Đau bụng kinh có đơn giản như bạn nghĩ?

09/12/2019 - 17:00

PNO - Đối với nhiều phụ nữ, những triệu chứng khó chịu, đau đớn ở vùng bụng dưới trong thời gian hành kinh trở thành “nỗi ám ảnh’’ khi gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.

Đa phần phụ nữ mắc phải đều cam chịu mà không thăm khám bác sĩ để được điều trị, vì nghĩ đó là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, các triệu chứng ấy có thể không đơn giản chỉ là cơn đau bụng sinh lý của chu kỳ kinh nguyệt.

Đau bụng kinh hay thống kinh là gì?

Dưới tác động của các loại hormone sinh dục nữ, khi đến chu kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ thường cảm nhận một cơn đau xuất hiện từ vùng bụng dưới, có thể lan lên ngực, cương vú, làm khó thở hay lan xuống đùi, vùng kín. Có khi cơn đau lan tỏa khắp bụng, đôi lúc kèm theo rối loạn tiêu hóa, đau lưng, đau đầu, sốt nhẹ, bủn rủn tay chân, thay đổi cảm xúc... Những cảm giác khó chịu này gọi là thống kinh (hay còn gọi là đau bụng kinh).

Ở phần lớn nữ giới, các hiện tượng này sẽ tự thuyên giảm mà không cần phải điều trị sau khi sạch kinh. Sau nhiều chu kỳ, họ sẽ biết cách “thích nghi” với những khó chịu đó. Tuy nhiên, ở một số ít, nhất là người có cơ địa quá nhạy cảm, thống kinh ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Hơn nữa, những cơn đau vượt ngưỡng chịu đựng tái đi tái lại nhiều lần có thể được xem là triệu chứng báo động cho các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn. Người bệnh không nên chủ quan với những cơn đau kéo dài trong những ngày ra kinh, không đáp ứng với thuốc giảm đau, kèm theo những bất thường về tính chất kinh nguyệt như đa kinh, vô kinh, rong kinh, cường kinh… Cần đi khám sớm và xử lý trước khi bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản. Đặc biệt, khi cơn đau dữ dội khiến phụ nữ không thể làm việc hay sinh hoạt bình thường, thì đây được xem là một dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung

Nội mạc tử cung là lớp trong của tử cung, là nơi phôi làm tổ và phát triển. Trong kỳ kinh nguyệt, quá trình thụ tinh không diễn ra, lớp nội mạc này sẽ bong ra và di chuyển ra ngoài cơ thể cùng máu kinh. Lạc nội mạc tử cung là các tế bào nội mạc “đi lạc” ngoài buồng tử cung, đến các cơ quan khác, các tế bào này sẽ gây tắc, viêm nhiễm và chảy máu.

Các nghiên cứu khoa học gần đây ước tính có đến 10% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 40 mắc phải lạc nội mạc tử cung, và phụ nữ châu Á có xác suất mắc bệnh cao hơn phụ nữ ở các khu vực khác. Bệnh lý này không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây nhiều khó chịu và đau đớn, giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Đặc biệt, các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung rất dễ bị nhầm với các hiện tượng sinh lý khác, nên rất nhiều chị em chỉ phát hiện sau khi đã mắc bệnh nhiều năm.

Các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung thường là:

- Đau dữ dội trong giai đoạn hành kinh.

- Đau trong quá trình hoặc sau khi giao hợp.

- Đau khi di chuyển hoặc đi tiểu.

- Bệnh nhân có thể chảy máu ồ ạt khi hành kinh hoặc giữa các chu kỳ hành kinh.

- Vô sinh.

- Một số biểu hiện và triệu chứng khác như mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn... diễn ra trong suốt đợt hành kinh.

Nếu không được chữa trị kịp thời, lạc nội mạc tử cung rất dễ xảy ra vô sinh ở nữ giới, một số ít trường hợp có thể dẫn đến nguy cơ ung thư buồng trứng hay ung thư nội mạc tử cung.

Dau bung kinh co don gian nhu ban nghi?

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị lạc nội mạc tử cung và thống kinh, cũng như cập nhật phương pháp làm đẹp vùng kín không cần phẫu thuật hiện đại và an toàn đến từ các bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện FV, kính mời chị em đến tham dự hội thảo “Chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ: từ bệnh lý đến thẩm mỹ” do Bệnh viện FV tổ chức lúc 9g - 12g, thứ Bảy, ngày 14/12/2019 tại khách sạn Kim Đô (Royal hotel) - 133 Nguyễn Huệ, Q.1, TP. HCM.

Đặc biệt, hội thảo vào cửa tự do nhưng với số lượng chỗ ngồi có hạn, vui lòng đăng ký tham dự với chúng tôi qua số: 0962 627 847.

Phượng Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI