Cách xử trí khi bệnh nhân lên cơn động kinh

05/08/2019 - 13:21

PNO - “Không biết gì thì đừng làm để gây hại”, các bác sĩ cảnh báo nếu xử trí không đúng cách có thể khiến người đang co giật tử vong hoặc bị di chứng về sau.

Câu chuyện một cảnh sát cơ động đưa ngón tay vào miệng cho cậu bé cắn khi em lên cơn co giật trong trận đấu giữa 2 đội Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai chiều 4/8 khiến các bác sĩ phải cảnh báo: hãy làm đúng, nếu không biết gì thì đừng làm vì có thể gây hại.

Cach xu tri khi benh nhan len con dong kinh

Lực lượng cấp cứu ngoại viện chăm sóc cho một bà cụ ở quận 1, TP.HCM

 

Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng (tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, hiện hành nghề bác sĩ Nhi khoa tại Texas, Hoa Kỳ), cần làm những việc sau khi gặp người đang lên cơn co giật:

- Bình tĩnh, chừa một không gian đủ lớn cho người đang co giật, giữ khoảng cách giữa mọi người xung quanh và người bệnh. Người đang co giật sẽ bị mất tri giác, có thể gây tổn thương tới người xung quanh.

- Bảo đảm môi trường an toàn cho người đang co giật được co giật trong an toàn.  Tránh xa vùng có nước, điện, thuỷ tinh, vật sắc nhọn, đồ dùng có thể ngã đổ gây chấn thương.

- Kê vật mềm dưới đầu người đang co giật để tránh chấn thương đầu trong lúc co giật.

- Nới lỏng quần áo quanh cổ, nữ trang, cravat nếu cần để người bệnh không bị quấn chặt cổ gây nghẹt thở.

- Ghi lại thời gian co giật nếu có thể.

- Khi bệnh nhân đã ngưng co giật, xoay người bệnh nằm nghiêng để làm thông thoáng đường thở, đàm nhớt sẽ chảy ra bên ngoài miệng tránh hít phải gây sặc nước bọt của chính mình. Khi trẻ con bị sặc sữa cũng cho bé nằm nghiêng là vì lý do này.

Nên gọi cấp cứu khi nào?

- Co giật lần đầu tiên.

- Co giật hơn 5 phút.

- Co giật hơn 1 lần, đợt này tiếp ngay sau đợt khác.

- Người co giật không tỉnh lại sau khi co giật đã chấm dứt.

- Nạn nhân bị chấn thương khi đang co giật.

Không di chuyển khi người bệnh đang lên cơn co giật

Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ - Trưởng phòng Điều hành, Trung tâm Cấp cứu 115, TP.HCM - co giật (seizure) là đột ngột phá vỡ chức năng điện thế vỏ não, gây ra sự mất cân bằng giữa kích thích quá mức hoặc ức chế quá mức của thần kinh vỏ não. Co giật không chỉ là biểu hiện của những bệnh lý về thần kinh như bệnh lý não, chấn thương não, động kinh… mà nó còn là những bệnh liên quan rối loạn chuyển hoá như hạ đường huyết, hạ natri huyết, sốt, cai thuốc (nghiện) và rượu, sản giật. Riêng động kinh (epilepsy) là một bệnh lý rối loạn thần kinh mãn tính và cơn co giật sẽ thường lặp lại.

Các đội cấp cứu ngoại viện (cấp cứu 115) vẫn thường gặp các tình huống bệnh nhân bị co giật. Bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ khuyến cáo hãy để cơn co giật đi qua thì mới chuyển viện, kể cả có khi những cơn co giật này kéo dài từ 15 đến 20 phút.

Cach xu tri khi benh nhan len con dong kinh
Một trường hợp cấp cứu ngoài hiện trường của Trung tâm cấp cứu 115, TP.HCM

Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 6,8% trường hợp co giật bị tắc nghẽn một phần đường thở trong suốt cơn co giật. Tuy nhiên, chuyển viện tất cả các bệnh nhân bị co giật đến phòng cấp cứu là không cần thiết. Những bệnh nhân đã được chẩn đoán bị động kinh và hồi phục hoàn toàn sau cơn động kinh, không có chấn thương gì thì được khuyến khích khám bác sĩ gia đình thay vì chuyển cấp cứu.

Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng, khi co giật, người bệnh thường mất tri giác, ngừng hô hấp (các cơ hô hấp co giật liên tục hay co cứng nên phổi không giãn nở được), tăng tiết đàm nhớt đường hô hấp và không nuốt được gây sùi bọt mép, mắt trợn, tím tái.

Ngoài bị động kinh, co giật hay gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tới 5 tuổi khi bị sốt cao lành tính, thường kéo dài dưới 5 phút, không để lại di chứng. Tuy nhiên nếu không xử trí đúng, có thể gây các biến chứng không nên có.

Cach xu tri khi benh nhan len con dong kinh
Những việc nên và không nên khi xử trí tình huống co giật

Những việc không được làm khi chăm sóc người bị co giật

Không đưa bất cứ vật gì vào miệng người đang co giật bởi không có tác dụng gì nhưng có nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng, gây hít, sặc nhất là với trẻ nhỏ còn răng sữa chưa ổn định. Tuyệt đối không nặn chanh vào miệng bệnh nhân. Người co giật đang mất ý thức sẽ không nuốt được và sặc vào phổi gây viêm phổi, suy hô hấp.

- Không đè chặt bệnh nhân. Co giật cơ là tự phát không ý thức, đè chặt hay trói người bệnh không hề làm ngưng co giật mà sẽ gây chấn thương cho người bệnh. Có trường hợp người nhà cố đè người đang co giật làm họ bị té và chấn thương đầu.

- Sau khi người co giật tỉnh lại, đừng bỏ họ một mình. Phải theo dõi xem họ đã hồi phục tri giác chưa, có yếu cơ hay liệt không. Không cho ăn uống gì cho tới khi chắc chắn bệnh nhân đã hồi phục. Giải thích cho người bị co giật chuyện gì đã xảy ra.

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI