Loay hoay tìm cách 'quản' thực phẩm chức năng

21/06/2017 - 17:00

PNO - Trước thực trạng thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) bát nháo, Bộ Y tế đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn nhiều vấn đề phải cân nhắc kỹ để có thể quản lý mặt hàng này sau hàng chục năm… thả nổi.

Trăm hoa đua nở, quản lý thả nổi 

Nếu như cách đây 10 năm, cả nước chỉ có 13 cơ sở với 63 loại TPCN thì hiện tại, theo thống kê của Bộ Y tế đã có gần 20.000 sản phẩm được sản xuất và nhập khẩu bởi 4.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có một thực tế mà Bộ Y tế phải thừa nhận là chưa có một văn bản chung nào quy định tất cả các vấn đề về quản lý TPCN bao gồm công bố, điều kiện sản xuất, ghi nhãn, quảng cáo.

Sau nhiều năm “thả nổi”, gây ra sự bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 

Loay hoay tìm cach 'quan' thuc pham chuc nang
Quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng có ngăn được quảng cáo "nổ"?


PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ, để giải quyết vấn đề “vàng thau lẫn lộn” hiện nay phải tiệm cận một nền sản xuất TPCN theo hướng thực hành sản phẩm tốt (GMP). Khi áp dụng tiêu chí GMP chắc chắn sẽ “khai tử” những doanh nghiệp yếu kém, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, bằng việc quản lý chặt chẽ hồ sơ sản xuất, nhập khẩu và phân phối, cơ quan chức năng sẽ truy nguyên được nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xử lý, xác định rõ nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tiến hành xử lý xử phạt đúng đối tượng…

Loay hoay tìm cach 'quan' thuc pham chuc nang
 

Một “điểm sáng” trong kế hoạch của Bộ Y tế đang đề xuất là ban hành quy định về công bố hợp quy và hợp chuẩn, yêu cầu về báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng, yêu cầu kiểm nghiệm với sản phẩm TPCN. Điều này được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giải quyết được thực trạng “người người, nhà nhà” đều có thể sản xuất và đưa TPCN vào lưu hành trên thị trường với công thức, thành phần hết sức… tùy tiện.

Có ngăn được quảng cáo “láo”?

Tuy nhiên, Hiệp hội TPCN Việt Nam cho rằng, việc “bó hẹp” dự thảo nghị định (đang đề xuất xây dựng) trong các nội dung: điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn sản phẩm là chưa đủ.

Theo đó, cần thiết đặt tên là Nghị định về quản lý TPCN và có những quy định cụ thể, xuyên suốt từ việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào (GAP), quản lý sản xuất (GMP), quản lý kinh doanh TPCN (GDP) tới vấn đề nhập khẩu, xuất khẩu; quảng cáo, thanh kiểm tra sản phẩm…

Loay hoay tìm cach 'quan' thuc pham chuc nang
 

Cụ thể như, với nguyên liệu sản xuất TPCN từ thực vật, phải kiểm soát đối với từng chi tiết, bao gồm: đất, giống, nước tưới; sử dụng hóa chất BVTV và thu hái, sơ chế, chế biến… Tương tự, Hiệp hội TPCN cũng đề xuất quy định điều kiện kinh doanh TPCN tại các hiệu thuốc, nhà thuốc và từng kênh thương mại khác như: siêu thị, đa cấp, online, cửa hàng chuyên bán TPCN…

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN cho rằng, gọi “thực phẩm bảo vệ sức khỏe” như trong đề cương dự thảo là cách gọi của… Trung Quốc. “Cả thế giới đều thống nhất gọi là TPCN từ năm 2004. Trong TPCN mới chia ra các loại khác nhau. Ban biên soạn cần tìm hiểu các tài liệu, quy định trên thế giới…”.

Vấn đề quảng cáo TPCN là một trong những nội dung mà Bộ Y tế đang hướng tới quản lý chặt chẽ nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm “nhức nhối” trong thời gian qua. Theo đó, trong dự thảo nghị định sẽ dành riêng một chương để quy định về điều kiện, trình tự thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo TPCN. Mặc dù vậy, các chuyên gia không khỏi băn khoăn, liệu rằng khi đi vào thực tế, vấn nạn quảng cáo “nổ”, thậm chí sai sự thật có thể chấm dứt? 

Thực tế bấy lâu nay, quảng cáo TPCN vi phạm vẫn xuất hiện dày đặc trên các website và mạng xã hội, hàng loạt sản phẩm được giới thiệu với công dụng như thuốc chữa bệnh, thậm chí có thể điều trị những bệnh hiểm nghèo như ung thư...

Theo thông tin từ Hiệp hội TPCN, có tới 50% quảng cáo mang nội dung sai lệch so với thực tế. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng “sờ gáy”, nhiều doanh nghiệp cho biết không tiến hành quảng cáo tại những địa chỉ này và khẳng định hoàn toàn… vô can.

Bởi vậy mới có tình trạng, trên website của Cục An toàn thực phẩm thường xuyên có thông báo về việc một địa chỉ website nào đó vi phạm quy định quảng cáo sản phẩm TPCN. Tuy nhiên, chủ thể quảng cáo sai là ai lại không được làm rõ.

Điều này đồng nghĩa với việc thông tin từ cục chỉ mang tính chất cảnh báo với người tiêu dùng chứ không thể xử lý, răn đe các đối tượng vi phạm. 

Cấm kinh doanh đa cấp mặt hàng TPCN?

Trong hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế đưa ra kiến nghị với chính phủ về việc sửa đổi “Nghị định về kinh doanh, bán hàng đa cấp”, theo hướng không cho kinh doanh đa cấp mặt hàng TPCN. 

Theo Bộ Y tế, hiện tại thuốc chữa bệnh không được kinh doanh đa cấp, trong khi đó, TPCN cũng là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, do đó, nên ngừng phân phối theo kênh thương mại này. 

Trong khi đó, Hiệp hội TPCN phản ứng khá gay gắt trước đề xuất này. Ông Trần Đáng khẳng định, TPCN được thế giới xếp là thực phẩm, cũng giống các hàng hóa khác như bánh kẹo, mỹ phẩm, sữa...  

Vì vậy, lý do Bộ y tế đưa ra là không hợp lý. “Đừng thấy một số vi phạm của TPCN, không quản lý được thì cấm. Sở dĩ có một số vi phạm như hàng giả, là do chủ yếu quá kém về mặt quản lý. Không quy định tính chất lượng, tính an toàn và tính hiệu quả; không quy định thành phần TPCN...”, Chủ tịch Hiệp hội TPCN nhấn mạnh. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI