Đang xạ trị, bệnh nhân ung thư bị yêu cầu xin giấy chuyển viện

10/01/2019 - 10:00

PNO - Để được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM buộc phải quay ngược về tỉnh để xin giấy chuyển viện.

Đang xạ trị phải ngược về tỉnh xin giấy khám bệnh

Phản ảnh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, chị B.K.H. cho biết ngày 5/1, chị đưa mẹ là bà N.T.T. (sinh năm 1949, Quảng Ngãi, bị ung thư amidan) đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM xạ trị. Theo phác đồ điều trị, bà T. phải xạ trị đến 33 tia. Trong năm 2018 bà được xạ 24 tia, còn năm 2019 bà mới thực hiện được 3 tia (tính đến ngày 5/1).

Thế nhưng, tại khoa Xạ 3, một nhân viên y tế giải thích, trường hợp của bà N.T.T. đang điều trị ngoại trú, phải về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi – nơi mẹ chị đăng ký thẻ BHYT ban đầu) để xin giấy chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, rồi nơi này sẽ ghi giấy chuyển tuyến đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Khi đó, bà N.T.T. mới được thanh toán chi phí thuốc men, xạ trị… cho các lần điều trị từ ngày 1/1/2019.

Dang xa tri, benh nhan ung thu bi yeu cau xin giay chuyen vien
Phiếu theo dõi xạ trị của bà N.T.T. cho thấy bệnh nhân này vẫn đang trong đợt xạ trị 33 tia theo phác đồ của bác sĩ điều trị

Chị H. cho biết năm 2018, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vẫn chấp nhận giấy chuyển tuyến từ Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM nhưng không hiểu vì sao lại từ chối giấy chuyển tuyến năm 2019, với lý do giấy chuyển tuyến này không hợp lệ.

Trả lời vấn đề này, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – giải thích: từ năm 2019, thủ tục chuyển tuyến có những điểm thay đổi, khác hơn so với năm trước. Chẳng hạn, năm 2018, dù bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tỉnh nhưng chỉ cần đến khám ở một bệnh viện tuyến quận huyện tại TP.HCM và sau đó xin giấy chuyển tuyến đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thì bảo hiểm y tế vẫn chấp nhận.

Tuy nhiên, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP (hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018) “Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế”, với các bệnh nhân ngoại trú, giấy chuyển tuyến do bệnh viện đa khoa ở tỉnh ký chuyển vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì mới được xem là hợp lệ.

Dang xa tri, benh nhan ung thu bi yeu cau xin giay chuyen vien
Bệnh nhân ung thư tại BV Ung bướu TP.HCM

Đối với bệnh nhân đang điều trị nội trú - những bệnh nhân cần có mặt 24/24 giờ tại bệnh viện, không cần phải bổ sung giấy chuyển tuyến.

Ngày 8/1, theo quan sát của phóng viên, có ít nhất 15 bệnh nhân tại khoa Xạ 3 (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) phải bổ sung giấy chuyển tuyến 2019. Giống như bệnh nhân N.T.T., những bệnh nhân này tuy chọn hình thức điều trị ngoại trú nhưng mỗi ngày đều có mặt tại bệnh viện để xạ trị. 

Về xin giấy chuyển viện bị bệnh viện huyện… từ chối

Để không bỏ phác đồ điều trị, theo hướng dẫn của nhân viên y tế, chị H. buộc phải ghi dòng chữ: "Chấp nhận cho mẹ xạ trị không thanh toán bảo hiểm y tế". Chi phí cho một tia xạ trị bằng máy TrueBeam là 3,5 triệu đồng.

Với 9 ngày xạ trị của năm 2019, nếu không được bảo hiểm thanh toán,  số tiền chị H. phải trả lên đến 31,5 triệu đồng (tính từ ngày 2/1/2019), chưa tính tiền thuốc và các chi phí khác.

Trong khi vẫn tiếp tục chấp nhận xạ trị ngoài bảo hiểm y tế cho mẹ, chị H. mang theo thẻ BHYT và bảng kê chi phí khám chữa bệnh về tỉnh Quảng Ngãi để chứng minh mẹ chị thật sự đang điều trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhằm xin giấy chuyển tuyến.

Dang xa tri, benh nhan ung thu bi yeu cau xin giay chuyen vien
Với bệnh nhân ung thư, sự sống lay lắt và n gắn ngủi. Những quy định rối rắm càng khiến họ thêm khổ sở. Một bệnh nhân ung thư đang bước vào phòng xạ trị TrueBeam tại BV Ung bướu TP.HCM. 

Tuy nhiên, ngay ở Bệnh viện huyện Tư Nghĩa, thủ tục xin giấy viện bị ách lại. Ngày 7/1, nhân viên y tế ở đây từ chối cấp giấy chuyển tuyến chỉ vì trong phần chẩn đoán trong bảng kê chi tạm ứng viện phí, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ghi: “Bướu ác không xác định vị trí”. Nhân viên y tế của Bệnh viện huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng phải ghi rõ bướu ác ở vị trí nào thì mới cấp giấy chuyển viện!

Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, có đến 8.500 bệnh nhân ngoại trú. Mỗi ngày có khoảng 1.100 lượt bệnh nhân ngoại trú đến khám và điều trị. Ước lượng 50% lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là người ở tỉnh, thành khác.

"Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại một bệnh viện công lập chuyên khoa hàng đầu về ung thư ở TP.HCM nhưng giờ lại phải quay ngược về khám ở một bệnh viện huyện để chứng minh mình đang thật sự có bệnh ung thư! Và bệnh viện huyện lại rất thẳng thắn… từ chối chẩn đoán của bệnh viện tuyến trên của họ", chị H. bức xúc.

Chưa kể, mẹ chị đang xạ trị mỗi ngày 1 tia, liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 mỗi tuần, việc bà phải quay về quê để xin giấy chuyển tuyến, theo như quy định, là không thể. 

Trao đổi với Báo Phụ nữ TP.HCM, bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết nếu như các năm trước, bảo hiểm y tế không cần biết nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở đâu, vẫn chấp nhận giấy chuyển tuyến thì từ 2019 điều đó sẽ khác, dựa theo Nghị định 146.

"Đúng là các bệnh viện ở TP.HCM đang thực hiện theo Nghị định 146 về chuyển tuyến. Nếu đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tỉnh, bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngoại trú ở bệnh viện quận huyện của TP.HCM tuy vẫn được bảo hiểm thanh toán nhưng vẫn không phải là đúng tuyến khi chuyển viện"- bà Lưu Thị Thanh Huyền nói. 

Dang xa tri, benh nhan ung thu bi yeu cau xin giay chuyen vien
Khu vực xạ trị của BV Ung bướu TP.HCM

Dẫu vậy, bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết, trường hợp của mẹ chị H., vẫn có thể chấp nhận giấy chuyển tuyến năm 2018, không cần phải xin giấy chuyển tuyến 2019 vì bệnh nhân đang trong đợt điều trị.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết sẽ làm việc với tổ bảo hiểm y tế của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để nắm rõ thông tin về trường hợp này.

Theo khoản 5, điều 15, Nghị định 146, trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị. 

Sau khi nhận được phản ảnh của Báo Phụ nữ TP.HCM về trường hợp của mẹ chị H., ngày 9/1, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết đã rà soát và bệnh viện chấp nhận thanh toán bảo hiểm y tế cho mẹ của chị B.K.H. vì bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của Bệnh viện quận Thủ Đức.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI