Đi Hàn sửa mũi, về Việt Nam trị biến chứng

10/12/2018 - 09:30

PNO - Nhiều ca biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ từ nước ngoài về phải cầu cứu bác sĩ Việt hoặc có trường hợp bác sĩ Hàn đã “bó tay”, đành tìm về các chuyên gia ở quê nhà.

Định tự tử vì chiếc mũi hỏng

N.A.Đ. (35 tuổi, Việt kiều Mỹ) trải qua bốn lần phẫu thuật đặt sống mũi, rồi đến phẫu thuật S-line. Lần thứ năm, cô quyết định sang Seoul (Hàn Quốc) tìm nơi uy tín làm lại chiếc mũi trước đó bị nhiễm trùng phải tháo ra. Thời điểm năm 2015, chi phí cho ca phẫu thuật tạo hình lại chiếc mũi của Đ. lên đến 15.000 USD.

Thế nhưng, chỉ ít lâu sau, mũi cô bắt đầu đau nhức, kèm hiện tượng co rút phần lỗ mũi bên trái. Khi liên hệ phía Hàn Quốc, cô chỉ nhận được những lời giải thích sơ sài. Lâu dần, mũi Đ. méo hẳn, lẹm vào trong. Nghiêm trọng hơn, cô còn bị khó thở. Khi đã chịu hết nổi, Đ. không sang Seoul nữa mà quyết định về Việt Nam tìm một nơi tin cậy phẫu thuật.

Di Han sua mui, ve Viet Nam tri bien chung
Người mẫu C.U.P. trước và sau khi điều trị thành công tình trạng mất chóp mũi do bị hoại tử sau phẫu thuật thẩm mỹ

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thuận (nguyên là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy) hiện tượng co rút của Đ. xuất phát từ nguyên nhân vết mổ bị viêm nhiễm. “Trường hợp của Đ. đã nhiễm trùng khá nặng, nên hiện tượng co rút càng nhiều. Từ đó, dẫn đến đường thở bị hẹp, chèn ép gây khó thở”, bác sĩ Thuận nói. Đ. được điều trị tình trạng viêm. Tháng 10/2018, bác sĩ đã phẫu thuật đặt sụn sườn cho chiếc mũi không những giúp cải thiện vấn đề dị dạng, mà còn phục hồi chức năng thở. Hiện bệnh nhân phục hồi tốt, tự tin cười nói. Cô cho biết, đã có thể chuẩn bị lên đường về Mỹ sum họp với gia đình vào dịp Giáng sinh tới. 

Tình trạng tệ hơn, ca sĩ, người mẫu, “hot-face” của mạng xã hội có nghệ danh C.U.P. từng toan từ bỏ cuộc đời vì chiếc mũi mất chóp. Dù đã xinh đẹp nhưng P. vẫn ước muốn thay đổi dáng mũi để càng đẹp hơn. Nhưng cô gái không ngờ đó là khởi đầu giai đoạn khủng khiếp nhất đời mình. P. làm mũi lần đầu không thành công, dáng mũi không đẹp, phải tháo sụn. Sau đó mũi sưng, đau nhức. Cô làm mũi lần hai nhưng lần này còn tệ hơn. Mũi P. hỏng nặng, tắc nghẽn mạch máu, co rút và hoại tử.

Cô vào bệnh viện với tình trạng hoại tử nặng khiến đầu mũi biến dạng. Tại đây, bác sĩ đã xử lý cắt chóp mũi, khâu dính đầu mũi lại. C.U.P. đã đi khắp nơi cầu cứu, chỉ mong trở lại như chiếc mũi ban đầu, nhưng tất cả đều lắc đầu. Không thể chấp nhận việc sẽ sống với gương mặt không mũi suốt đời, P. đã nghĩ đến việc tự vẫn. Ngay khi tuyệt vọng nhất, có một phản hồi từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ yêu cầu đợi từ sáu tháng đến một năm mới có thể xem xét tái tạo mũi cho P. Điều này càng làm cô gái trẻ tuyệt vọng.

Di Han sua mui, ve Viet Nam tri bien chung
 

Chỉ biết làm đẹp, không quan tâm hậu phẫu

Giải thích tại sao bác sĩ Hàn Quốc cần chờ một khoảng thời gian như vậy, bác sĩ Thuận cho rằng, vấn đề họ ít tiếp nhận những ca mũi hỏng quá nặng. “Cho nên họ phải chờ từ sáu tháng đến một năm để việc phẫu thuật dễ dàng hơn. Về nguyên tắc, phẫu thuật để càng lâu sau biến chứng, càng dễ hơn cho bác sĩ. Muốn làm sớm cho bệnh nhân, đòi hỏi bác sĩ phải nhiều kinh nghiệm”, bác sĩ Thuận nói.

Trước tiên, P. được ê-kíp của bác sĩ Thuận điều trị dị dạng mất chóp mũi bằng cách cấy mỡ để tái tạo phần da hư tổn, sau đó dùng sụn sườn để nâng lên, rồi tái tạo lại chóp mũi. Theo bác sĩ, ban đầu P. chỉ bị hoại tử nhẹ, nhưng do không được điều trị đúng cách, dẫn đến ngày càng nặng.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Quang Hùng - Tổng thư ký Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM - cũng cho biết về trường hợp của cô P.X.L. (37 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) đi Philippines làm mũi cấu trúc tại bệnh viện tư của một bác sĩ nổi tiếng ở Manila. Cuối cùng về Việt Nam, mũi cô lại bị gãy lệch một bên. Phía nước ngoài hứa hẹn trở lại sửa trong vòng 20 phút là xong. “Nhưng theo tôi là không thể, tổn thương của ca này phải mất ít nhất hai tiếng để phẫu thuật, vừa chỉnh mũi cho thẳng, lấy sụn sườn, vừa chỉnh sửa vách ngăn mũi để không khó thở nữa, kèm theo là cả quá trình theo dõi chăm sóc sau đó mới quan trọng”, bác sĩ Hùng cho hay.

Theo bác sĩ Hùng, Khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn thường xuyên tiếp nhận những ca biến chứng sau khi phẫu thuật từ nước ngoài về. Vấn đề là ở đâu cũng vậy, đều có những bác sĩ giỏi, có tay nghề, kinh nghiệm và những bác sĩ chỉ biết “xây dựng thương hiệu”. Do đó, người dân phải tìm hiểu kỹ về bác sĩ chứ đừng nghe những lời quảng cáo bóng loáng trên mạng. 

Đẹp phải an toàn

Bác sĩ Thuận đưa ra các lưu ý khi muốn sang Hàn Quốc phẫu thuật: thứ nhất, cần chuẩn bị ngôn ngữ. Nếu không rành nên tìm phiên dịch tiếng Hàn hoặc tiếng Anh thật tốt, am tường y khoa, thẩm mỹ, để có thể chuyển tải tất cả mong muốn của mình cho bác sĩ. Thứ hai, quan niệm thẩm mỹ của người Hàn thiên về cái đẹp tự nhiên, càng tự nhiên càng tốt và như thế đôi khi bác sĩ sẽ không nắm bắt hết được ý muốn của khách Việt lúc nào cũng muốn “như Tây”. Thứ ba, khoảng cách địa lý, vấn đề tái khám, xử lý khi gặp vấn đề hậu phẫu cũng khó khăn. Các biến chứng phẫu thuật cần phải được theo dõi ngay khi khởi phát thì khả năng phục hồi mới khả quan.
Tốt nhất, nên tìm hiểu kỹ thuật nào ở Việt Nam đã làm tốt thì làm trong nước, vừa đỡ tốn tiền, vừa có lợi trong quá trình chăm sóc hậu phẫu, tái khám. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI