Đi khám da, lòi ra nhiễm độc sắt

11/09/2019 - 07:00

PNO - Nhiều người thấy có biểu hiện bất thường trên da thì đi bệnh viện khám da liễu nhưng tại đây bác sĩ phát hiện họ bị nhiễm độc kim loại nặng như sắt, chì, thạch tín, đồng, thủy ngân…

Nhiễm độc kim loại nặng cứ tưởng bệnh da liễu

Cách đây vài ngày, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đã khám cho bệnh nhân P.V.D., ngụ tại TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ông D. tới khám với bệnh cảnh trên mặt và cổ, gáy, lỗ tai có những mủn mốc dày sừng màu xám. 

Khi kiểm tra, bác sĩ Vân Thanh ghi nhận da bệnh nhân tăng sắc tố, các nang lông mọc sẩn sừng nhỏ li ti, mống mắt có quầng xanh. Nhận thấy đây không đơn giản là các sang thương do bệnh ngoài da, bác sĩ Thanh gặng hỏi thêm thì bệnh nhân kể trước đó đã đi khám và điều trị nội thận do thận bị suy, men gan tăng cao, hô hấp không tốt do ho khan kéo dài. Bác sĩ Vân Thanh chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng thì y như dự đoán, bệnh nhân suy thận giai đoạn hai, phổi thâm nhiễm, men gan cao. 

Di khám da, loi ra nhiẽm dọc sát
Bệnh nhân D. đến khám da liễu mới biết mình đang bị nhiễm độc sắt

Kết quả truy tìm dấu hiệu của bệnh ác tính và tự miễn đều không bất thường. Nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm độc gây biến chứng suy nội tạng, xét nghiệm sắt trong huyết thanh thì chỉ số cao gấp mấy chục lần bình thường. Bác sĩ kết luận, ông D. bị suy đa cơ quan do nhiễm độc sắt.

Tình trạng quá tải sắt gây ra ngộ độc có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân như sử dụng vitamin tổng hợp bổ sung vi chất bừa bãi, không tham vấn bác sĩ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng có thể gây ra tình trạng này. Bệnh nhân có thói quen ăn quá nhiều thực phẩm chứa sắt trong khi cơ thể đã dư thừa.

Một số nghiên cứu trên thế giới còn chỉ ra rằng, ăn thực phẩm chứa sắt kết hợp với thực phẩm giàu canxi có thể làm gián đoạn quá trình hấp thu sắt của cơ thể. Khi đang uống viên sắt mà ăn nhiều chất xơ, rau củ cũng là nguy cơ làm quá tải sắt do các chất xơ sẽ gắn kết với sắt tạo thành phức hợp phân tử không thể hấp thu được. Hoặc bản thân người bệnh bị đột biến về gen (gen tham gia điều hòa và hấp thu sắt).

Theo bác sĩ Vân Thanh, các trường hợp khám da liễu phát hiện ra nhiễm kim loại nặng chủ yếu là sắt, chì, thạch tín (asen), đồng, thủy ngân... Những bệnh nhân này đều không hay biết mình nhiễm độc mà chỉ đơn giản là đi khám do thấy biểu hiện bất thường trên da. 

Da nổi sẩn sừng sau hai tuần uống thuốc thầy lang

Một trường hợp nữa đang được bác sĩ Vân Thanh theo dõi vì nghi ngờ nhiễm độc kim loại nặng là ông C.V.P., tạm trú tại Q.8, TP.HCM. Bệnh nhân cho biết đã mua thuốc dạng viên tễ của một thầy lang ở cùng khu trọ uống để bồi dưỡng cơ thể do hằng ngày làm công việc bốc vác rất nặng nhọc.

Uống ba ngày đầu, ông P. cảm thấy khỏe, toàn thân sảng khoái, đi làm không biết mệt, khớp gối hết hẳn đau nhức. Nhưng qua hai tuần, da ông P. bắt đầu bị nổi sẩn ngứa tới mức không ngủ được nên phải đến bệnh viện khám. 

Bác sĩ ghi nhận tình trạng bệnh nhân: sần đỏ từ hai bàn tay lan lên cánh tay, môi khô tróc vảy. Biểu hiện này của ông P. khác hẳn với dị ứng đường uống thông thường nên cần làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để truy tìm nguyên nhân gây bệnh.

Trước mắt, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ dành cho viêm da tiếp xúc dị ứng toàn thân để cải thiện các sang thương gây ngứa ngáy. Đã có nhiều trường hợp uống thuốc Đông y không rõ nguồn gốc bị nhiễm độc kim loại nặng như thủy ngân, chì. 

Di khám da, loi ra nhiẽm dọc sát
Rất đông người khám bệnh tại các điểm do Sở Y tế Hà Nội tổ chức vì lo vụ cháy của Công ty Rạng Đông àm ảnh hưởng tới sức khỏe

Nhiễm độc kim loại nặng có thể từ nhiều nguồn như thảm họa môi trường, đồ dùng nội thất (chì trong sơn), thực phẩm có dư lượng chất bảo vệ thực vật cao, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc…

Nhiễm độc kim loại nặng được chia ra cấp tính và mạn tính. Cấp tính, tuy bệnh nhân có thể tử vong lập tức nếu không cứu kịp thời nhưng dễ phát hiện, qua khỏi thì bệnh nhân có cơ hội hồi phục cao. 

Nhiễm độc mạn tính tuy không gây chết người tức khắc nhưng các dấu hiệu khó thấy, tiến triển âm thầm, tới khi phát hiện đa phần bệnh ở giai đoạn nặng. Đến lúc này chỉ có thể điều trị bảo tồn cho bệnh nhân chứ cơ quan nội tạng đã suy yếu không phục hồi được như cũ. Điều trị các trường hợp nhiễm độc kim loại nặng, bác sĩ có phương pháp thải trừ từng loại kim loại khác nhau nhưng hiệu quả tới đâu tùy thuộc vào mỗi giai đoạn bệnh. 

Dấu hiệu biểu hiện trên da của các trường hợp nhiễm độc kim loại nặng có vẻ giống như viêm da tiếp xúc dị ứng toàn thân, bất thường ở lông, tóc, móng, mắt và chỉ số huyết học. Đặc biệt, bệnh nhân có kèm theo rối loạn của nội tạng như suy thận, gan to, men gan tăng cao... là một trong những gợi ý quan trọng giúp cho việc chẩn đoán bệnh.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI