường. Do đó, việc xây dựng cơ cấu giá trong Thông tư số 15/2018/TT-BYT (sẽ có hiệu lực vào ngày 15/7/2018) giữa mổ hở và mổ nội soi chưa hợp lý.

Nguoi benh kho duoc mo noi soi sau ngay 15/7?
 

Đơn cử như cùng mổ dạ dày, nếu mổ nội soi có giá 4.887.000 đồng, trong khi mổ hở lên đến 6.890.000. Cả 2 dịch vụ này đều chưa tính phí vật tư tiêu hao như: máy cắt nối tự động, ghim khâu máy, kẹp khóa mạch máu và dao siêu âm. Đặc biệt phẫu thuật cắt túi mật bằng mổ hở có giá 4.335.000 đồng, gần gấp đôi so với mổ nội soi chỉ 2.958.000 đồng.

Hay như mổ cắt gan, nếu mổ nội soi chỉ 5.255.000 đồng, còn mổ hở lên đến 7.757.000 đồng. Cả 2 kỹ thuật này chưa bao gồm chi phí cho đầu dao cắt gan siêu âm, keo sinh học, dao cắt hàn mạch, hàn mô. Còn nếu mổ nội soi những bệnh lý gan mật khác là 3.130.000 đồng, nhưng mổ hở đến 4.511.000 đồng. Cả 2 dịch vụ đều chưa tính đầu dao cắt gan siêu âm, keo sinh học, dao cắt hàn mạch, hàn mô. Riêng mổ hở, người bệnh còn chịu thêm phí stent, chi phí chụp DSA.

Nguoi benh kho duoc mo noi soi sau ngay 15/7?
 

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Đình Xướng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho rằng giá xây dựng trong Thông tư 15 chưa tính đúng tính đủ (giá thị trường) cho các bệnh viện, kể cả chi phí mổ hở. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay với mức đóng bảo hiểm y tế người dân thấp nên có thể chấp nhận khung giá này. Thế nhưng, trong Thông tư 15 có sự bất hợp lý giữa chi phí mổ nội soi và mổ hở ở mục xây dựng cơ cấu giá của ngành Ngoại khoa.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Xướng, hội đồng xây dựng cơ cấu giá chỉ mới dựa vào những yếu tố cơ bản như thời gian thực hiện ca mổ, vật tư tiêu hao nên chưa phản ảnh đúng tay nghề của người bác sĩ làm nội soi. Vì vậy, chi phí mổ hở cao hơn do bệnh nhân cần rất nhiều bông băng gạc, dụng cụ mổ, cắt chỉ, lượng thuốc giảm đau nhiều hơn… sau khi mổ nên giá đội lên. Trong khi mổ nội soi sẽ dùng rất ít thuốc giảm đau, bông băng gạc nên giá giảm bớt. 

Nguoi benh kho duoc mo noi soi sau ngay 15/7?
 

Người bệnh sẽ khó được mổ nội soi?

Tiến sĩ bác sĩ Hoàng Đình Tuy, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định: Với giá “niêm yết” mổ nội soi trong Thông tư 15, rõ ràng giá mổ nội soi sẽ không hợp lý vì đây là kỹ thuật khó. Khi thực hiện nội soi không bộc lộ được vết thương ra ngoài, dụng cụ nội soi dài nên cần có 2 bác sĩ nội soi để hỗ trợ nhau; còn mổ hở chỉ cần một bác sĩ phẫu thuật là đủ dùng dụng cụ banh vén, bộc lộ vết thương.

Mỗi ngày Bệnh viện Nguyễn Tri Phương mổ khoảng 40 ca, trong đó đến 90% mổ nội soi. Giá mổ nội soi thấp sẽ thiệt hại cho các bệnh viện. Thế nhưng, nếu tình trạng bệnh phù hợp cả 2 kỹ thuật mổ hở và mổ nội soi thì bệnh nhân có quyền lựa chọn phương pháp mổ - bác sĩ Xướng khẳng định.

Cũng theo bác sĩ Tuy, thời gian đào tạo bác sĩ nội soi rất lâu. Dù ngành y không ràng buộc bác sĩ muốn thực hiện mổ nội soi thì phải biết mổ hở. Tuy nhiên, mổ nội soi khó hơn nhiều so với mổ hở; do đó bác sĩ biết mổ hở chưa hẳn biết mổ nội soi nhưng mổ nội soi buộc phải biết mổ hở. Bởi khi gặp những ca biến chứng do mổ hở hoặc ca mổ quá phức tạp không thể mổ nội soi thì buộc bác sĩ nội soi phải thực hiện được mổ hở. Tóm lại, một bác sĩ biết mổ hở phải mất nhiều năm sau mới biết mổ nội soi và không phải bệnh viện nào cũng có bác sĩ thực hiện nội soi.

Chưa kể, chi phí mổ nội soi trong Thông tư 15 chưa tính kinh phí đầu tư máy móc hoặc phí bảo quản, khử trùng dụng cụ nội soi bằng nhựa rất tốn kém, chứ không đơn thuần như các dụng cụ kim loại… nhưng cơ cấu giá chưa tính tới những phí này cho mổ nội soi.

Mặt khác, việc đầu tư máy móc, vật tư tiêu hao cho mổ nội soi rất tốn kém. Nếu như bộ dụng cụ mổ hở chỉ cần đầu tư một lần có thể dùng đến 10 năm mà không phân biệt số ca. Ngược lại, dụng cụ trong mổ nội soi nhanh hư hơn, ví dụ bóng đèn được gắn ở đầu dò của thiết bị nội soi để làm nguồn sáng khi vào cơ thể chỉ có tuổi thọ 1.000 giờ. Nếu quá thời gian này thì chất lượng ánh sáng giảm không còn đảm bảo cho ca mổ.

Nguoi benh kho duoc mo noi soi sau ngay 15/7?
 

"Thông tư 15 chưa hợp lý ở chỗ tiền công bác sĩ mổ hở và nội soi như nhau nên phí mổ nội soi thấp so với mổ hở. Theo tôi, tiền công bác sĩ mổ nội soi nên gấp 3 lần bác sĩ mổ hở" - bác sĩ Xướng đề xuất.

Rõ ràng mổ nội soi rất có lợi cho người bệnh. Mổ nội soi giúp người bệnh sớm xuất viện, thời gian mổ rút ngắn, vết mổ thẩm mỹ, khó bị nhiễm trùng vết thương… như mổ hở. Ví dụ, cắt dạ dày, túi mật bằng nội soi chỉ khoảng 90 phút thì mổ hở đến 2 giờ. Chưa kể nhiều bệnh lý khác mà thời gian mổ hở gấp đôi thời gian mổ nội soi. Bệnh nhân nội soi có thể xuất viện về trong ngày, chứ không nằm viện 4-5 ngày như mổ hở. Thế nhưng, với kỹ thuật cao, tiền mổ rẻ liệu người bệnh có được tiếp cận dễ dàng?

Một bác sĩ phân tích, trước đây mổ nội soi có giá cao hơn mổ mở nhưng nhiều người bệnh vẫn muốn đăng ký mổ nội soi để sớm xuất viện, ít để lại sẹo, biến chứng, ít đau… Và khi Thông tư 15 này ra đời với giá mổ nội soi thấp hơn mổ hở sẽ dẫn đến tình trạng bệnh viện đối diện nguy cơ quá tải mổ nội soi. Từ đó, nhiều bệnh nhân chấp nhận mổ hở để sớm thoát khỏi bệnh tật. Ngược lại, một số bệnh viện nhất là ở các lĩnh vực chưa có có bác sĩ nội soi sẽ ưu tiên mở hở vừa giảm quá tải, hạn chế thất thu. 

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI