Hàng loạt trẻ bị sùi mào gà sau khi khám bao quy đầu: Lây nhiễm do dụng cụ chưa được vô khuẩn?

19/07/2017 - 08:45

PNO - Vụ hàng loạt trẻ bị sùi mào gà sau khi khám bao quy đầu tại phòng khám tư ở Hưng Yên dù chưa có kết luận chính thức, nhưng theo các chuyên gia, nguy cơ cao do chưa kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ.

Phòng khám tư hoạt động “chui”

Sáng 18/7, liên quan tới vụ hàng loạt bé trai mắc sùi mào gà sau khi khám, chữa hẹp bao quy đầu tại một phòng khám tư (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), ông Lều Văn Quân, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết, đã tiến hành kiểm tra và xác định đây là phòng khám của y sĩ Hoàng Thị Hiền. Bà Hiền hiện công tác tại Trạm Y tế xã Mễ Sở (huyện Khoái Châu) và đang được điều động tăng cường đến Trung tâm Y tế huyện Văn Giang (Hưng Yên).  

Hang loat tre bi sui mao ga sau khi kham bao quy dau: Lay nhiem do dung cu chua duoc vo khuan?
 

Điều đáng nói, theo thông tin từ Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, cơ sở này chưa có giấy phép hoạt động. Năm 2016, Phòng Y tế huyện Khoái Châu từng yêu cầu cơ sở này dừng hoạt động.

Trao đổi với báo chí tại nhà riêng, bà Hiền liên tục khẳng định mình không hề mở phòng khám mà chỉ điều trị cho một vài cháu “tự nguyện” đến nhà. Bà Hiền cũng cho biết mình không dùng thủ thuật gì, mà chỉ nong, dãn và rửa sạch ổ mủ ở phần kín của các cháu.  

Ông Lều Văn Quân cũng cho biết, tại thời điểm kiểm tra, vào chiều ngày 17/7, phòng khám này đã đóng cửa, đoàn kiểm tra chưa tiếp cận được với bà Hiền để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Lực lượng chức năng đã làm việc với với Phòng Y tế huyện Khoái Châu, Trạm Y tế xã Dạ Trạch yêu cầu y sĩ Hoàng Thị Hiền tới làm việc với sở vào chiều 18/7, nhưng bà không đến. 

Hang loat tre bi sui mao ga sau khi kham bao quy dau: Lay nhiem do dung cu chua duoc vo khuan?
 

Trước đó, theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương, chỉ trong vòng hai tháng, BV này tiếp nhận 39 bệnh nhi từ Hưng Yên bị sùi mào gà, riêng huyện Khoái Châu có 37 ca. Qua khai thác tiền sử, hầu hết bố mẹ bệnh nhi đều cho biết đã đến khám, điều trị chít hẹp bao quy đầu tại một phòng khám tư nhân ở thôn 5, xã Dạ Trạch (huyện Khoái Châu). Trong số bệnh nhân này, có trường hợp chỉ trên dưới sáu tháng tuổi. 

Chỉ “nong bao quy đầu” vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn

Theo TS Lê Hữu Doanh - Phó giám đốc BV Da liễu Trung ương, những bệnh nhi ở Khoái Châu có tiền sử bệnh từng đi khám, nong, làm một số thủ thuật trong điều trị hẹp bao quy đầu trước đó cho thấy, việc điều trị này có thể là một nguyên nhân gây sùi mào gà.

Đây là bệnh do vi-rút HPV gây ra, dễ lây qua tiếp xúc, đặc biệt trong quá trình vệ sinh bộ phận sinh dục cho trẻ xảy ra hiện tượng xước bao quy đầu. “Các bệnh nhi ở Hưng Yên có phải lây nhiễm sùi mào gà do điều trị chít hẹp bao quy đầu hay không, cơ quan chức năng của Bộ Y tế sẽ làm việc với Sở Y tế Hưng Yên để xác minh.

Hang loat tre bi sui mao ga sau khi kham bao quy dau: Lay nhiem do dung cu chua duoc vo khuan?
 

Còn qua thực tiễn điều trị tại BV, chúng tôi nhận thấy nhiều trẻ mắc bệnh trước đó có áp dụng các biện pháp điều trị chít hẹp bao quy đầu. Dù chưa thể kết luận song có thể đánh giá nguy cơ cao do quá trình điều trị này gây nên”, PGS-TS Doanh phân tích.

BS Trần Anh Quỳnh - Phó khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Trung ương cho hay, với trẻ bị hẹp bao quy đầu, việc nong và cắt bao quy đầu cần phải có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ và chỉ thực hiện khi có những biến chứng như: sưng nhiều lần, viêm nhiễm bao quy đầu, viêm đường tiết niệu, xơ bao quy đầu...

Để tránh lây nhiễm những căn bệnh tình dục khi tiến hành các thủ thuật này, cần phải tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Cụ thể, dao cắt bao quy đầu chỉ được sử dụng một lần; các dụng cụ bằng inox phải được hấp sấy ở nhiệt độ trên 1600C bằng máy chuyên dùng hoặc sử dụng máy tiệt trùng dùng khí E.O. Việc “luộc” dụng cụ ở nhiệt độ 1000C, theo BS Quỳnh không thể đảm bảo được dụng cụ đã hoàn toàn vô khuẩn.

Đối với kỹ thuật nong bao quy đầu, theo BS Trần Anh Quỳnh, người thực hiện phải đeo găng tay và sử dụng pen. Nếu không thay găng tay và vô khuẩn dụng cụ thì khi thủ thuật dễ dàng có nguy cơ nhiễm khuẩn.

Tại khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Trung ương, mỗi ngày có từ 30 - 50 trẻ đến khám vì hẹp bao quy đầu, trong số này chỉ có khoảng 50 - 60% trẻ được chỉ định nong bao. “Có tới 96% trẻ sơ sinh bị hẹp bao quy đầu. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được chỉ định nong hay cắt bao quy đầu.

Các bác sĩ luôn tư vấn gia đình nên xử lý ban đầu khi trẻ chưa có các biến chứng bằng cách lộn nhẹ bao khi tắm cho trẻ hoặc sử dụng thuốc bôi chứa steroid làm mềm da trước khi lộn.

Thực tế có tới 90% trẻ có thể thoát khỏi tình trạng này mà không cần phải can thiệp bằng kỹ thuật nong hoặc cắt bao quy đầu, hạn chế ảnh hưởng tới tâm lý cũng như một số biến chứng có thể xảy ra sau khi làm thủ thuật”, BS Quỳnh 
khuyến cáo. 

Huyền Anh

Khi nào cần cắt da quy đầu cho trẻ?

Chỉ định cắt bao quy đầu cho trẻ khi hẹp da quy đầu gây ảnh hưởng tới sức khỏe như viêm sưng, bế tắc tiểu dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu…

Nhiều trẻ cắt bao quy đầu ở cơ sở có chuyên môn kém bị biến chứng phải phẫu thuật khắc phục. BV Nhi Đồng 1 tuy chưa gặp trường hợp nào bị lây nhiễm bệnh sùi mào gà cũng như các bệnh da liễu do cắt bao quy đầu, nhưng chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra nếu điều kiện vô trùng của dụng cụ y tế không đảm bảo.

Phẫu thuật cắt da quy đầu không quá khó về mặt kỹ thuật, nhưng phải được làm ở các BV. Để đánh giá trẻ có thực sự bị hẹp da quy đầu và cần thiết phải thực hiện phẫu thuật hay không phụ huynh nên đưa con tới các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi hoặc BV có chuyên khoa niệu.  

TS-BS Lê Thanh Hùng - Phó khoa Ngoại tổng hợp, phụ trách Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI