Học sinh, công nhân viên bị sốt, ho, nổi mụn nước cần đi khám bệnh ngay

10/10/2018 - 18:25

PNO - Cùng với cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về phòng ngừa dịch bệnh, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giám thị điểm danh ghi chú rõ nguyên nhân nghỉ học của học sinh để sớm phát hiện bệnh.

Trước tình hình dịch tay chân miệng bùng phát, bệnh sởi đang tăng, chiều 10/10, Bộ Y tế tổ chức hội nghị "Tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam". 

Hoc sinh, cong nhan vien bi sot, ho, noi mun nuoc can di kham benh ngay
 

Theo thông tin từ hội nghị, tính đến đầu tháng 10, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. 

Riêng về bệnh sởi, tại TP.HCM, số ca sởi xuất hiện nhiều ở quận Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân, quận 7 và quận 9. Bệnh sởi tăng nhanh từ tuần 36 - 38, mỗi tuần có khoảng 15 - 20 ca bệnh trên toàn thành phố. 

Tại hội nghị, PGS.TS Phạm Văn Quang – Bệnh viện Nhi đồng 1,TP.HCM – cho biết: “Tính từ tháng 9/2018, số ca nhập viện điều trị tay chân miệng tại bệnh viện là 814 trẻ, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017. Từ tuần 36, lượt khám tăng đột biến, gần tương đương đỉnh dịch năm 2015. Bên cạnh đó, bệnh sởi tăng từ tuần 30, đã có 83 trẻ sốt phát ban nghi sởi nhập viện”.

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế – cho rằng, bệnh tay chân miệng và bệnh sởi đang có chiều hướng gia tăng nhưng vẫn còn trong tầm kiểm soát của Bộ Y tế. Thời tiết đang chuyển mùa nên trẻ dễ mắc bệnh, vì vậy phụ huynh nên bình tĩnh trước dịch bệnh, nếu không trẻ sẽ bị lây nhiễm chéo càng khó điều trị.

Hoc sinh, cong nhan vien bi sot, ho, noi mun nuoc can di kham benh ngay
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo phụ huynh nên bình tĩnh với bệnh của con em mình.

Những trường hợp bệnh nhẹ, cha mẹ mất bình tĩnh đưa con lên bệnh viện tuyến trên dẫn đến quá tải, lại dễ mắc những bệnh nguy hiểm khác.

Ông Phu khẳng định: “Tính tới thời điểm này, so với năm 2017, bệnh sốt xuất huyết giảm hơn 50%, tay chân miệng giảm 18%, bệnh sởi còn giảm hơn".

Trường học ghi rõ lý do trẻ nghỉ học để phát hiện sớm dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác đang diễn ra, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM đã gửi công văn khẩn nhắc nhở các trường phòng chống, tổ chức giám sát phát hiện, cách ly sớm ca bệnh truyền nhiễm.

Học sinh, giáo viên, công nhân viên bị các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi, phát ban, nổi mụn nước cần nghỉ học, nghỉ làm để đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, không nên đến trường, lớp khi còn các triệu chứng, hạn chế tiếp xúc với người khác, chỉ quay lại trường học khi đã hết các triệu chứng bất thường. Nếu được chẩn đoán là bệnh truyền nhiễm gây dịch phải ở nhà cách ly đến hết thời gian quy định.

Sở Giáo dục - Đào tạo yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giám thị điểm danh ghi chú rõ nguyên nhân nghỉ học mỗi ngày của học sinh. Trường hợp học sinh nghỉ nhiều ngày liên tiếp mà không nói rõ lý do, nhà trường phải chủ động liên hệ với phụ huynh để xác định có phải bị bệnh truyền nhiễm. Nhân viên y tế trường học tổng hợp các trường hợp nghỉ vì bệnh truyền nhiễm và báo ngay cho trung tâm y tế…

Bên cạnh đó, nhà trường tuyệt đối không nhận học sinh bị sốt hoặc bị bệnh truyền nhiễm vào lớp. Khi phát hiện có trường hợp sốt hoặc bệnh phải đưa đến phòng y tế trường và gọi phụ huynh đưa đi khám ngay. Đối với trường mầm non và nhóm trẻ, giáo viên bảo mẫu khi đón nhận trẻ vào buổi sáng phải sàng lọc trẻ và hỏi phụ huynh về tình trạng hôm nay của trẻ trước nhận vào lớp.

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo, tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa tạm thời lớp học hoặc trường học để hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong lớp học và trường học.

Phạm An - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI