Nam thanh niên 28 tuổi không dám đi đại tiện vì sợ bẩn

21/09/2019 - 07:00

PNO - Sợ bẩn tới mức rửa tay bằng xà phòng tới mòn da, thậm chí không dám đi đại tiện… là những trường hợp điển hình được ghi nhận tại bệnh viện với những bệnh nhân mắc phải chứng ám ảnh.

Không dám đi đại tiện vì… sợ bẩn

Ở cái tuổi nhiều bạn bè đã có đôi lứa, xây dựng gia đình nhưng N.V.A. (28 tuổi, TP.Hà Nội) vẫn chỉ loanh quanh trong nhà và phải có bố mẹ bên cạnh để giúp đỡ trong sinh hoạt hằng ngày. Từ năm 20 tuổi, A. đã có biểu hiện lạ khi luôn sợ hãi những đồ vật xung quanh có thể gây bẩn.

A. thường xuyên rửa tay bằng xà phòng mỗi khi chạm vào bất cứ vật gì. Cậu không dám bắt tay với mọi người vì sợ bị nhiễm vi khuẩn, rùng mình mỗi khi nhìn thấy thùng rác hay không thể chạm tay để rửa xoong nồi, bát đĩa… 

Nam thanh nien 28 tuoi khong dam di dai tien vi so ban
Bác sĩ Lê Công Thiện từng tiếp xúc và điều trị các bệnh nhân sợ bẩn tới mức rửa mòn da tay, không dám đi đại tiện...

Dù đã đưa A. tới bác sĩ tâm lý để tư vấn nhưng nỗi ám ảnh của A. ngày càng khủng khiếp. Tới năm 28 tuổi, A. không thể đi tiểu tiện và đại tiện một mình mà phải có sự hỗ trợ của bố mẹ.

Đặc biệt, A. không dám đi đại tiện vì ghê bẩn nên bố mẹ phải vệ sinh lau rửa giúp con. Có lần, do kiên quyết không đại tiện nhiều ngày nên gia đình thậm chí phải thụt rửa khi bụng của A. đã trở nên căng chướng...

Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), A. được chẩn đoán mắc chứng bệnh ám ảnh, cụ thể là ám ảnh sợ bẩn. Thạc sĩ - bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Trẻ em và vị thành niên, cho hay, khi tới khám, A. miễn cưỡng bắt tay khi bác sĩ đề nghị. Tuy nhiên, theo gia đình, sau khi về nhà, A. rửa tay tới vài chục lần vì cho rằng hành động trên là... quá bẩn. 

“Sau khi chỉ định điều trị nội trú, chúng tôi đã tiến hành nhiều biện pháp để dần cải thiện ám ảnh của bệnh nhân bằng cách cho tiếp xúc với các hành vi được cho là bẩn với các mức độ từ thấp tới cao”, bác sĩ Thiện chia sẻ.

Cụ thể, các bác sĩ thường xuyên khuyến khích, bắt tay bệnh nhân, để bệnh nhân đi rửa cốc, chén. Sau đó, dần yêu cầu bệnh nhân đi lau nhà - việc mà trước đây bệnh nhân không thể làm... để làm thay đổi hành vi và nhận thức của A.

Cách đối diện khi mắc bệnh ám ảnh

Trường hợp của N.V.A. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân tìm đến Viện Sức khỏe tâm thần vì ám ảnh sợ bẩn. Bác sĩ Lê Công Thiện cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sợ bẩn tới mức mỗi ngày phải rửa tay vài chục lần bằng xà phòng. Bệnh nhân luôn rửa tay sau khi chạm phải bất cứ vật gì, sử dụng nhiều hóa chất tới mức da tay mòn vẹt đi, thường xuyên bị bong tróc. 

Nam thanh nien 28 tuoi khong dam di dai tien vi so ban
Chứng ám ảnh khiến nhiều người không dám đi đại tiện

Cũng theo vị chuyên gia bệnh tâm thần, ám ảnh sợ bẩn chỉ là một trong số nhiều biểu hiện của căn bệnh ám ảnh. Ngoài sợ bẩn, có nhiều bệnh nhân bị những ám ảnh khác, thường gặp nhất sợ rắn rết, côn trùng, khoảng trống, sợ áo blouse trắng, sợ độ cao...

Có nhiều bệnh nhân bị những ý nghĩ ám ảnh như suy nghĩ xúc phạm về một đối tượng nào đó luôn thôi thúc trong đầu. Đôi khi, bệnh nhân hiểu rằng, những suy nghĩ đó hoàn toàn không đúng đắn nhưng họ không thể ngăn lại được khiến tâm trạng luôn khổ sở bởi sự giằng xé, đấu tranh nội tâm... 

Khi mắc phải chứng bệnh ám ảnh, bệnh nhân thường xuyên bị cảm giác căng thẳng, lo âu, thậm chí rối loạn hành vi, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống. Để điều trị căn bệnh này, bác sĩ Thiện cho biết, bên cạnh việc dùng thuốc thì quan trọng là phải phối hợp điều trị tâm lý để làm thay đổi nhận thức và hành vi của người mắc.

Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng, bệnh nhân sợ hãi một điều gì đó thì cần để họ tránh xa, không tiếp xúc thì bác sĩ Thiện lại cho biết cần phải tăng tiếp xúc phơi nhiễm, tăng dần cách tiếp xúc với đối tượng gây ám ảnh cho bệnh nhân. 

“Cũng giống như bệnh nhân A. - phương pháp điều trị là để bệnh nhân đối diện, thực hiện những hành vi được xem là bẩn, các bệnh nhân sợ rắn sẽ nghe những câu chuyện về rắn. Sau đó, bệnh nhân được cho xem ảnh rắn và nâng mức độ dần lên như sờ vào tranh rắn, cho xem clip về rắn và cuối cùng là nhìn, tiếp xúc trực tiếp với rắn”, bác sĩ Thiện chỉ ra cách để đối diện với căn bệnh. 

Bác sĩ Thiện cũng lưu ý, không nên trầm trọng hóa căn bệnh này mà gia đình cần nhận diện sớm khi thấy người thân có biểu hiện bị ám ảnh để tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần thăm khám, tư vấn kịp thời. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI