Cuối đời, người mẹ nghèo chỉ thèm ổ bánh mì không

27/07/2017 - 20:00

PNO - ‘Sáng nay, mẹ tôi lại nhập viện, ngồi sau xe bà thủ thỉ mẹ thèm bánh mì quá! Tôi mua cho mẹ một ổ bánh mì không, bà ngồi ăn ngon lành’.

Vừa kể, ông Nguyễn Thành Tiếng (47 tuổi, hiện ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vừa chỉ những mảnh vụn bánh mì rơi rớt trong phòng bệnh. Mẹ của ông, bà Hà Thị Long (76 tuổi) vừa ăn xong ổ bánh mì, đã phải gồng người nằm lọc thận tại khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM. Đó là một bữa sáng sang trọng đối với bà.

“Mẹ thèm bánh mì quá”

Bà nằm đó, nhỏ thó trên chiếc giường bệnh. Hơn hai năm nay, căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối đã khiến bữa ăn của gia đình ngày càng ít lại. Canh rau, cá, thịt dần nhường chỗ cho những kỳ chạy thận của người mẹ nghèo khổ. Bà luôn phải bưng chén cơm trộn đường để sống nốt đời khốn khổ. 

Sáng nay, bà Long lại vào bệnh viện, cả tuần rồi bà không được lọc thận, hơi thở đứt quãng trên suốt đoạn đường đi, thấm vào nỗi đau của người đàn ông nghèo bất lực không thể giúp được gì cho mẹ.

Cuoi doi, nguoi me ngheo chi them o banh mi khong
Bà Long bị suy dinh dưỡng nặng, đã có dấu hiệu tuổi già, bà bị lãng tai, bị lẫn, ai hỏi gì cũng nói "Mẹ thèm bánh mì không".


“Cha tôi mất từ khi tôi chưa được một tuổi, mẹ ở đến giờ để chăm sóc cho tôi. Những di chứng từ đòn roi của ông ngoại khiến mẹ tôi quên tới, quên lui. Bà có dấu hiệu lẫn rồi, nhưng mỗi khi tỉnh lại đòi chết để tôi bớt khổ. Tôi không cực khổ, chỉ thương mẹ cả đời cơ cực, đến cuối đời vẫn còn đau đớn vì bệnh tật”, ông Tiếng nghẹn ngào.

Vì mưu sinh, khi ông còn nhỏ, bà Long phải bồng bế ông từ miền Trung trôi dạt vào Sài Gòn. Lúc ông ý thức được cũng lúc mẹ con ông phải dựng lều ở tạm hết nơi này đến chỗ khác. Ông lấy vợ, người ta cũng không chịu khổ nổi, bế đứa con trai bỏ ông mà đi. Từ đó ông Tiếng không màng hạnh phúc riêng, ở bên cạnh chăm lo cho mẹ.

Không được học nhiều, ông Tiếng "ôm mớ chữ bập bẹ" đi làm thuê làm mướn, ai thuê gì ông cũng làm. "Có tiền công, tôi mừng lắm, liền chạy ra hiệu thuốc, mua viên thuốc giảm đau cho mẹ. Mỗi ngày nếu người ta kêu nhiều, tôi cũng được hơn 200 ngàn đồng đắp đổi", ông Tiếng cho biết.

Cuoi doi, nguoi me ngheo chi them o banh mi khong
Ông Tiếng ngậm ngùi khi kể về mẹ


4 năm trước, đang phụ hồ cho một công trình, ông Tiếng gặp người phụ nữ bước đi khập khiễng nhưng khá vội vàng đến mời mua vé số. Cảm thương người đàn bà bệnh tật, có bao nhiêu tiền ông mua hết để bà kịp giờ xổ số. Không lâu sau, biết hoàn cảnh của ông Tiếng, bà Đinh Thị Bé (45 tuổi) qua nhà chăm sóc mẹ cho ông để ông yên tâm đi làm. 

Sau này, hai người nhận ra cùng quê, tha phương cầu thực, ông Tiếng tặc lưỡi: “Thôi về nhà tôi lo cho”. Từ đó, bà Bé trở thành vợ ông, cùng ông chia sẻ những cơ cực của cuộc đời.

Những tưởng niềm vui đã trọn vẹn, bà Long lại đổ bệnh, suy thận giai đoạn cuối, người vốn gầy yếu lại kiêng khem, bà suy dinh dưỡng nặng. Bao nhiêu tiền dành dụm được, bà Bé và ông Tiếng đổ hết vào những kỳ lọc thận cho bà Long. Không đủ, hai người chạy khắp nơi vay nóng, mượn nợ đến nay đã hơn 50 triệu đồng.

Tìm lá thuốc cầm cự qua ngày, để dành tiền lo cho mẹ

Bà Long bệnh nặng, con dâu bị di chứng từ đôi chân bệnh tật bẩm sinh, cũng không còn sức khỏe. Hai người phụ nữ như cây khô đứng nép vào nhau, mặc cho những cơn gió bệnh tật ập vào. Đôi chân ngày càng đi không vững, bà Bé cắn môi cố gắng đứng lên, ngó qua lại cửa phòng sốt ruột chờ mẹ. 

“Nhìn thì nhìn vậy thôi, chứ tôi chỉ nghe tiếng máy chạy thận, không nhìn thấy gì. Mấy tháng nay không hiểu sao mắt tôi ngày một mờ dần, giờ chỉ nhìn được khoảng cách vài mét. Tôi không đi khám, để dành tiền mua bánh mì cho mẹ. 

Cuoi doi, nguoi me ngheo chi them o banh mi khong
Ông Tiếng đã mổ sạn một bên thận, bên còn lại ông đang chờ đoàn bác sĩ từ thiện ghé qua nhà. Hiện ông không thể cúi gập người nhưng vẫn đi phụ hồ kiếm sống qua ngày.


Mẹ tôi gần đây cứ thèm bánh mì, thấy tôi và anh Tiếng ăn cơm chan nước mắm, mẹ cứ nói chỉ thèm bánh mì không. Tôi bấm bụng lấy 10 ngàn mua ổ bánh mì, nói dối bà là người ta cho thêm chà bông. Mẹ vui lắm, vừa ăn vừa khen thấy rất thương, lần đầu tiên mẹ ăn hết một ổ bánh mì”, bà Bé mỉm cười.

Riêng ông Tiếng mang trong người nhiều bệnh nhưng chỉ dám đi tìm đủ thứ lá thuốc để cầm cự qua ngày. Nghe ở đâu có đoàn bác sĩ khám từ thiện, ông liền chở vợ đến xin thêm tí thuốc. Hai năm trước, ông Tiếng được mổ cườm mắt cả hai bên, mổ sỏi thận một bên, bên còn lại ông đang đợi đoàn bác sĩ từ thiện ghé qua nhà.

Ông Tiếng cười buồn: “Mẹ bệnh, vợ bệnh họ có thể kêu tôi. Tôi bệnh chỉ la làng lên, la lớn lên để hàng xóm chạy qua phụ chứ mẹ thì nằm liệt, vợ không có sức. Có lẽ tôi sẽ đau khổ lắm nếu mẹ chết, nhưng thà mẹ và vợ đi trước, tôi lo chu toàn cho mọi người thì mới yên tâm. Tôi mà có việc gì thì không nhắm mắt được. Đau cũng phải ráng để mẹ và vợ có tiền điều trị, chứ uống thuốc cả ba người, không kham nổi đâu”.

Cuoi doi, nguoi me ngheo chi them o banh mi khong
Bà Bé đi lại rất khó khăn nhưng luôn ngồi trước khoa Thận nhân tạo để chốc chốc bước đến nhìn vào trong xem mẹ thế nào.


Nói về bệnh của bà Long, bác sĩ Lương Thái Duy, bác sĩ Bệnh viện Quận 2 cho biết: “Bà Long chạy thận ở đây được một năm. Ngoài bị suy thận giai đoạn cuối, bà thường tăng huyết áp, cường giáp, suy dinh dưỡng nặng. Nguy cơ tử vong rất cao. Hiện việc chạy thận sẽ hỗ trợ bà Long bớt đau đớn hơn ở thời gian còn lại.

Việc chạy thận của bà Long phải đảm bảo ít nhất hai lần một tuần, tuy nhiên vì không có điều kiện nên bà chỉ chạy thận ngắt quãng, đều này rất nguy hiểm. Với bệnh suy thận, nếu bệnh nhân được chạy thận đúng định kỳ cũng chỉ để hỗ trợ chất lượng sống. Đằng này, bà Long chỉ đến bệnh viện lọc thận khi cơ thể không còn chịu nổi nên cơ thể bà chất độc tích tụ rất nhiều, máu bị nhiễm độc cao, mô cơ đều bị ảnh hưởng. Nhiều lúc vừa đến phải vào khoa cấp cứu trước rồi mới qua đây”.

Người mẹ nhiều lần từ chối những người đàn ông khác, hy sinh hạnh phúc cuộc đời mình cho con trai, nay nằm đó với những nỗi lo về tài chính, về chi phí mỗi lần chạy thận. Những khi ông Tiếng hớt hải đưa mẹ đến bệnh viện, trong túi chỉ còn năm ba ngàn bạc lẻ, xin cấp cứu thiếu cho mẹ hết lần này đến lần khác thì việc ở phía con dốc cuối cùng của cuộc đời, bà Long chỉ thèm một ổ bánh mì không cũng khiến cho người khác ngậm ngùi.

Tấm lòng của bà Long đối với con trai xứng đáng nhận được những đóa hồng ngát hương tình mẫu tử. Mong rằng quý độc giả có thể bớt bữa ăn sáng của mình, dành tặng cho bà Long những kỳ lọc thận tiếp theo. Để người con trai tràn đầy hiếu nghĩa được ở bên cạnh mẹ của mình thêm vài ngày, để bà Long không phải cố gắng gồng người để rồi chỉ chạy thận khi mà cơ thể không còn chịu đựng nổi.

Mọi sự hỗ trợ xin liên lạc qua số tài khoản báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung "giúp bà Hà Thị Long bệnh thận ở Đồng Nai”.

Bạn đọc cũng có thể đến trực tiếp phòng Bạn đọc của báo Phụ Nữ TP.HCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3. Hoặc phòng Công tác xã hội Bệnh viện Quận 2. Xin cảm ơn!

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI