Hành trình Thiện Nhân & những cuộc đời bé nhỏ

03/07/2017 - 19:00

PNO - 11g30 thứ Bảy (30/6), chúng tôi tới Đà Nẵng. Bữa trưa rất nhanh để các bác sĩ (BS) lập tức vào khám. Na Hương (Giám đốc Chương trình 'Thiện Nhân và những người bạn') bảo: 'Lượt khám chiều nay có 70 bệnh nhân'.

Cô xách theo một cái bánh cho Mai Anh (mẹ bé Thiện Nhân, người đồng sáng lập chương trình) đang đợi trong Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Na Hương lúc nào cũng chu đáo, nhớ là mẹ Thiện Nhân chưa được ăn trưa. Như một đội tác chiến chuyên nghiệp, trong đúng vài phút các BS và tình nguyện viên đã vào vị trí với ba bàn khám.

Hanh trinh Thien Nhan & nhung cuoc doi be nho
Nhóm bác sĩ trao đổi cùng người thân để đưa ra cách can thiệp hiệu quả cho một bé khiếm khuyết cơ quan sinh dục


Cậu tình nguyện viên ngồi đầu tiên vào bàn BS Roberto. Không biết hai người nói gì đó, mấy phút sau thấy cậu cười rạng rỡ, quay lại vị trí của mình. Lúc hai chị em đứng bên nhau, tôi mới biết câu chuyện của Cảnh (tên cậu trai 29 tuổi ấy). Cảnh bẩm sinh có túi bàng quang phơi hẳn ra ngoài ổ bụng và không tự chủ được việc tiểu tiện, nước tiểu rò rỉ cả ngày đêm.

Cảnh đùa “em là đại lý bỉm”. 24 tuổi Cảnh mới thoát “kiếp đóng bỉm”, sau cuộc phẫu thuật tại Hà Nội năm 2011 của quỹ Thiện Nhân. Riêng BS Roberto trực tiếp mổ cho Cảnh bốn lần, các BS Việt Nam mổ hơn 10 lần. “Lúc nãy BS khám cho tôi và bảo tôi đã hoàn toàn bình thường chị ạ.

Lần mổ đầu tiên kéo dài tám giờ, khi tỉnh dậy tôi thấy mình như được tái sinh”. Những mặc cảm, đau ốm, bất tiện đã ở lại. Cảnh chỉ có lòng biết ơn và tận tụy, anh muốn đáp đền cho những ân nhân cứu mình, bằng cách hỗ trợ hết lòng những bệnh nhân tìm đến quỹ Thiện Nhân. 

Hanh trinh Thien Nhan & nhung cuoc doi be nho
Bác sĩ Roberto luôn dịu dàng, ân cần với những bệnh nhân bé bỏng


Có một người mẹ ám ảnh tôi suốt buổi chiều hôm ấy. Chị lập gia đình năm 44 tuổi; hai anh chị công nhân và phụ hồ vá víu vào nhau. 45 tuổi mang thai, tưởng hạnh phúc muộn mằn đến với họ hóa ra là nước mắt.

Thai được bốn tháng, siêu âm BS thông báo “thoát vị rốn”. BS khuyên bỏ thai, nhưng nhìn mặt con qua phim siêu âm chị thương quá, lại nghĩ mình cao tuổi, lỡ không còn cơ hội có con nữa, nên quyết định không bỏ thai. Tám tháng chị bị sinh non, BS siêu âm thông báo: em bé không có bộ phận sinh dục, bàng quang bị lộ ngoài, không có hậu môn.

“Vào phòng sinh rồi tôi vẫn niệm Phật để cầu mong một phép màu xảy ra, rằng những gì hiện trên máy móc là lầm lẫn”. Nhưng em bé chào đời đúng như chẩn đoán, và không có hậu môn. “Tôi khóc trường kỳ từ khi có bầu đến lúc sinh con ra, đã đành xác định trước điều mình sẽ đối diện, nhưng vất vả và đau đớn vẫn ngoài sức tưởng tượng của mình”.

Em bé sinh non phải phẫu thuật ngay để tạo hậu môn tạm bên sườn, việc bài tiết diễn ra suốt ngày, không tự chủ được. Người mẹ nghỉ việc hẳn vì chăm con đã chiếm toàn bộ thời gian, thậm chí không nấu được cơm, không được ngủ, hai vợ chồng thường ăn uống qua quýt trong lúc con ngủ.

Em bé xinh lắm, mặt nó sáng bừng, nghịch và lanh lợi. Chị không dám nghĩ xa. Tương lai của con thế nào? Cơ thể trầy trụa be bét ấy, nếu rời vòng tay bế ẵm của cha mẹ sẽ tồn tại thế nào? “Chỉ cần con đừng đau đớn hay phải đóng bỉm suốt đời, nó được lớn lên là một con người có ích, thì đời tôi thế nào cũng chịu”.

Lúc BS bảo tháng 11 tới đây, đợt mổ tại Hà Nội, em bé sẽ được phẫu thuật mở đại tràng để đỡ bị viêm loét chỗ hậu môn nhân tạo. Và phẫu thuật đóng bàng quang sẽ vào năm 2018, chị mừng quýnh, cứ như đã thấy con mình lành lặn trước mắt rồi.
Nói chung chỉ cần đi theo quỹ Thiện Nhân một ngày sẽ phải nhìn thấy thế nào là tận khổ.

Cậu bé mặc áo xanh là một cục buồn đông đặc lại. Nó có kiểu ngồi bơ vơ khủng khiếp, làm tôi tò mò phải tiến lại. Ngắn gọn về một con người thế này: chưa bao giờ nhìn thấy bố, năm ba tuổi thì mẹ mất, từ đó ở với dì ruột. Dì bị thần kinh, thành ra thằng bé ấy từ năm 10 tuổi đã vào vai chăm nuôi lại dì.

Tôi không biết cách nào thằng bé có thể tính toán để phân chia 500.000đ (trợ cấp hộ nghèo) thành 30 ngày sống cho hai con người. Nó đi chợ, nấu nướng, làm mọi việc. Bà dì thì lẫn rồi, ngồi im trên giường thôi.

Thằng bé bị lỗ tiểu thấp, đi tè ngồi, bộ phận sinh dục không rõ ràng trai hay gái. Cái cục buồn màu xanh ấy bảo, nó không nhớ mẹ có từng nói yêu nó hay ôm nó lúc bé xíu không, nó chỉ nhớ mẹ rất gầy và hay chở nó trên xe đạp đi ra chợ. 

Thứ Hai và thứ Ba tuần tới, 11 em nhỏ bước vào cuộc mổ. Nghĩa là 11 cuộc đời sẽ được tái sinh. Nước mắt thì nhiều lắm, nhưng may sao có những giọt nước mắt đẹp như hy vọng. Đó là nước mắt của cặp bố mẹ đưa con tái khám và BS Roberto chào không hẹn gặp lại, vì “kết quả quá mỹ mãn”!

Đó là nước mắt của người mẹ ở Quảng Nam khi có một đích đến để gắng đi tiếp: là cuộc mổ vào tháng 11 tại Hà Nội. Đó là nước mắt của thằng bé màu xanh khi tôi khẳng định với nó là “chắc chắn mẹ con rất yêu con và luôn ôm ấp con, tại khi ấy con bé quá nên không nhớ đó thôi”...

Bọn trẻ con khóc ngằn ngặt vì hoảng sợ. Roberto thường dịu dàng cầm tay những em bé ông khám, và đưa nó bất cứ thứ gì tìm được trên bàn như một món quà. Emilio lấy găng tay thổi thành quả bóng và vẽ lên đó mặt người, rồi tặng bệnh nhân bé bỏng của ông. 

Tôi suốt buổi chiều cứ rón rén nhìn sang Mai Anh và Na Hương. Hai chị em thả lỏng, thậm chí vẫn cười đùa, họ “nuốt” từng bệnh án với thái độ bình thản của dân chuyên nghiệp. Đúng và chính xác, cảm xúc cất hết lại. Và phải như thế, họ mới đủ sức cho hành trình dài cưu mang những cuộc đời bé 
nhỏ kia. 

Quỳnh Hương

Ngày 5/7, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” tiến hành đợt mổ và khám lần thứ 11 tại Khoa Niệu ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM.

Trong đợt này, chương trình khám cho khoảng 250 em và mổ cho 50 em: tái tạo cơ quan sinh dục, đóng lỗ rò niệu đạo, tạo bàng quang, đóng ổ nhớp, tách đường tiểu, phẫu thuật lỗ tiểu thấp, kiểm tra cơ cổ bàng quang, điều trị rối loạn phát triển giới, điều trị niệu đạo phù to, loại bỏ ổ nhớp...

Hồ sơ bệnh án của các bé xin gửi về: Chương trình Thiện Nhân và những người bạn, 12B Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, Hà Nội, ĐT: 024 37246640, Email: chuongtrinhthiennhan@gmail.com.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI