Lạm dụng chụp CT - Người Việt rước nguy cơ ung thư

12/08/2019 - 10:30

PNO - Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên “nhận” tối đa lượng tia X là 1msv trong một năm nhưng hiện nay nhiều người Việt có thói quen nài nỉ bác sĩ cho chụp CT mới an tâm..

Một lần chụp CT là “ăn” tia X hơn một năm cho phép

Cầm kết quả khám sức khỏe hoàn toàn bình thường trên tay, anh N.H.K. (32 tuổi, nhà ở Q.9, TP.HCM) năn nỉ bác sĩ cho chụp thêm PET/CT (dạng chụp CT toàn thân) để mong tìm ra bệnh. Giải thích với bác sĩ, anh K. kể, 3 tháng nay anh sụt cân, người hay mệt mỏi, stress trong công việc nhưng khi đi khám lại không ra bệnh.

Anh lo sợ bị ung thư nên đến một số bệnh viện xin chụp X-quang lẫn CT nhưng không phát hiện bất thường. Sau đó, anh tìm đến Bệnh viện Quốc tế Mỹ (Bệnh viện AIH) để nhờ tư vấn chụp PET/CT. Anh K. chia sẻ, nếu bác sĩ từ chối chụp PET/CT thì anh sẽ bay sang Singapore để chụp cho an tâm.

Không vội từ chối ngay, bác sĩ cao cấp Trần Thu Phượng - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Quốc tế Mỹ - nhẹ nhàng giải thích: việc chụp chiếu X-quang, CT nhiều lần có thể dẫn đến ung thư chứ không hẳn đã tốt cho cơ thể. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, mỗi người chỉ nên “nhận” tối đa lượng tia X là 1msv trong một năm, trong khi chụp PET/CT sẽ phóng ra khoảng 10msv tia X cho cơ thể. PET cũng giống như chụp CT nhưng PET là chụp toàn thân nên lượng tia X phát ra rất cao.

Lam dung chup CT -  Nguoi Viet ruoc nguy co ung thu
Bác sĩ Trần Thu Phượng - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện AIH

Theo bác sĩ Phượng, PET/CT thường chỉ định cho bệnh nhân đã bị ung thư để đánh giá quá trình điều trị hoặc tìm kiếm tế bào ung thư di căn còn quá nhỏ mà các kỹ thuật khác không thể tìm ra. Ví dụ, chụp X-quang, CT có thuốc cản quang sẽ khó phát hiện ung thư di căn nhỏ 1-2mm trong phổi. Trong khi kỹ thuật PET/CT sử dụng loại thuốc tăng hấp thụ năng lượng nên tế bào ung thư di căn sẽ hiện hình rất rõ. Nhờ đó, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh mới biết được ung thư có di căn hay không.

Mặt khác, bác sĩ hay chỉ định chụp PET/CT cho những trường hợp ung thư vì phải bảo vệ tính mạng nguy hiểm trước mắt cho bệnh nhân hơn là nguy cơ của tia X về sau. Và không phải bệnh nhân ung thư nào cũng được chỉ định chụp PET/CT.

Cùng quan điểm này, bác sĩ người Pháp Jean François Biset - Giám đốc Y khoa Bệnh viện Quốc tế Mỹ - cảnh tỉnh: một nghiên cứu tại Mỹ ghi nhận cứ 500 người khỏe mạnh có chụp 1 lần CT bụng (phát ra tia X với liều 8msv) trong một năm thì một thời gian sau sẽ có 1 người bị ung thư liên quan đến việc chụp CT.

Cũng theo bác sĩ Jean François Biset, việc chụp tia X vượt mức cho phép có thể gây ra bất cứ loại ung thư nào trong cơ thể, nhưng dễ gặp nhất ở ngay vị trí tia X chiếu vào, nhiều nhất là ung thư tuyến giáp, ung thư máu và ung thư tinh hoàn.

Sau khi nghe các bác sĩ giải thích, anh K. cho biết, anh sẽ không đi Singapore chụp PET/CT vì lãng phí tiền bạc, mất thời gian nghỉ phép lại “ăn” tia X nguy hiểm.

Trường hợp nào mới chụp CT?

Bác sĩ Trần Thu Phượng trăn trở: tâm lý người Việt rất sợ bị bệnh, nhưng lại chưa ý thức tia X có hại như thế nào. Mỗi khi chưa an tâm với chẩn đoán của bác sĩ, bệnh nhân lại mong mỏi được bác sĩ chụp phim. Quan niệm này khác với người nước ngoài. Bệnh nhân nước ngoài họ hiểu rõ tia X độc hại nên cho dù bác sĩ chỉ định chụp chiếu họ vẫn xin phép được suy nghĩ có nên thực hiện hay không.

Bác sĩ Phượng cảnh báo: X-quang, CT và PET/CT đều phát ra tia X độc hại cho cơ thể nên Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị liều tia X tối đa được phép chụp chiếu trên cơ thể người bệnh là 1msv/năm.

X-quang được phép chụp thường quy trong khám sức khỏe định kỳ, tối đa 2 lần/năm nhưng CT và PET/CT thì không. Nếu những bệnh viện có máy x-quang mới như Bệnh viện AIH thì tia X phát ra cho một lần chụp là 0,02msv, còn máy cũ khoảng 0,05msv.

Nếu chụp X-quang phát hiện bất thường mới bắt buộc chụp CT cắt lớp kỹ hơn để xác định tổn thương đó là gì. Theo bác sĩ Phượng, lượng tia X phát ra từ CT và PET/CT cao gấp nhiều lần so với X-quang. Nếu như bệnh nhân chụp CT cột sống sẽ “ăn” 1,5msv tia X (vượt 50% tia X được khuyến cáo), CT não đến 2msv (gấp đôi lượng tia X cảnh báo), CT xương là 5-6msv, CT ngực đến 7msv, CT bụng 8msv.

Bác sĩ Jean François Biset cho rằng, người Việt Nam khi muốn chụp CT, PET/CT để kiểm tra sức khỏe cần cân nhắc xem lợi ích và nguy cơ tia X mang lại, chứ đừng tốn kém tiền bạc lại nguy hại cho sức khỏe. Vì “ăn” tia X quá liều có thể không có hại ngay, nhưng sau 10-20 năm có thể hình thành ung thư. Tại Bệnh viện AIH, tôi không đồng ý cho bác sĩ chụp đại trà CT theo ý muốn bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Thu Phượng chia sẻ, ngay việc dùng thuốc cản quang trong chụp CT cũng nên cân nhắc. Thuốc cản quang được đào thải chủ yếu qua thận nên việc lạm dụng sẽ gây nguy hại cho bệnh nhân vốn bị suy thận nặng và độ lọc cầu thận thấp. Chẳng hạn những tổn thương vôi hóa, tổn thương cũ ở phổi hoặc sỏi thận, sỏi niệu quản thì không nhất thiết phải luôn dùng thuốc cản quang dù rằng việc chụp CT có thuốc cản quang là cần thiết cho mọi khám nghiệm.

Thanh Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI