"Kể tội" đường

03/07/2016 - 08:51

PNO - Bà mẹ yêu con sẽ ngạc nhiên khi biết, từ năm 2014, nhiều nhà khoa học thế giới phản đối đường vì chất tạo vị ngọt này chỉ gây béo phì, thậm chí tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư...

Khoảng mười năm trước, hầu hết sách nấu ăn cho trẻ trên thị trường, kể cả sách của các cơ quan dinh dưỡng đều hướng dẫn các bà mẹ thêm một hai muỗng đường vào chén bột, tô cháo ăn dặm. Chỉ riêng các BS dinh dưỡng tại một số BV nhi TP.HCM phản đối điều này. BS Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1 TP.HCM thời điểm đó phát biểu trong các hội thảo dinh dưỡng “đường và muối không có ích gì, chúng chỉ là ma túy của nhân loại”. Thế nhưng, không dễ thay đổi quan điểm nuôi con cổ hủ và do khẩu vị của người miền Nam ưa ngọt, nên lại một thế hệ trẻ lớn lên cùng thói quen nấu nướng của bà và mẹ: chỉ thích ăn món nêm đường.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Đường là loại carbohydrate tinh thể có vị ngọt. Có rất nhiều loại đường khác nhau. Đường glucose, fructose và lactose có tự nhiên trong trái cây, rau củ, sữa động vật và các thực phẩm khác. Bản thân những tinh thể trắng tinh không có “tội”, bởi đường giúp chúng ta ngon miệng hơn. Nhưng thói quen bổ sung các chế phẩm đường vào thức ăn để tăng độ ngọt, độ ngon miệng lại là điều phải bàn. Vì lợi nhuận khổng lồ, ngành công nghiệp thực phẩm ra sức thêm đường vào các sản phẩm để bán hàng. Ngày càng nhiều sản phẩm ngọt miệng trên kệ bếp, trong tủ lạnh các gia đình.

Trên thị trường, giá bán một ký đường chỉ khoảng 20.000đ, rất rẻ so với nhiều loại thực phẩm khác và đó cũng là lý do đường hiện diện mọi nơi, phổ biến nhất là những thức ăn công nghiệp như nước giải khát, bánh kẹo, nước trái cây đóng hộp, các món ăn vặt. Theo tờ Medical News Today (Anh) một lon coca có thể chứa đến bảy muỗng cà phê đường, một thanh sôcôla cỡ trung bình có thể chứa đến sáu muỗng cà phê đường tinh luyện. Đáng buồn, ngay cả trong bữa cơm nhà vốn được xem là an toàn với sức khỏe, đường cũng đóng vai kẻ phá bĩnh vô hình.

Tháng 2/2014, một nghiên cứu do Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Mỹ khẳng định rằng, việc tiêu thụ đường tăng cao làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Tháng 12/2014, nghiên cứu công bố trên tạp chí Open Heart khẳng định việc dùng đường quá mức làm tăng nguy cơ cao huyết áp, thậm chí việc ăn ngọt còn nguy hiểm hơn so với ăn mặn. Nhưng “lỗi” phổ biến nhất của đường là làm tăng nguy cơ béo phì. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ sự gia tăng tiêu thụ đường trong thức ăn làm người ta tăng cân. Hiệp hội tim mạch Mỹ lên tiếng: “Thêm đường chỉ làm tăng calo, chứ không thêm cho con người chút chất dinh dưỡng nào”.

Các bằng chứng rõ ràng khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng nhiều cơ quan tổ chức sức khỏe khắp thế giới ngay sau đó đã đồng loạt khuyến cáo chúng ta giảm một nửa lượng đường ăn hàng ngày từ 10% tổng lượng calo nạp trong ngày xuống mức 5% để ngừa nguy cơ bệnh tật. Với đối tượng trẻ em, WHO tuyên truyền tích cực thông điệp nói không với đồ ngọt, nhằm ngăn ngừa, kiểm soát tăng cân và sâu răng.

Điều đáng tiếc là, sau đợt “tổng tấn công” năm 2014 của các nhà khoa học và các tổ chức dinh dưỡng thế giới, người Việt Nam dường như vẫn thờ ơ với sức khỏe của mình. Nhiều bài báo trên các tạp chí phụ nữ vẫn cổ súy việc sử dụng đường theo kiểu: nêm đường cho con tăng sức để học thi. Nhiều clip quảng cáo nước ngọt có gaz, nước ngọt “thảo mộc” tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng tung hô các khả năng thức tỉnh giác quan, giải khát, thậm chí là “bổ sung dinh dưỡng”... Tham quan bếp ăn dinh dưỡng của các trường mầm non, tiểu học, không ít bà mẹ sẽ ngạc nhiên khi la liệt những bịch đường 5kg, 10kg trong tủ nguyên liệu. Và vô số cha mẹ xem việc ấy là bình thường.

Một thập kỷ đã qua kể từ khi các bác sĩ dinh dưỡng TP.HCM “tuyên chiến” với đường, nhưng các tài liệu dạy nuôi trẻ trên thị trường gần như không đổi. Những cuốn sách dịch từ châu Âu, Nhật Bản với thực đơn bơ sữa và rau củ nghiền nhằm tạo xu thế ăn uống mới, nhưng không dễ áp dụng. Những cuốn sách dịch từ Trung Quốc, sách của các tác giả Việt Nam vẫn tiếp tục tổng hợp từ thực đơn cũ của các cơ quan dinh dưỡng, tất nhiên là luôn có đường trong công thức nấu món ăn cho trẻ. Hậu quả ít nhiều liên quan tới câu chuyện các BS nhi đồng hay kể: các bé khi nằm viện không thể nuốt trôi những món “lạt miệng” trong thực đơn của khoa dinh dưỡng BV. Cha mẹ đành phải phân chia nhau đi mua cháo kém chất lượng nhưng có sẵn vị ngọt cho con.

HỒNG HẠNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI