Bệnh nhân 'méo mặt' trong 'chảo lửa' Hà Nội

20/05/2019 - 11:30

PNO - Thời tiết như “chảo lửa” của Hà Nội không chỉ khiến bệnh nhân khổ sở, “méo mặt” khi đi khám bệnh mà còn khiến nhiều bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp, đột quỵ…

Những ngày cuối tuần qua tại Hà Nội, thời tiết nắng gắt liên tục ở mức trên 39 độ C, có nơi lên tới trên 40 độ C. Ở ngoài trời, nhiệt độ thực tế cao hơn rất nhiều khiến cả thành phố như chìm trong “chảo lửa”.

Các phương tiện giao thông thường xuyên đo được nhiệt độ ngoài đường là 45-46 độ C. Thời tiết khắc nghiệt khiến các bệnh nhân “khổ sở” khi phải xếp hàng chờ khám tại các bệnh viện.

Benh nhan 'meo mat' trong 'chao lua' Ha Noi
 

Tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân ngồi chờ kín cả dãy hành lang. Dù khu vực này có quạt trần, song không khí hầm hập từ bên ngoài phả vào, ánh nắng chói chang xuyên thẳng lưng ghế tựa khiến ai nấy đều không yên. 

Dù đi sớm, nhưng khám bệnh tại hai địa chỉ nên tới gần giờ trưa, chị N.L. (tỉnh Hà Tĩnh) mới có mặt tại Bệnh viện Việt Đức để kiểm tra đường tiêu hóa. Vượt quãng đường hàng trăm cây số, cơ thể lại đang mắc nhiều bệnh nên chị L. càng mệt mỏi. “Nhiệt độ bên trong và ngoài cánh cửa khám bệnh quá chênh lệch nên mỗi lần bước vào, rồi ra, tôi có cảm giác như bị sốc nhiệt”, chị L. than.

Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), ngày nào cũng có hàng loạt bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp, tai biến, đột quỵ nặng. Khoa Đột quỵ của bệnh viện gần như lúc nào cũng kín chỗ. Ông T.V.M. (Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) được tiến hành cấp cứu do khó thở và mất nước nghiêm trọng.

Điều đáng nói, bệnh nhân này có tiền sử tăng huyết áp, tai biến và vừa điều trị một đợt tại bệnh viện, nhưng chỉ vừa xuất viện được vài ngày lại phải quay trở lại do không “chống cự” được với thời tiết.

Cũng “nóng” không kém khu vực bên ngoài khuôn viên bệnh viện, tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa, cho biết, cứ mỗi đợt nắng nóng đỉnh điểm, trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị đột quỵ vào điều trị. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nhiệt và đột quỵ khi làm việc liên tục, căng thẳng dưới thời tiết nóng bức.

Thời tiết nắng nóng là yếu tố dễ gây đột quỵ ở những người có nguy cơ như mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, bệnh lý về máu, người hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, hội chứng chuyển hóa…  

Bên cạnh những người mắc bệnh, PGS-TS Nguyễn Văn Chi cũng cảnh báo với cả những người khỏe mạnh, việc lao động, tập luyện với cường độ mạnh trong thời tiết nắng nóng, môi trường có nhiệt độ cao hơn cơ thể cũng dễ xảy ra biến cố sốc nhiệt. Bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê, thậm chí nguy kịch.

Benh nhan 'meo mat' trong 'chao lua' Ha Noi
 

PGS-TS Nguyễn Văn Chi dẫn chứng, trong đợt nắng nóng hồi tháng Tư, một bác sĩ trẻ làm việc tại bệnh viện tuyến trung ương cũng bị phình mạch máu não khi chơi thể thao dưới trời nắng. Dù được cấp cứu ngay lập tức nhưng bệnh nhân này đã tử vong. “Trận bóng và thời tiết không phải là nguyên nhân chính nhưng là yếu tố tạo thuận lợi trên nền bệnh có bất thường về mạch máu não”, PGS-TS Nguyễn Văn Chi phân tích. 

Do đó, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo mọi người cần phải tạm dừng hoạt động nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Khoảng thời gian từ 12-16g trong ngày, nhiệt độ thường ở mức cao nhất, do đó, không nên vận động, lao động ngoài trời để tránh sốc nhiệt… Bên cạnh đó, đảm bảo cơ thể đủ nước, sử dụng các phương tiện bảo hộ làm giảm bớt tác động của nhiệt và tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI