Mới sang năm 2019, hàng loạt người nhập viện do sốt xuất huyết

06/01/2019 - 06:00

PNO - Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhập viện chưa có dấu hiệu giảm, mỗi ngày có từ 10-20 ca nhập viện. Thậm chí có gia đình 4 người thay phiên nhau nằm viện.

Gia đình 4 người lần lượt vào viện vì sốt xuất huyết

Những ngày qua, gia đình chị P.T.H.T. (34 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) khá mệt mỏi khi phải liên tục vào ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM chăm sóc người thân bị sốt xuất huyết.

Moi sang nam 2019, hang loat nguoi nhap vien do sot xuat huyet
Phòng bệnh nặng cho bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng

Chị T. kể, mấy tuần trước, chị sốt cao, nhức đầu, nôn ói, da nổi ban hồng nên đến bệnh viện khám. Các bác sĩ kết luận chị bị sốt xuất huyết nên phải nhập viện điều trị. 

Vào mùa sốt xuất huyết, những trường hợp cả gia đình nhập viện như 4 người nhà của chị T. không phải hiếm. 

Khoảng một tuần sau, chị T. vừa khỏi bệnh thì con gái 6 tuổi có dấu hiệu sốt xuất huyết nên đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cấp cứu. Bé bị sốt cao co giật, biếng ăn, người rũ rượi suốt 3 ngày.

Ngay khi nhập viện, con gái chị T. rơi vào tình trạng sốc, phải thở máy nên được đưa vào khoa Nhi A để được chăm sóc tích cực.

Trong lúc bác sĩ chăm sóc cho bé, chị T. lại nhận được tin con gái út 2 tuổi ở nhà đang sốt cao “đùng đùng”. Bé lờ đờ, cả người đỏ rực, nôn trớ… Thấy vậy, chị T. lại nhờ bà ngoại của bé đưa đến bệnh viện. 

“Mấy ngày nằm viện, tôi nhớ con vô cùng, vậy mà chưa kịp về hai cháu lại lần lượt “vô thăm” mẹ khiến mọi người chạy ngược chạy xuôi thăm nuôi. Lúc nghe con bệnh tôi hoảng vô cùng, mình vừa trải qua cả tuần lễ vì sốt xuất huyết, đau đớn, mệt mỏi nên rất xót con”, chị T. nói.

Moi sang nam 2019, hang loat nguoi nhap vien do sot xuat huyet
Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Dù có người thân ở bên, nhưng chăm con gần 2 tuần tại bệnh viện, chị T. như muốn kiệt sức.

Ba mẹ con chị T. vừa xuất viện về nhà thì cháu gái N.H.M. (18 tuổi, cháu gái chị T.) nhập viện do sốt xuất huyết.

"3 ngày trước thấy trong người ớn lạnh, chóng mặt, lúc rất nóng, lúc lại lạnh run, toàn thân không chút sức lực... tôi nghĩ ngay đến sốt xuất huyết nhưng tự nhủ nhà có 3 người bệnh chắc… không xui xẻo nên ra tiệm thuốc gần nhà mua thuốc uống.

Thế nhưng, bệnh không bớt mà còn nặng thêm, sốt hơn 39 độ C, mặt ửng đỏ, đầu đau buốt. Tôi nhờ người quen chở đi khám và kết quả xét nghiệm máu cho ra sốt xuất huyết", chị M. cho biết.

Moi sang nam 2019, hang loat nguoi nhap vien do sot xuat huyet
Theo bác sĩ Phong, cả gia đình nhập viện vì sốt xuất huyết không phải trường hợp hiếm gặp

Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong – Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, cho biết nếu trong gia đình có một người bị bệnh sốt xuất huyết, xung quanh nơi ở có nhiều muỗi thì khả năng người thân trong nhà và những hàng xóm xung quanh cũng có nguy cơ mắc bệnh. 

Thông thường, bệnh sốt xuất huyết sẽ giảm từ tháng 11 nhưng hiện tại bệnh vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Theo bác sĩ Phong, sốt xuất huyết thường xuất hiện vào tháng 8, 9, 10 khi thời tiết bắt đầu vào mùa mưa. Thông thường, tháng 11 bệnh sẽ giảm nhưng hiện tại bệnh vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Thậm chí, năm nay số lượng người bệnh tăng gần gấp đôi năm 2017, bệnh này lại không có thuốc đặc trị, chưa có vắc-xin ngừa bệnh. Vì vậy, người dân không nên chủ quan khi nhà có người mắc bệnh. 

“Tính riêng khoa Nhiễm D, hiện có khoảng 70 ca đang điều trị. Mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 10-20 ca mắc mới được chuyển vào, trong đó người lớn nhiều hơn trẻ nhỏ. Nhiều ca biến chứng do sốt xuất huyết rất nặng phải thở máy và theo dõi sát”, bác sĩ Phong nói thêm.

Tại sao người lớn bị sốt xuất huyết nguy hiểm hơn?

Người lớn, nhất là những người có sẵn bệnh béo phì, tiểu đường, huyết áp hoặc phụ nữ đang mang thai... nếu bị sốt xuất huyết càng nguy hiểm hơn.

Ở ngày thứ 4, 5 của bệnh sốt xuất huyết, nếu không được điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể gây sốc, huyết áp không ổn định, viêm não, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã có trường hợp bệnh nhân nam (23 tuổi) bị sốt xuất huyết 4 ngày nhưng chủ quan nên anh này tự mua thuốc uống. Đến khi sốc sốt xuất huyết kèm nhiều biến chứng suy đa tạng, suy hô hấp, bạch cầu tăng, bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện. 

Không may, bệnh nhân tử vong ngay trên đường chuyển viện từ bệnh viện tỉnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cấp cứu.

Moi sang nam 2019, hang loat nguoi nhap vien do sot xuat huyet
Bệnh nhân nằm kín giường bệnh

Lúc mới mắc bệnh, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, ăn không ngon, sốt nhẹ. 2 ngày sau, sốt kèm theo nổi xuất huyết dưới da, có thể đi cầu ra máu, phân đen hoặc máu tươi.

Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể bị biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, chảy máu đường tiêu hóa và xuất huyết não… gây tử vong.

Người bị sốt xuất huyết được theo dõi chặt chẽ bệnh, không kiêng cữ đồ ăn, uống nhiều nước lọc, mặc đồ thoáng mát, chỉ được uống thuốc paracetamol để hạ sốt, không uống kháng sinh.

Moi sang nam 2019, hang loat nguoi nhap vien do sot xuat huyet
Đến thời điểm này sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu giảm

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tháng 8, 9, 10 năm nay, có hơn 11.000 bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Đầu tháng 10/2018 số trẻ em nhập viện lên gần 100 ca. Hiện tại bệnh nhi lại bắt đầu tăng gần gấp đôi năm 2017.

Trong đó, gần 4.000 bệnh nhân nhập viện, 10 ca mắc sốt xuất huyết quá nặng xin về bao gồm cả người lớn và trẻ em.

Người dân cần vệ sinh nơi ở, treo mùng khi ngủ, tránh để nước tù đọng để muỗi đẻ… Nếu xung quanh có nhiều người mắc bệnh phải báo ngay cho cơ quan địa phương để kịp thời phun thuốc diệt muỗi, tuyên truyền cảnh báo bệnh.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI