Bệnh viện vượt dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Ai bệnh cuối năm, thiệt ráng chịu!

16/12/2019 - 09:11

PNO - Chưa hết năm 2019, nhưng từ hai tháng trước, nhiều cơ sở y tế ở TP.HCM có hợp đồng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã sử dụng gần hết kinh phí khám, chữa bệnh cả năm.

Thậm chí, có nơi đã hết quỹ từ tháng 9/2019. Vì sợ vượt quỹ nên hiện nay hầu hết cơ sở y tế đều xét rất chặt chẽ và hạn chế chỉ định các kỹ thuật cao cũng như nhập viện điều trị nội trú.

Toa thuốc bảy ngày và những cuộc khước từ bệnh nhân

Từ tháng 10/2019, tại khu khám nội tiết của một bệnh viện (BV) nhi thường xuyên xảy ra cảnh ồn ào vì người nhà bệnh nhi bức xúc, phản ứng gay gắt vì không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán thuốc điều trị dậy thì sớm và hoóc-môn tăng trưởng chiều cao trong điều trị lùn. Hễ phụ huynh phản ứng, nhân viên y tế chỉ biết trả lời: “BV hết thuốc”. 

Benh vien vuot du toan chi kham, chua benh bao hiem y te: Ai benh cuoi nam,  thiet rang chiu!
Khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhi Đồng 2

Đến đầu tháng 11, BV có thuốc lại nhưng những bệnh nhân đến khám trong giai đoạn này cũng gặp cảnh ngặt. Bác sĩ chỉ kê toa thuốc trong bảy ngày, thay vì 28 ngày như trước (với những bệnh ổn định, điều trị ngoại trú theo quy định của BHYT). Người nhà bệnh nhi lại phản ứng, vì nhiều gia đình ở tận Đắk Lắk, Quảng Ngãi nên việc tái khám hằng tuần rất bất tiện. Hơn nữa, ở địa phương không có thuốc này và đây là thuốc khá đắt tiền. 

Phụ huynh bé Nguyễn T.H. (11 tuổi, ở tỉnh Bình Định) phản ứng: “Con tôi điều trị ở đây đã gần một năm. Trước đây, cháu được cấp thuốc bảo hiểm 28 ngày mới tái khám, giờ bảy ngày phải tái khám, dù bệnh cháu không có chuyển biến xấu. Cấp thuốc bảy ngày thì chuyện học hành của cháu làm sao, rồi việc đi lại?”.

Các phụ huynh đồn đoán: phải chăng nguyên nhân sâu xa là do BHYT thay đổi cách thanh toán với BV sang hình thức chi khoán trước một lần. Thực tế, hiện nay, mỗi BV được BHYT chi một khoản tiền cố định hằng năm và tự co kéo trong cả năm. Đến cuối năm, quỹ BHYT cạn, BV phải “co” lại. Một trong những cách “co” đó là… “hết thuốc” và xé lẻ toa thuốc.

Cũng những ngày gần cuối năm này, có bệnh nhân bị viêm gan C đến khám và nhận thuốc bảo hiểm tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phải quay về BV địa phương hoặc đến BV khác. Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chia sẻ: “Năm nay, BV được BHYT chi dự toán 119 tỷ đồng và chúng tôi đã âm từ tháng 10/2019. Nguyên nhân là bệnh nhân tăng, bệnh nhân nặng từ khắp nơi chuyển đến nhiều. Mỗi bệnh nhân nặng như uốn ván, viêm não… nằm ở Khoa Hồi sức tích cực cả tháng, chi phí vài trăm triệu đồng/ca”. 

Benh vien vuot du toan chi kham, chua benh bao hiem y te: Ai benh cuoi nam,  thiet rang chiu!
Biệt dược gốc Xeloda có chứa hoạt chất Capecitabine 500mg - 1 trong 5 hoạt chất sẽ chỉ kê hạn chế cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM để giảm bớt chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng cho biết thêm: chưa kể, sau khi được giao dự toán, thì theo Thông tư 30 của Bộ Y tế, bệnh nhân bị viêm gan C sẽ được khám, xét nghiệm và cấp thuốc BHYT, mà thuốc này khá đắt đỏ. Trung bình, tính cả gói một bệnh nhân điều trị gồm xét nghiệm và thuốc khoảng 30 triệu 
đồng/người. Thời gian đầu, bệnh nhân viêm gan C đến điều trị BV đều tiếp nhận. 

Còn hiện nay, dự toán đã hết, BV buộc chỉ nhận những trường hợp nặng, diễn tiến qua xơ gan. Còn những ca nhẹ, hướng dẫn bệnh nhân quay về cơ sở y tế ở địa phương hoặc đến BV khác. 

Mục tiêu của bảo hiểm y tế là để... bảo toàn chính nó?

Khi mua BHYT, người dân luôn tin rằng: hễ mình có bệnh thì sẽ được “bảo hiểm lo”. Do đó, với người nghèo, người dân ở nông thôn, dù khó khăn cũng ráng chạy vạy để mua BHYT và họ coi như mua sự an tâm. Nhưng hiện nay, bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT vô tình phải gánh thêm một điều kiện: việc khám chữa bệnh phụ thuộc vào “số dư tài khoản” BHYT tại cơ sở y tế.

Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng nhận định, hiện nay, cũng vì sợ vượt dự toán mà nhiều cơ sở y tế tỉnh có xu hướng “đẩy” bệnh nhân lên tuyến trên. Do vậy, tuyến cuối ở TP.HCM càng oằn vai và vượt dự toán là điều không thể tránh khỏi. Còn theo thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2, bệnh nhân điều trị nội trú tại đây 60% đến từ các tỉnh. BV đã hết dự toán giữa tháng 11/2019, ước tính hết năm 2019, BV sẽ vượt dự toán 55 tỷ đồng.

Nhưng, câu chuyện vượt dự toán không dừng lại ở những con số. Bác sĩ Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV đa khoa Đồng Nai, trả lời báo chí rằng: “Các bác sĩ của khoa cũng phải cân nhắc, thay đổi thuốc cho bệnh nhân. Những bệnh nhân nặng, cần thuốc “xịn”, giá cao vẫn phải sử dụng nhưng sẽ theo chế độ “ưu tiên”. 

Ví dụ, bệnh nhân cần dùng khoảng 5 loại thuốc, bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng 1-2 loại thuốc ngoại có ảnh hướng lớn nhất đến bệnh nhân. Những loại thuốc sau, ít ảnh hưởng tới bệnh nhân sẽ chuyển sang sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất”.

Còn bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc BV Gò Vấp, cho biết: “BV Gò Vấp bị âm quỹ bảo hiểm từ tháng 10/2019. Năm nay, lượng bệnh nhân đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại BV tăng hơn 50.000 người, từ 128.000 tăng lên 223.000 thẻ bảo hiểm. 

Trong khi BV vừa triển khai nhiều kỹ thuật cao và dịch vụ mới như mổ cột sống, hồi sức tim mạch cấp cứu… để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và giảm tải cho tuyến trên. Hai sự thay đổi này… mâu thuẫn nhau. Bởi, kỹ thuật cao thì chi phí đắt, trong khi bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT đông lên, nguồn chi BHYT thì có hạn, nên buộc chúng tôi phải hạn chế, thu hẹp lại”. 

Bác sĩ Quốc giải thích: “Cụ thể, BV có thể mổ 3-4 ca vẹo cột sống/ngày và có phòng hồi sức tương ứng. Nhưng, giờ chúng tôi hạn chế chỉ mổ một ca. Bệnh nhân hồi sức tim mạch phải thở máy với chi phí cao, nhưng quỹ bảo hiểm hết thì cũng không thể duy trì”. 

Đặc biệt, với kỹ thuật chạy thận nhân tạo, khi các BV lân cận đã bỏ dịch vụ này, người bệnh đổ xô về BV Gò Vấp. Một ngày nơi đây chạy thận từ 5-15 giường, 3-4 ca/ngày. Để tránh vượt dự toán, BV này nhiều khả năng phải cắt giảm định mức chạy thận. Số bệnh nhân vốn đã chạy ngược chạy xuôi tìm nơi chạy thận, giờ sẽ chạy về đâu?

Đến lúc này, quỹ BHYT và khả năng khám chữa bệnh không chỉ mâu thuẫn nữa, mà đã trì kéo nhau. Khoản chi BHYT cố định đó đã hạn chế khả năng điều trị của BV. BV phải chịu thêm một áp lực không thuộc trách nhiệm của họ.

Benh vien vuot du toan chi kham, chua benh bao hiem y te: Ai benh cuoi nam,  thiet rang chiu!
Người dân đến khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện quận 2, TP.HCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Để rồi, khi lẽ ra chỉ phải tính toán để đưa ra một phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân, thì bác sĩ lại phải gánh trên vai cái gánh “cân đối thu chi”. Mà một khi cơ sở y tế “cân đối” khó mà không đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. 

Phương thức thanh toán này được đưa ra khi tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT ở cơ sở y tế đang tiếp diễn. Tuy giúp BHYT kiểm soát được nguồn chi, đồng thời khiến mỗi cơ sở y tế cũng chịu phần trách nhiệm với việc chi trả BHYT tại cơ sở, nhưng còn bệnh nhân? 

Trách nhiệm cân đối thu chi BHYT là của ai? Mục tiêu của quỹ này là để cứu người, hay là để… bảo toàn chính nó - để ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân chỉ vì sợ vượt dự toán. 

Hãy để bác sĩ làm đúng chuyên môn của mình, đừng đặt thêm gánh nặng “canh chừng” quỹ BHYT lên vai thầy thuốc. Lẽ nào, hễ đau ốm thì bệnh nhân phải phụ thuộc “tài khoản” dự toán chi của BV. Và cuối năm, quỹ cạn, ai đau ốm thì đành chịu thiệt?

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch - Lâm sàng TP.HCM, chia sẻ: “Hồi đầu năm, tôi được BV Q.11 mời về khám chuyên gia, tôi đặt điều kiện ngay với lãnh đạo: phải cho tôi điều trị bệnh nhân bằng thuốc thật sự có hiệu quả thì tôi mới nhận lời. Còn nếu phải chỉ định bệnh nhân thuốc hiệu quả không cao chỉ để bảo toàn ngân sách bảo hiểm thì tôi không làm được. Rất may là lãnh đạo BV Q.11 đã đồng ý điều kiện của tôi. 

Với bệnh suyễn và COPD (phổi tắc nghẽn mạn tính) cần được kiểm soát để bệnh nhân không vào cơn cấp tính. Để kiểm soát, bác sĩ phải dùng thuốc đảm bảo chất lượng mới có thể làm được điều này. Tuy nhiên, vì đây là thuốc đắt tiền nên trong bối cảnh lo vượt dự toán nên cũng không có quá nhiều cơ sở y tế dám kê toa. 

Thật sự, là bác sĩ, chúng tôi đã tính toán làm sao tiết kiệm tối đa cho quỹ BHYT vì còn nhiều bệnh nhân ung thư, chạy thận… trông cậy vào quỹ BHYT. Vì vậy, nếu thuốc hen, COPD đảm bảo chất lượng thì bệnh nhân sẽ không phải vào đợt cấp, tiết kiệm cho BHYT đến 90% chi phí. Vì mỗi đợt cấp, bệnh nhân đều nằm viện có thể thở máy, thở ô-xy, dùng kháng sinh rất tốn kém. Còn việc đảm bảo chất lượng thuốc BHYT phải được Cục Quản lý dược chịu trách nhiệm để bác sĩ yên tâm điều trị cho bệnh nhân”.

Thùy Dương (ghi)

Thùy Dương - Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI