Chữa mất ngủ có cần dùng thuốc?

12/10/2019 - 07:00

PNO - Rối loạn giấc ngủ là nỗi khổ của nhiều người, đặc biệt là giới trí thức, văn phòng khi phải làm việc trí óc, chịu áp lực lớn từ cuộc sống, công việc.

Mất ngủ kéo dài gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống của người bệnh, liên đới cả tới những người xung quanh khiến không khí gia đình căng thẳng, nặng nề. Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm, thậm chí có hành vi tự làm tổn hại bản thân.

Suốt một năm không nói nửa lời vì mất ngủ

Năm 2016, chị N.T.D. (ngụ tại Q.3, TP.HCM) bắt đầu bị mất ngủ. Tình trạng này khởi phát từ khi chị phát hiện mình bị loét bao tử do vi khuẩn HP. Gia đình chị D. từng có người bị ung thư dạ dày do vi khuẩn HP nên chị cảm thấy rất sốc và stress nặng. Suốt một tháng, mỗi ngày chị D. chỉ ngủ được 1-2 tiếng. Tinh thần và thể lực của chị suy sụp hoàn toàn. 

Sau đó, chị D. đến một bệnh viện lớn ở TP.HCM khám chuyên khoa nội thần kinh, nhận toa thuốc về uống nhưng không hợp, bị sốc thuốc, tay chân co giật phải đi cấp cứu. 

Chua mat ngu co can dung thuoc?
Bệnh nhân mất ngủ đang được điều trị bằng phương pháp châm cứu

"Lúc ấy tôi rất mệt, hằng ngày vẫn đi làm, nằm hay ngồi cũng đều khó chịu, hai mắt thâm quầng, buồn ngủ nhưng không thể ngủ. Sau đó, tôi nghe bạn bè giới thiệu, đến khám tại phòng mạch của một bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. 

Bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn giấc ngủ do thoái hóa đốt sống cổ, thiếu ô-xy máu, tuần hoàn máu lên não kém. Tôi uống thuốc bác sĩ này kê liên tiếp hai tuần. Vài tháng sau tình trạng mất ngủ cải thiện, tuy trưa không ngủ được nhưng tối cũng chợp mắt được 5 tiếng. Tôi ngưng không uống thuốc nữa thì mỗi đêm chỉ ngủ được 2 tiếng. 

Tôi không dám ngồi dậy hay cựa quậy mạnh, sợ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của mọi người trong gia đình, cứ nhắm mắt nằm cho tới sáng”, chị D. chia sẻ. Có lẽ đó là quãng thời gian khó khăn và kinh hoàng nhất đối với chị D. và cả gia đình chị. 

Mất ngủ làm chị D. bị trầm cảm. Ngoài đi làm ở cơ quan, cả năm chị không đụng tay tới việc nhà. Cũng suốt cả năm chị D. gần như không hé môi nói chuyện với ai nửa lời bao gồm cả chồng, con, cha mẹ và đồng nghiệp. 

Gần đây, chị D. lại cố gắng điều trị căn bệnh mất ngủ thêm lần nữa bằng y học cổ truyền, kết hợp với tập luyện yoga đều đặn. Hiện chị đã ngưng uống thuốc được nửa năm nhưng tình trạng vẫn ổn. Tuy không thể dễ ngủ như lúc chưa bị bệnh nhưng mỗi ngày tổng thời gian ngủ cũng được 5 tiếng. Điều ao ước lớn nhất của chị D. lúc này là duy trì được tình trạng hiện tại, không bị mất ngủ tái phát.

Mất ngủ là nỗi khổ của nhiều người. Mới đây, Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) tiếp nhận chị N.T.U. (ngụ tại tỉnh Long An). Chị U. bị mất ngủ suốt ba năm nay với các triệu chứng như khó ngủ, ngủ ít (mỗi đêm chỉ ngủ được khoảng 3 tiếng). 

Thậm chí có hôm chị thức trắng, giấc ngủ không sâu, thường xuyên gặp ác mộng và tỉnh giấc liên tục. Không thể ngủ ngon, chị U. phải sử dụng thuốc an thần trong một thời gian dài dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ. Các bác sĩ đã thăm khám và tiến hành điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc Đông y, xoa bóp cho người bệnh. 

Sau hai liệu trình kéo dài một tháng, người bệnh vào giấc ngủ tốt, ngủ được trung bình khoảng 5 tiếng mỗi đêm và chỉ còn gặp ác mộng vào cuối giấc. Đến nay, sau ba tháng điều trị, bệnh nhân hồi phục sức khỏe hoàn toàn, không còn bị mất ngủ và tinh thần ngày càng tốt hơn.

Một trường hợp khác, anh C.V.P. (ngụ tại TP.HCM) bị mất ngủ suốt một tháng, chỉ ngủ được 4 tiếng/đêm, giấc ngủ không sâu. Khi tỉnh giấc bệnh nhân khó ngủ lại, nhiều đêm thức trắng kèm đau đầu mỗi buổi sáng. Sau khi đến khám tại Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chỉ sau liệu trình kéo dài hai tuần, anh P. dễ ngủ hơn, trung bình mỗi đêm ngủ được 5 tiếng.

Bệnh nhân cho biết triệu chứng đau đầu cũng giảm rõ rệt. Tiếp tục điều trị thêm ba liệu trình, anh P. ngủ được trung bình 6 tiếng mỗi đêm, giấc ngủ sâu và không còn bị đau đầu. Mặc dù cũng có lúc bệnh nhân tỉnh giấc giữa đêm nhưng cũng rất dễ ngủ lại. Hiện anh P. đang tiếp tục điều trị bằng việc kết hợp thuốc và châm cứu.

Hơn 30% dân số tại TP.HCM có triệu chứng mất ngủ

Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ người bị rối loạn giấc ngủ chiếm khoảng 23% dân số, trong đó 50% người bị mất ngủ suốt hơn một tháng. Ở Việt Nam, thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ người dân bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm 10-20%. 

Chua mat ngu co can dung thuoc?
 

Theo một nghiên cứu khảo sát tình trạng mất ngủ trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM, kết quả có khoảng 33% dân số mắc một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và khoảng 30% bệnh mất ngủ có liên quan đến bệnh tâm thần. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, số lượng người đến khám vì mất ngủ chiếm khoảng 15%. Tuy nhiên, bệnh mất ngủ còn được phát hiện khi người bệnh đến khám vì các nguyên nhân khác (tỷ lệ khoảng 35-40%).

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trịnh Thị Diệu - Trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng Cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo, mất ngủ là bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, có thể là khởi đầu của một bệnh lý thực tổn. 

Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ những rối loạn tâm thần như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu, các nguyên nhân thực thể khác như đau cấp và mạn tính (đau khớp, viêm loét dạ dày tá tràng...), lạm dụng thuốc và các chất kích thích… Đôi khi người bệnh mắc chứng mất ngủ mà không có bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh thực thể nào. Vì vậy, khi bị mất ngủ, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, tránh lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần khiến bệnh trầm trọng hơn.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trịnh Thị Diệu cho biết, tùy theo chẩn đoán y học cổ truyền, có nhiều hình thức châm cứu khác nhau được sử dụng để điều trị mất ngủ như thể châm (châm kim vào huyệt vị trên cơ thể), điện châm (kết hợp dòng điện xung), nhĩ châm (châm trên các huyệt vị ở loa tai), cứu (sử dụng ngải cứu để hơ ấm nóng trên các vùng huyệt), đầu châm (châm trên các vùng đầu châm khác nhau), phúc châm (châm trên các vùng huyệt ở bụng)… 

Để đạt hiệu quả điều trị bằng phương pháp châm cứu, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ trong quá trình khám để chẩn đoán chính xác thể bệnh và nguyên nhân gây bệnh; tuân thủ phác đồ điều trị, khai báo những thay đổi triệu chứng qua các lần điều trị châm cứu; không châm cứu khi quá đói, quá no hoặc có các bệnh rối loạn đông cầm máu, viêm loét da, nhiễm trùng. 

Nhiều hệ lụy từ mất ngủ

Rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện rất thường gặp trong y khoa nói chung và tâm thần học nói riêng. Bệnh gồm hai nhóm chính bao gồm những rối loạn liên quan đến chất lượng, số lượng và thời điểm khác nhau của giấc ngủ (bị mất ngủ, ngủ nhiều) và những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ như gặp ác mộng, mộng du. 

Rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, gây trở ngại cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần cũng như ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người bệnh. Trong đó, bệnh mất ngủ kéo dài dẫn đến mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm năng suất làm việc đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý kèm theo như trầm cảm, lo âu, tim mạch, đái tháo đường, béo phì... 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI