Mẹ dắt con đi

19/05/2017 - 09:00

PNO - Bao biến cố nghiệt ngã của cuộc đời, không ngăn cản được tình mẹ thương con. Dù con có một tuổi hay khi tóc đã phai màu sương gió, thì mẹ vẫn là nơi con tìm về. Không có nơi nương tựa nào ấm áp như tình mẹ.

Bài 1: Người mẹ già nhặt những thứ vứt đi để kéo dài sự sống cho con

Những thứ rác thải người ta chê bẩn, chê hôi thì nó lại trở nên đẹp đẽ, hữu ích cho bà. Bà không sợ nghèo, không sợ cực, chỉ sợ một ngày bà không còn nữa, ai sẽ dìu con bước tiếp một kiếp người.

Hạnh phúc của mẹ là con

8 giờ sáng, chiếc xe buýt số 91 dừng lại, hai người phụ nữ khập khễnh bước xuống xe, cùng nhau lướt qua dòng người hối hả.

Họ yên lặng, nương vào nhau bước từng bước một. Chốc chốc, hai người dừng lại thở hắt rồi động viên nhau bước vào khuôn viên của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Dừng lại trước khoa Thận nhân tạo, cũng là lúc những giọt mồ hôi thay nhau rơi, trôi vào dòng đời chát đắng của hai mẹ con họ.

Me dat con di
Lúc nhỏ, chị Hà được mẹ tập đi, lớn lên chị lại được mẹ nắm tay dìu qua những năm tháng bệnh tật.

Hạnh phúc với người khác có lẽ là giàu có, xe hơi sang chảnh, những bữa ăn đắt tiền,... nhưng với người mẹ nghèo này, hạnh phúc là từng giờ được sống cùng con, được dắt con đi qua năm tháng chông chênh của đời người.

Bà không sợ nghèo, không sợ cực, chỉ sợ một ngày bà không còn nữa, ai sẽ dìu con bước tiếp một kiếp người.

Bà ấy, mái tóc hoa râm, đôi dép cũ nát, mang trên người chiếc ba lô rệu rã theo thời gian. Thế nhưng, thời gian chưa thể làm đôi vai bà chưa yếu đuối.

Hơn 10 năm nay, bà Trần Thị Gái (63 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) vẫn là điểm tựa đầy mạnh mẽ, cùng chị  Lê Thị Thu Hà (42 tuổi, con ruột bà Gái) chiến đấu với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Me dat con di
18 tuổi bị bệnh tiểu đường, 33 tuổi chị Hà lại bị suy thận giai đoạn cuối, từ đó cuộc đời gắn liền với máy lọc.

“42 tuổi, cái tuổi đáng lẽ tôi phải phụng dưỡng mẹ, trả hiếu cho mẹ thì mẹ tôi lại không có một ngày được nghỉ ngơi trọn vẹn. Lúc nhỏ mẹ tập đi cho tôi, cứ cầm tay sợ tôi té ngã. Bây giờ, mỗi ngày mẹ lại phải đẩy xe lăn cho tôi, hoặc tôi lại bám vào vai mẹ để đi, có những lần mẹ ngã, tôi chỉ biết đứng nhìn”, chị Hà trầm ngâm.

10 năm trước, khi biết chị Hà bị bệnh, người ta kêu bà vứt chị Hà đi, chị ấy đã lớn rồi, bà đừng tự làm khổ mình, đừng tự bắt mình nghèo nữa, đừng kiếm được bao nhiêu tiền cũng ném vào những ca chạy thận của chị Hà. Bà lắc đầu “nó còn nhỏ lắm, phải có mẹ bên cạnh mới được”. 

Bệnh của chị Hà ngày một nặng, biến chứng của tiểu đường và suy thận khiến chị không thể đi lại, không tự ngồi dậy được, huyết áp thường xuyên tăng cao, xương lại dễ giòn gãy, nên để tiện chăm sóc cho chị Hà, bà Gái phải bỏ hết công việc lúc nào cũng ở bên cạnh chị Hà.

Me dat con di
Bà Gái cũng bỏ hết công việc, đi nhặt ve chai để nuôi con chạy thận.

Không trông đợi vào tiền từ thiện, ngày ngày bà Gái dẫn chị Hà đi nhặt ve chai kiếm sống. Tiền chạy thận, tiền thuốc cho chị Hà chỉ trong chờ vào gánh ve chai của mẹ. Không đủ, bà buộc phải bán nhà, đến tỉnh Bình Dương ở với con trai cho đỡ tốn chi phí.

“Thứ 2, 4, 6 nó chạy thận thì 3h khuya hai mẹ con tranh thủ thức dậy nấu cơm mang theo. Đi xa thì mệt chút thôi chứ tôi mua vé xe tháng nên không tốn kém lắm. Sợ là sợ mấy chú xe buýt chê mẹ con tôi dơ, bệnh tật không cho lên. 

May mà cũng còn nhiều chú tốt lắm, nhiều khi đi xe mà họ không lấy tiền. Bệnh này người ta ít có chịu chở, thương là thương con Hà, người ta không chở thì phải đợi gần 30 phút mới có chuyến xe kế tiếp. Nó lại dễ bị lên máu, xỉu giữa đường, tôi sợ nó có chuyện…”, bà nói.

Nhặt những thứ bỏ đi để kéo dài mạng sống cho con

Mỗi lần đưa chị Hà lên Sài Gòn chạy thận, bà Gái mừng lắm, vì hôm đó bà tranh thủ nhặt ve chai cũng được hơn 100.000 đồng để dành cho kỳ chạy thận tiếp theo của con. 

Me dat con di
Bà lục lọi từng sọt rác, từng bụi cây để nhặt những thứ người đời chê là dơ bẩn...

“Ở Bình Dương bây giờ nhiều người đi nhặt ve chai lắm, bệnh của Hà giờ nặng hơn, tôi không dám bỏ nó một mình. Hai mẹ con ráng đi nhặt lắm cũng chỉ có 30.000 đồng. Người ta khỏe mạnh, người ta nhặt hết rồi”, bà Gái tiếc nuối.

Nửa đêm, chờ bà Gái ngủ quên, nghe hơi thở mệt nhọc của mẹ, chị dùng dây quấn lên cây xà ngang. Lui cui thế nào, chị té ngã. Bà Gái phát hiện tát chị đau điếng. Lần đầu tiên bà đánh con, đánh không phải vì con hư, mà đánh vì cảm giác sợ mất con.

Me dat con di
... để mong kéo dài mạng sống cho con gái mình.

“Từ lúc cưới ba thì mẹ đã khổ, ba nghiện ngập, đánh mẹ, bán hết nhà bỏ lại mẹ, tôi và đứa em trai mới đỏ hỏn. Ba đi, mẹ đỡ đòn roi, một mình nuôi tôi và em. Tôi còn nhớ có lần người ta đến xin em tôi, mẹ trả lại tiền nhất định không cho nó. 

Đến khi mẹ gồng gánh mua được căn nhà nhỏ, cũng là lúc tôi đổ bệnh. Tôi phải nghỉ việc ở nhà, mẹ lại bán hết tài sản vì tôi. Đứa em trai cũng vì căn bệnh của tôi mà phải cực nhọc. Nếu tôi chết đi, mọi người sẽ đỡ khổ hơn, nhưng ngay cả chết, tôi cũng không đủ sức”, chị Hà trầm ngâm.

Nghe con nói, bà Gái mím chặt môi, vội bước ra ngoài. Đôi tay chai sần của bà nắm chặt vào nhau, những dòng nước mắt cứ thế rơi trong vô thức.

Me dat con di
Hôm nay bà Gái "trúng mánh", ngoài đi nhặt xung quanh, bà được mọi người tặng thêm cho một ít lon nước, chai nhựa.

Tiếng tít…tít… đều đặn của máy lọc thận vang lên, bên trong chị Hà đang oằn mình chị bám víu một kiếp người theo từng dòng máu đi vào máy lọc. Ở bên ngoài, bà Gái cũng tranh thủ đi lòng vòng khuôn viên bệnh viện để nhặt lon nước, chai nhựa, ly giấy… 

Nhìn những thứ mà người khác cho là dơ dáy, bẩn thỉu, họ sẵn sàng ném chúng đi càng xa càng tốt, bà Gái lại mừng thầm. Bà chạy đến góp nhặt từng túi rác, từng ly chè thiu, bịch đựng những mẩu bánh mì ẩm mốc hôi thối như nhặt lại sự sống của con mình. 

Me dat con di
Những thứ mà người ta chê bẩn, chê hôi ấy lại trở nên đẹp đẽ vô cùng khi được cầm trên tay của người mẹ.

Nắng chiều Sài Gòn trở nên gay gắt, bà Gái cười nhiều hơn, hôm nay bà nhặt được khá nhiều đồ. Bà đặt chúng lên người chị Hà, hai mẹ con cùng nhau nâng niu bịch ve chai như một báu vật. Những thứ mà người ta chê bẩn, chê hôi ấy lại trở nên đẹp đẽ vô cùng khi được cầm trên tay của người mẹ. 

Bài: Phạm An
Ảnh: Hoàng Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI