Bỏ quy định bố mẹ phải có chứng minh nhân dân khi đi khám bệnh cho con

28/08/2018 - 09:54

PNO - Quy định đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 6 tuổi phải có số chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước của bố mẹ, hoặc người giám hộ, vừa được Bộ Y tế chính thức bãi bỏ, có hiệu lực từ ngày 15/10 tới.

Ngày 28/8, Bộ Y tế cho biết vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Theo đó, thông tin từng gây tranh cãi khi quy định đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 6 tuổi phải có số chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước của bố mẹ, hoặc người giám hộ, đã bị bãi bỏ.

Thay vào đó, trẻ dưới 6 tuổi chỉ cần ghi tháng tuổi, cân nặng, tên bố/mẹ hoặc người đưa trẻ đến khám, chữa bệnh. Thông tư này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/10.

Bo quy dinh bo me phai co chung minh nhan dan khi di kham benh cho con
Quy định bố mẹ, người giám hộ phải mang chứng minh nhân dân, thẻ căn cước khi đưa trẻ dưới 6 tuổi đi khám gây nhiều tranh cãi vì tạo ra phiền hà cho cả người bệnh và cơ sở y tế.

Trước đó, Bộ Y tế lý giải về quy định đơn thuốc ngoại trú đối với trẻ dưới 6 tuổi phải có số chứng minh nhân dân, thẻ căn cước của bố mẹ, người giám hộ nhằm mục đích quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh diễn ra phổ biến.

Tuy nhiên, ngay sau khi quy định này được ban hành và có hiệu lực, không chỉ phụ huynh mà nhiều cơ sở y tế đã lên tiếng bởi tốn kém thời gian, gây phiền hà cho bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ còn cho rằng, quy định này là vi phạm quyền của trẻ em được nêu trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bởi, quyền trẻ em dưới 72 tháng tuổi là được khám, chữa bệnh miễn phí thì chỉ cần có thẻ bảo hiểm y tế.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI