Đừng bốc thuốc tráng dương bổ thận để trị... vẹo cột sống

14/07/2019 - 07:00

PNO - Nhiều người không hề biết mình bị vẹo cột sống gây chèn ép, biến chứng. Họ tự đoán rồi chữa bệnh tại nhà theo chỉ bảo của người thân, bạn bè...

Khi bệnh trở nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống, đi khám họ mới ngớ ra vì căn nguyên gây bệnh khác hẳn những gì mình nghĩ.

Vẹo cột sống cứ đòi khám suy thận

Ông P.Đ.T. (47 tuổi, quê quán Long An) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đăng ký khám thận. Ông T. nằng nặc cho rằng, mình bị yếu thận gây đau lưng mạn tính. Ở quê ông đã đi thầy lang bốc thuốc tráng dương bổ thận uống, thậm chí tăng cường uống cả các loại rượu thuốc gia truyền hỗ trợ chức năng sinh lý đàn ông nhưng tình trạng đau lưng không thuyên giảm.

Dung boc thuoc trang duong bo than de tri... veo cot song
Ảnh: Phạm An

Tình trạng đau lưng không những khiến ông bị hạn chế khả năng lao động mà còn gây cho ông nhiều khó khăn trong sinh hoạt vợ chồng. Tâm sự với bác sĩ, bệnh nhân rầu rĩ: “Tôi cảm giác thận của mình suy nặng lắm rồi, đề nghị bác sĩ cho tôi kiểm tra chức năng thận”.

Sau khi nghe các triệu chứng bệnh và trực tiếp thăm khám, bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân chụp x-quang cột sống. Đúng như dự đoán, hình ảnh trên phim thể hiện ông T. bị vẹo cột sống, chẳng liên quan tới suy thận.

Việc tự ý điều trị ở nhà không thể giúp ông hết đau lưng mà uống những thứ bổ dương tráng thận không rõ nguồn gốc có khi lại làm thận suy thật, chưa kể tình trạng vẹo cột sống ngày càng tiến triển vì can thiệp chậm trễ gây ra những biến chứng nặng nề hơn. 

Ngày nào các bác sĩ ở Phòng khám Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng gặp vài ca đau lưng nhưng yêu cầu được kiểm tra thận.

Tưởng bệnh ở chân hóa ra do cột sống

Trường hợp khác không ngờ mình bị bệnh cột sống phải kể đến là cụ bà V.A.D. (70 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM). Bà D. bị tê yếu chân cả năm nay. Chân bà yếu tới mức chỉ đi bộ chừng vài chục mét là đã không bước nổi.

Con cái cụ D. nghĩ mẹ bị đau khớp gối, chân yếu do tuổi già, đưa cụ đi bấm huyệt, xoa bóp chân ở cơ sở đông y gần nhà nhưng tình trạng không biến chuyển. Cụ D. gần như không thể tự đi đứng được nữa.

Con gái cụ D. còn đưa mẹ đến một phòng khám tư, đề nghị chụp phim vùng xương khớp ở chân để kiểm tra. Chị còn nhờ xách tay từ nước ngoài về các loại thực phẩm chức năng sụn vi cá mập, viên canxi cho mẹ uống bồi bổ xương khớp.

Tuy nhiên, dù cố gắng bao nhiêu, hai chân cụ D. vẫn không cải thiện, ngày càng đau nhức. Khi tới Phòng khám Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược, cụ D. phải ngồi xe lăn. Các bác sĩ nghĩ tới nguyên nhân do bệnh lý từ cột sống, lập tức chỉ định bệnh nhân chụp x-quang.

Kết quả, bác sĩ xác định cụ D. bị thoái hóa cột sống, vẹo cột sống vị trí thắt lưng làm chèn ép thần kinh. Chính điều này đã khiến hai chân bệnh nhân yếu liệt. Bệnh nhân được mổ giải pháp thần kinh và đặt nẹp vít nắn chỉnh cột sống.

Rối loạn tiêu tiểu, dấu hiệu biến chứng của vẹo cột sống

Dung boc thuoc trang duong bo than de tri... veo cot song
 

Thêm một trường hợp khác là ông V.Đ.C. (60 tuổi, quê quán An Giang). Ông C. lên TP.HCM khám với lý do rối loạn chức năng tiêu, tiểu tiện. Ban đầu, bệnh nhân chỉ nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa, ăn uống không khoa học hoặc do stress. Con cái ông C. lại khuyên bố đi khám tiết niệu, cho rằng bố bị phì đại tuyến tiền liệt.

Khi bác sĩ cho biết vẹo cột sống và rối loạn chức năng tiêu tiểu chỉ là một trong những triệu chứng của bệnh lý này, ông C. rất bất ngờ. “Tôi cứ nghĩ đau chỗ nào thì bệnh ở chỗ đấy nên cứ đi chữa tiêu hóa và tiết niệu”, ông C. chia sẻ.

Qua những trường hợp trên, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Nhân, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý, nếu cơ thể có biểu hiện bất thường, mọi người hãy đến bệnh viện để được bác sĩ khám và cho làm thêm các kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán. Tự ý suy diễn rồi điều trị ở nhà làm trễ thời gian can thiệp, chưa kể phản tác dụng.

Những bệnh nhân trên ngoài các biểu hiện như rối loạn tiêu tiểu, yếu liệt chân đều có điểm chung là đau lưng nhưng lại bị bỏ qua. 90% các trường hợp đau lưng đến khám đều liên quan tới hệ thống cơ xương khớp cột sống.

Vẹo cột sống ở mức độ nào cần phải mổ?

Không phải ai bị vẹo cột sống cũng có bệnh cảnh và phương pháp điều trị giống nhau. Vẹo cột sống ở trẻ em cũng khác ở người lớn, người già.

Đối với trẻ nhỏ, vẹo cột sống có thể do bẩm sinh hoặc khởi phát sớm không rõ căn nguyên. Nếu là vẹo do bẩm sinh thường rất nặng nề, làm biến dạng lồng ngực, hạn chế thể tích buồng tim, phổi. Những bệnh nhi này sẽ bị suy dinh dưỡng, phát triển kém, biến dạng cột sống gây xấu về thẩm mỹ. Tiếp đến là trẻ bị vẹo cột sống vô căn (thường sau 10 tuổi).

Với những trường hợp này, bác sĩ cố gắng điều trị bảo tồn bằng cách cho tập vật lý trị liệu, hướng dẫn trẻ những môn thể thao hỗ trợ cột sống như bơi lội, đu xà đơn. Điều trị vẹo cột sống ở trẻ em rất phức tạp; nếu không phẫu thuật cột sống có thể vẹo nặng thêm, gây biến chứng thẩm mỹ, ảnh hưởng chức năng, còn mổ sớm xương lại không phát triển được. Mổ vào thời điểm nào là một quyết định không dễ dàng.

Vẹo cột sống ở người trẻ thường do đã khởi phát từ trước đó tiến triển lên. Tuy nhiên, tình trạng không quá nặng và họ vẫn có thể sống chung với bệnh. Còn vẹo cột sống ở người già lại do thoái hóa gây ra (hư mấu khớp đốt sống, đĩa đệm, gai cột sống, dính dây chằng). Thông thường nếu bị vẹo trên 45 độ cần làm phẫu thuật, nhưng với người già, quyết định mổ là điều khó khăn bởi họ còn kèm theo bệnh loãng xương.

Chi phí một ca phẫu thuật điều trị vẹo cột sống lên tới cả trăm triệu đồng (nếu không có bảo hiểm y tế). Các bác sĩ sẽ phẫu thuật đặt dụng cụ nắn chỉnh vẹo. Sau mổ ba ngày, bệnh nhân được mang đai nẹp để tập đi lại. Sau một tuần, bệnh nhân có thể xuất viện về nhà nhưng vẫn cần kết hợp tập vật lý trị liệu và tái khám định kỳ, phải mất từ 3-6 tháng mới  hồi phục hoàn toàn. 

Điều trị vẹo cột sống bằng máy nắn chỉnh có khỏi không?

Nhiều bệnh nhân nghe quảng cáo, tìm đến các cơ sở tư nhân để nắn chỉnh thần kinh trị liệu cột sống với chi phí có thể lên đến 20 triệu đồng cho một liệu trình vài tháng. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thành Nhân nhận định, việc nắn chỉnh cột sống bằng máy không thể làm ngưng tiến triển của vẹo cột sống (vì hỗ trợ rất ít, chủ yếu về mặt tinh thần).

Nếu nguyên nhân của vẹo cột sống là bẩm sinh thì liên quan di truyền, vẹo vô căn nguyên nhân đằng sau cũng là di truyền. Những bệnh khởi phát từ di truyền thì không thể khỏi sau khi nắn chỉnh bằng máy. Thế nhưng, nhiều bệnh nhân vẫn tin và chấp nhận tốn tiền cho những phương pháp điều trị này vì tâm lý “có bệnh vái tứ phương”. Hơn thế nữa, mọi người thường thích những cách chữa bệnh không can thiệp xâm lấn.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI