Cấp cứu thảm họa: Bỏ ngỏ sơ cứu tại chỗ

22/06/2018 - 08:00

PNO - Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm về cấp cứu trong thảm họa cháy chung cư Carina (Q.8, TP.HCM).

Có ba vấn đề đã được các bác sĩ, quản lý cơ quan chuyên môn đưa ra để rút kinh nghiệm trong cấp cứu thảm họa là: thiếu cấp cứu tại chỗ, còn bỡ ngỡ với sang chấn tâm lý và thiếu chỉ huy hiện trường.

Cấp cứu tại chỗ: thiếu và yếu 

Đầu tháng Sáu, bệnh nhân bị phỏng hô hấp trong thảm họa cháy chung cư Carina (TP.HCM) đã về nhà, phải nhập viện trở lại vì hậu quả của phỏng hô hấp khiến chị nói chuyện không được. Theo tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, một năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân bị phỏng. Trong đó, phỏng hô hấp tỷ lệ tử vong cao, từ 2,3- 63%. Còn hít phải khí độc tỷ lệ tử vong đến 90%.

Do đó, trong cấp cứu thảm họa, đặc biệt là các vụ cháy, cần phải sơ cứu người bị nạn ngay tại hiện trường để duy trì đường thở, vì để đến khi khó thở, phù nề thì việc điều trị vô cùng khó khăn và có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân sau này. 

Cap cuu tham hoa: Bo ngo so cuu tai cho
Các nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina (TP.HCM)

Bác sĩ Vũ Dzuy - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - nêu ý kiến: cần tổ chức cấp cứu ban đầu kịp thời. Việc này có thể cứu sống nhiều người tại chỗ, giúp chuyển chính xác người bệnh về cơ sở y tế. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ chú ý cấp cứu tại bệnh viện, còn ngoại viện chưa được quan tâm. Bác sĩ Dzuy đề xuất: cần đào tạo, huấn luyện cứu hộ, cấp cứu cũng như trang bị đầy đủ phương tiện vận chuyển hồi sức sẽ giúp hạn chế di chứng của bệnh nhân và bệnh nhân tử vong.

Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn - Phó trưởng phòng Cảnh sát cứu hộ - cứu nạn Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM - cho biết: các lần diễn tập đều có sự tham gia của ngành y tế nhưng chủ yếu diễn tập phương án di chuyển bệnh nhân từ nơi gặp nạn đến bệnh viện gần nhất, chưa tính đến ứng cứu tại hiện trường.  Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn còn cho rằng, cấp cứu tại hiện trường không chỉ là chờ lực lượng cứu hỏa đưa nạn nhân ra ngoài, mà sắp tới còn phải tính đến phương án đưa bác sĩ vào hiện trường để cấp cứu cho nạn nhân trong những tình huống cấp thiết và nạn nhân không thể di chuyển. Cấp cứu tại hiện trường có thể giảm thương vong.  

Mối nguy sang chấn tâm lý

Cũng bị phỏng đường hô hấp nặng, não bị tổn thương vì hít phải khí độc nhưng anh Lê Phan Trọng N. - còn chịu mất mát nặng nề khi mất đến 3 người thân: vợ, em vợ và con trai duy nhất. Việc cứu sống anh đã khó, một việc khác cam go không kém là ổn định tâm lý của anh. Anh N. bị sang chấn tâm lý nặng nề. Khi tỉnh lại, anh N. hoảng loạn, thường xuyên la hét, nói nhảm, mất ngủ, giận dữ...  

Dù đã dự đoán trước, nhưng các bác sĩ vẫn bất ngờ và bị động trước tình huống này. Các bác sĩ đã dự phòng theo cách cho anh N. ở phòng cách ly dù tình trạng bệnh đã ổn. Căn phòng không có bất cứ vật dụng gì gây nguy hiểm, vì sợ anh quẫn trí, trong cơn loạn thần cấp có thể tự sát hoặc làm hại người khác.

Phó giáo sư - tiến sĩ -bác sĩ Trần Minh Trường - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, ông phải tìm tòi báo và các clip của nước ngoài để biết cách bác sĩ tâm lý xử lý tình huống khi bệnh nhân bị mất người thân trong những tai nạn bất ngờ. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã mời các bác sĩ tâm lý đến hội chẩn và trò chuyện với anh N. Từ đây, người nhà - chứ không phải là những bác sĩ trị liệu tâm lý như ở nước ngoài, mới dần dần cho anh biết về sự ra đi của ba người thân.  

Cap cuu tham hoa: Bo ngo so cuu tai cho
Nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Không chỉ có nạn nhân mà ngay cả nhân viên y tế sau khi tham gia cấp cứu vụ cháy Carina cũng bị sang chấn tâm lý. Nhiều người căng thẳng, mất ngủ cả tuần vì ám ảnh khi chứng kiến sự đau đớn, hoảng loạn và mất mát của những người bị nạn.

Theo bác sĩ Võ Quang Huy -  Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, sau thảm họa, cần phải chú trọng đến vấn đề điều trị, hỗ trợ tâm lý cho cả bệnh nhân, thân nhân lẫn nhân viên y tế. Khoa tâm lý tâm thần của các trường y khoa cần phải thành lập nhóm hỗ trợ sang chấn tâm lý sau thảm họa. 

Ai là chỉ huy hiện trường?

Trong vụ cháy Carina, mặc dù đã vận chuyển kịp thời người bị nạn đến các bệnh viện, tuy nhiên, bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh - Trưởng Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM - nhìn nhận: công tác cứu nạn vẫn chưa có sự phối hợp một cách toàn diện giữa các đơn vị. Trong đó, điều quan trọng là phải nhận diện người chỉ huy tại hiện trường. Vì các lực lượng y tế, chữ thập đỏ… khi ra hiện trường, cần phải đi tìm người chỉ huy chung, nhưng ở đây chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh đó, còn thiếu bộ phận tiếp dân để trấn an, thông báo cho người dân trong thảm họa.

Ông Huỳnh Văn Tuấn đưa ra giải pháp: “Vị trí chỉ huy sẽ có cờ báo hiệu. Sau này, nếu có phối hợp với nhau - thấy chỗ nào cờ có chữ chỉ huy thì đó là nơi điều phối, chỉ huy tại hiện trường”. 

PGS-TS-BS Trần Minh Trường - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - lo ngại: “Dù các bệnh nhân đã xuất viện nhưng có thể sẽ để lại di chứng nặng nề do nhiều người bị phỏng hô hấp nặng. Do đó, các đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ để tiếp cận hiện trường sớm nhất, đưa được nhiều người ra khỏi nơi nguy hiểm và cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân, giảm thiệt hại về sức khỏe cho người dân”. 

TS-BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy: Các bước sơ cứu người bị phỏng hô hấp

- Cần hướng dẫn người dân khi có tai nạn xảy ra biết cách xử trí như: trùm khăn ướt lên mặt, đầu giúp giảm thiểu bị ngạt, hít phải khí độc. 

- Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực nguy hiểm và đe dọa.

- Cho người bị nạn uống một ngụm nước làm ẩm đường thở và giúp bong khói bụi.

- Duy trì đường thở, lấy dị vật, cần phải đặt nội khí quản trước khi người bị nạn rơi vào khó thở.  

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI