Đoạn trường sinh rớt

13/11/2019 - 06:33

PNO - Dù hệ thống y tế phát triển và nhận thức của thai phụ được nâng cao hơn xưa nhưng vẫn xảy ra các ca sinh rớt ở ngay thành phố lớn.

Đường đi đẻ quá... xa

Ngày 11/11, bác sĩ Trương Hữu Khanh, phụ trách Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã bàng hoàng chia sẻ về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong đáng tiếc. Hài nhi xấu số được hơn 38 tuần tuổi, nặng hơn 3kg, sinh hơn mười tiếng mới được đưa đến bệnh viện. Người nhà bé khai là… “sinh rớt”. Khi đưa đến bệnh viện bé vẫn còn dính dây rốn và bánh nhau. 

Chuyện sinh rớt không hề hiếm như ta tưởng. Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ, Phó khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết, tháng nào đơn vị ông cũng tiếp nhận 2 - 3 ca sinh rớt ngoại viện. Số liệu chính xác có lẽ còn nhiều hơn, bởi một số trường hợp đưa vào cấp cứu rồi chuyển bé lên luôn khoa nhi. 

Chỉ mới tuần trước, Khoa Sanh Bệnh viện Hùng Vương đã xử trí cho một sản phụ khoảng 30 tuổi, sinh con thứ hai ngoài công viên. Người dân trông thấy và báo công an, ngay sau đó mẹ con sản phụ được đưa vào Bệnh viện Hùng Vương cấp cứu. “Rất may em bé không gặp nguy hiểm, được chuyển qua khoa nhi chăm sóc. 

Doan truong sinh rot
Để tránh sinh rớt, bà mẹ nên khám thai định kỳ, có kế hoạch sinh chu đáo và lựa chọn cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu chuyển dạ. Ảnh minh họa

Riêng người mẹ do tự sinh nên tầng sinh môn bị rách phức tạp đã được bác sĩ khâu lại”, bác sĩ Vũ chia sẻ. Trước ca này cũng có trường hợp thai phụ sinh con trên taxi được đưa tới bệnh viện cấp cứu, thậm chí từng có cả trường hợp mẹ sinh rớt con trong nhà vệ sinh trước khi đưa tới bệnh viện.

Chẳng riêng bệnh viện chuyên về sản khoa như Hùng Vương mà cả các bệnh viện tuyến quận tại TP.HCM vẫn ghi nhận các ca sinh rớt. Bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận 2, cho biết, chỉ cách đây 10 ngày, ông đích thân xử lý cầm máu băng huyết cho một sản phụ. Bệnh nhân là chị N.T.V., 28 tuổi, mang thai con thứ hai.

Chị V. đăng ký khám thai ở một bệnh viện phụ sản tại TP.HCM và đang trên đường từ nhà ở tỉnh Bình Dương tới bệnh viện thì sinh luôn trên taxi. Em bé trước khi chuyển vào bệnh viện đã được cắt dây rốn. 

Sau khi hút đàm nhớt sơ cứu, bé đã được chuyển tới Bệnh viện Từ Dũ. Rất may cả hai mẹ con sản phụ đều qua cơn nguy hiểm. Nguyên nhân sinh rớt là do đường di chuyển từ nhà tới bệnh viện quá xa và kẹt xe. 

Ngoài ca này, bác sĩ Diêu Hà Lam còn nhớ như in một trường hợp khác cũng chuyển dạ trên xe taxi được đưa vào cấp cứu. Thai phụ tên P.T.K.N., 30 tuổi, mang thai lần thứ hai, thường trú tại Q.2. 

Hôm đó, chị N. vỡ ối, đau bụng chuyển dạ, gọi taxi định qua Bệnh viện Từ Dũ sinh nhưng không kịp nên tài xế taxi đã nhanh trí quẹo luôn vào Bệnh viện Quận 2. Ca này bác sĩ Lam phải đỡ đẻ trên băng ca ở phòng cấp cứu vì đầu em bé đã chui hẳn ra ngoài.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ nhấn mạnh: nguyên nhân phổ biến và cần lưu ý nhất đó là các bà mẹ thường có tâm lý nhất định phải vào những bệnh viện phụ sản lớn như Hùng Vương hoặc Từ Dũ sinh con mà không ước lượng được quãng đường từ nhà tới bệnh viện quá xa, thêm các yếu tố khách quan như giờ cao điểm kẹt xe. 

Điều mà các thai phụ nên làm khi có dấu hiệu chuyển dạ là phải lập tức đến cơ sở y tế gần nhất chứ đừng cứ phải đến bằng được bệnh viện mình dự tính sinh con. Hiện nay, ngay cả trạm y tế phường, các bệnh viện tuyến quận đều có thể đỡ sinh.

Khi sinh rớt, sơ cứu tại chỗ thế nào?

Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khiến thai phụ có thể sinh rớt như: không khám thai (khám thai không đầy đủ) nên không biết ngày dự sinh, nhầm cơn đau chuyển dạ với đau bụng thông thường (dễ sinh rớt em bé trong nhà vệ sinh), sinh non, bệnh lý hở eo tử cung, những người sinh đẻ nhiều lần và có tiền căn sinh nhanh. Thông thường, đối với con rạ thời gian chuyển dạ từ 9 - 12 tiếng nhưng một số người có cơ địa sinh nhanh thì chỉ cần 15 - 30 phút. 

Nguy cơ xảy ra đối với các trường hợp sinh rớt rất nghiêm trọng. Bà mẹ có thể bị sót nhau, băng huyết, nhiễm trùng. Trẻ sinh rớt dễ tử vong do ngạt, chấn thương, nhiễm trùng uốn ván.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo các thai phụ nên khám thai định kỳ để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường. Cần tính toán đoạn đường và thời gian di chuyển từ nơi ở tới cơ sở y tế gần nhất trong những tuần thai cuối. 

Trong trường hợp không may thai phụ sinh con khi chưa kịp vào bệnh viện thì người thân hoặc mọi người ở gần cần biết cách sơ cứu để giảm thiểu rủi ro cho bé và mẹ. Đặt em bé nằm nghiêng, nhanh chóng lau sạch đàm nhớt ở mũi (tránh bị ngạt), kiếm cọng dây sạch nhất có thể cột, cắt dây rốn, ủ ấm và đưa bé vào ngay bệnh viện. Nếu người mẹ ra máu nhiều thì vừa kêu taxi đưa đi bệnh viện vừa dùng tay xoa bụng dưới (xoa đáy tử cung) để giúp tử cung co lại tốt hơn. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI