Có nên đánh thuế chất béo trong thức ăn?

23/07/2016 - 15:23

PNO - Sau khi Thái Lan tuyên bố áp dụng thuế đánh vào lượng đường trong nước giải khát vào tháng 4/2016, ngày 8/7 vừa qua, một bang tại Ấn Độ tiếp bước ban hành đạo luật tương tự trên chất béo.

Đây là quốc gia thứ hai trên thế giới ra quy định này. Tuy vấn nạn thừa cân béo phì ở Đan Mạch không quá nghiêm trọng, nhưng quốc gia này đã gây xôn xao dư luận khi là nước đầu tiên áp dụng mức thuế trên lượng chất béo có trong thực phẩm vào tháng 7/2011. Cụ thể, thuế áp dụng trên các loại bơ, sữa, phô mai, bánh pizza, thịt, dầu mỡ và thực phẩm chế biến nếu các mặt hàng đó chứa hơn 2,3% chất béo bão hòa. Quy ra tiền khoảng 52.000đ (16 kroner) cho 1kg chất béo bão hòa, hoặc 2.700đ (0,12 đô la Mỹ) cho một túi khoai tây chiên hoặc 9.000đ (0,40 đô la Mỹ) cho một cái bánh mì kẹp hamburger.

Điều được dư luận quốc tế cũng như các nhà khoa học quan tâm là tỷ lệ béo phì người lớn của Đan Mạch chỉ ở mức 13,4%, trong khi đó ở nhiều quốc gia khác mà béo phì và các bệnh tật liên quan đã trở thành gánh nặng vẫn chưa thể áp dụng luật này. Như Mỹ, với tỷ lệ béo phì người lớn 37,7%, cao gần gấp ba lần, ở Mexico là 32,8%...

Co nen danh thue chat beo trong thuc an?
Ảnh minh họa

Dù được các chuyên gia y tế, dinh dưỡng ủng hộ, nhưng sau hai năm, tức năm 2013, Đan Mạch đã ngừng áp dụng luật thuế này. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng lý do được phân tích nhiều nhất là sự thất thu, sụt giảm doanh số của ngành kinh doanh này. Vấn đề không phải người dân ngưng, giảm ăn, mà vì đã lỡ ghiền nên họ đổ xô sang các quốc gia láng giềng để mua những thực phẩm đó.

Sự chênh lệch giá trước đó ở các nước này vốn đã rẻ hơn do Đan Mạch có mức sống khá cao, giờ sự chênh lệch cao hơn nữa khi áp thêm một loại thuế. Người ta thấy rất rõ làn sóng người Đan Mạch cuối tuần đổ xô sang các siêu thị Đức và Thụy Điển để mua các thực phẩm chứa chất béo với giá rẻ hơn đến 20-30% nên rất khó để áp dụng luật này chỉ ở một quốc gia riêng biệt trong liên minh châu Âu.

Bang Kerala miền Nam nước Ấn dù đã biết những khó khăn có thể gặp phải nhưng vẫn mạnh dạn áp dụng luật thuế trên chất béo, nhằm gióng lên hồi chuông mạnh mẽ chống béo phì. Khác với Đan Mạch, chính quyền bang Kerala hiện áp dụng luật này vào nhóm thức ăn nhanh nhiều chất béo bán trong chuỗi các cửa hàng. Nhóm này hiện bị nhiều nhà khoa học trên thế giới chỉ trích, xem như là căn nguyên chính của vấn nạn béo phì ở các nước Âu Mỹ. 14,5% là mức thuế áp dụng trên các loại bánh mì kẹp hamburger, sandwich, pizza, bánh rán, bánh mì Mexico, mì ống… được bán trong các cửa hàng thức ăn nhanh, cũng như các chi nhánh, quầy nhượng quyền ở khu thương mại, dịch vụ…

Dù đã có những ý kiến đến từ nhiều phía như “áp dụng cho nhóm sản phẩm trên là quá hẹp”, “có chăng sự thiên vị cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng nước ngoài”, “thực phẩm, thức ăn trong các hàng quán khác có ít dầu mỡ không?”… chính quyền bang Kerala vẫn không do dự. Họ cho biết, việc đánh thuế không chỉ nhắm đến các chuỗi cửa hàng hiện đang được yêu thích bởi nhóm khách hàng trẻ tuổi, mà còn để lên tiếng báo động, giáo dục cho người dân khi lựa chọn thức ăn, nhằm cải tạo sức khỏe cộng đồng. Quan trọng hơn, đây chỉ là những bước đầu cho việc sẽ áp dụng thuế cho những thực phẩm nhiều năng lượng, không tốt cho sức khỏe khác sau đó.

Quay về với Việt Nam, tỷ lệ dư cân béo phì ở trẻ em khu vực đô thị như TP.HCM hiện lên đến 41,9%, tỷ lệ dư cân béo phì người trưởng thành trên cả nước là 25%. Con số đáng báo động này tăng nhanh cùng số chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đang mọc lên như nấm. Không chỉ sở hữu những vị trí đắc địa của đô thị lớn với nhiều hoạt động truyền thông, quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn, dày đặc, thức ăn nhanh còn là lựa chọn bất đắc dĩ của một cuộc sống quá bận rộn. Nhiều trẻ nhỏ ưa chuộng những sản phẩm này do cha mẹ ngày càng lười vào bếp nấu nướng. Thiết nghĩ, việc nghiên cứu luật áp dụng thuế trên lượng chất béo cũng nên được các chuyên gia y tế, kinh tế nước ta tính đến từ bây giờ.

Thái Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI