Nghe bác sĩ thú y lý giải hiện tượng chó cắn chủ

14/09/2017 - 16:00

PNO - Chó nhà nuôi lâu năm đột ngột trở chứng cắn xé chủ gây chấn thương nặng. Ai cũng nghĩ chúng bị bệnh dại, nhưng còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến chó cắn chủ.

Vừa qua, nhiều trường hợp chó cắn chủ gây thương tích nặng, khiến những người yêu động vật hoang mang, đặc biệt chó nổi tiếng là vật nuôi trung thành. Hầu hết chủ nhà bị chó cắn đều đã nuôi chúng từ 2-3 năm và cún cưng lúc nào cũng quấn quýt chủ. 

Nghe bac si thu y ly giai hien tuong cho can chu
Chị Đ.T.T.H. (48 tuổi, nhà ở Q.Bình Tân, TP.HCM) vừa cúi người xuống lấy dép đi chợ liền bị chó cưng chạy đến tấn công, khiến chị sứt mũi, phải lên bàn mổ 4 lần trong hơn 4 tháng.


Hay như trường hợp của bé P.P.N. (5 tuổi, hiện ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bị chó cắn nát nửa khuôn mặt phải, lộ toàn bộ tuyến mặt phải, có dấu hiệu bị nhiễm trùng, mưng mủ,… Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM phải tích cực cấp cứu, khâu vá, vệ sinh theo dõi vết thương hơn 3 tuần mới tạm ổn.

Bác sĩ thú y Hoàng Nhơn, Phòng khám Thú y Alpha Pets Clinic, cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến chó nhà nuôi lâu năm đột ngột trở chứng cắn chủ. Đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay chú chó của mình bị dại nên mới thay đổi như vậy, nhưng thực tế, chủ nhà thường đã tiêm vắc xin phòng dại cho chó. 

Nghe bac si thu y ly giai hien tuong cho can chu
Chị H. với chiếc mũi hoại tử do chú chó cưng cắn xé

Bác sĩ Nhơn lưu ý, hầu hết chó đực cũng như chó cái sẽ trở nên trái tính trong thời gian lên giống. Tùy theo đặc tính từng loài mà thời gian chó lên giống khác nhau, thông thường, một năm chúng sẽ lên giống hai lần, rơi vào tháng 7, 8 và khoảng tháng 12 đến cận Tết âm lịch.

Thời gian này, những con chó đực hay cái cũng đều tiết ra các kích thích tố. Kích thích tố này làm tính hăng của chúng tăng lên cao độ. Lúc không kiềm chế được, có khi chúng cắn xé đồ vật, cắn xe lẫn nhau, thậm chí có thể cắn luôn cả chủ. Chính vì vậy, nười nuôi nên tìm hiểu kỹ về thời gian chú chó của mình lên giống.

Dấu hiệu chó cái lên giống thường có biểu hiện âm hộ sưng to chảy máu; còn chó đực sẽ rất hăng, nhiều con đực cắn nhau nếu chúng cùng tìm đến một con cái.

Nghe bac si thu y ly giai hien tuong cho can chu
Bác sĩ Hoàng Nhơn cùng chú chó Đô Đô đã được anh giải cứu ở Bình Dương cách đây hai năm. Ngoài việc khám chữa bệnh cho vật nuôi, bác sĩ Hoàng Nhơn và nhóm bạn của mình chuyên đi giải cứu, thuần hóa, nuôi dưỡng nhiều loài động vật bị bỏ rơi.


Chủ nhân của những chú chó này cũng cần xem lại trong thời gian xích, nhốt cún cưng có quá lâu không. Việc bị xích, bị nhốt lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng stress, căng thẳng ở vật nuôi. Điều này khiến chúng trở nên hung dữ, thường sủa nhiều, cào cấu chuồng vì muốn "đi chơi". Khi thoát ra, chúng có thể cắn người chúng gặp đầu tiên.

Ngoài những nguyên nhân trên, cũng không loại trừ khả năng những con chó này bị chủ hành hạ, đánh đập nhìều lần trong thời gian nuôi. Từ đó, chúng sẽ phản kháng lại bằng cách cắn xé người đã bạo hành chúng. 

Bác sĩ Hoàng Nhơn khuyến cáo: “Trường hợp bất ngờ bị chó tấn công, bạn cần bình tĩnh, không dùng gậy, nộ nạt hay đuổi đánh vì như vậy chúng càng kích động, hoặc chúng sẽ cắn xé nạn nhân nhiều hơn, hoặc tấn công luôn những người chúng gặp trên đường tháo chạy.

Điều cần thiết nhất, hãy giữ cho chó của mình không bị kích động thêm rồi tách chú chó đó ra nơi khác. Sau đó rửa sạch vết thương, cầm máu và đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất để tiêm phòng, xử lý vết thương khác”.

Bên cạnh chó thay đổi "nội tiết tố" trong cơ thể thì người dân cũng cần nhận diện  triệu chứng bệnh dại ở chó như: vật nuôi hay trốn tránh, sợ âm thanh, sợ ánh sáng, không phân biệt được người lạ cũng như người quen. 

Rõ nhất để ta nhận biết vật nuôi bị bệnh dại khi chúng sùi bọt mép, chảy nước dãi không kiểm soát, có khi động kinh, hai mắt sung huyết, các mạch máu lộ rõ. Nguy hiểm nhất, chúng cắn mọi vật nếu cản đường đi của chúng”.
 

Khi bị chó cắn tuyệt đối không được nặn máu vết thương, vì làm như vậy sẽ làm các mô bị tổn thương, gây nhiễm trùng.

Hãy rửa trực tiếp vết thương bên dưới vòi nước đang chảy, dùng xà phòng loại mạnh như xà phòng giặt đồ chà rửa vào vết thương. Cách làm này nhằm đẩy trôi phần nào vi trùng,  làm giảm sự nhiễm trùng cũng như làm chậm sự nhân lên của virus dại.

Bạn nên đến trung tâm y tế để được tiêm phòng theo đúng quy trình.

Theo dõi con chó cắn mình trong vòng 15-30 ngày xem nó có biểu hiện gì bất thường hay không. Nếu có, bạn phải lập tức đến ngay các trung tâm y tế thông báo để có phác đồ điều trị hợp lý. 


Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI