Bác sĩ mở phòng mạch để vợ khám chui

13/01/2019 - 06:00

PNO - Phòng khám không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh. Nam bác sĩ "khoán trắng" việc khám, chữa bệnh cho vợ là một nhân viên y tế sơ cấp.

 

“Bác sĩ” không áo blouse

Buổi chiều cuối năm 2018, chúng tôi có mặt tại phòng khám của bác sĩ Nguyễn Minh Chung (66 tuổi, đóng tại tổ 21, khu khố 3, P. Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai).

Tại đây, một người phụ nữ hơn 50 tuổi đang khám bệnh. Dù khám bệnh cho bệnh nhân nhưng người phụ nữ này chỉ mặc váy, không khoác áo blouse. Khi chúng tôi có mặt tại phòng khám, người phụ nữ này đang khám và lấy thuốc cho chị Sang (19 tuổi, làm công nhân của một công ty may đóng trên địa bàn P. Long Bình Tân).

Chị Sang cho biết, chị bị sốt vài ngày uống thuốc không khỏi nên đến phòng khám của bác sĩ Chung khám bệnh, mua thuốc. Chị Sang trọ gần phòng khám này nên đi bộ đến khám cho tiện. “Đây là lần đầu tiên tôi khám bệnh tại đây. Người khám bệnh cho tôi là người phụ nữ hơn 50 tuổi (bà Nguyễn Thị Tạo, vợ Ông Chung - PV)”, chị Sang cho hay.

Bac si mo phong mach de vo kham chui
Nhiều trẻ em được đưa đến khám

Lúc này, dưới khu chờ của phòng khám cũng có 7 bệnh nhân, cả người lớn, lẫn trẻ em đang chờ tới lượt. Chị Hạnh (nhà ở gần Khu công nghiệp Tam Phước, xã Tam Phước, TP. Biên Hòa) bắt taxi đưa 2 con nhỏ đến phòng khám của bác sĩ Chung.

Theo chị Hạnh, chị không biết tên bác sĩ là gì. Nhưng mỗi lần con hay người nhà bệnh, gia đình chị lại đến đây khám. “Bất cứ ai trong gia đình tôi bị bệnh cũng đến đây khám bệnh, mua thuốc. Người khám bệnh chủ yếu là cô (bà Tạo - PV), rất ít khi tôi thấy bác trai (ông Chung) khám bệnh.

Ngồi gần đó, chị Mai (nhà ở xã Phước Tân, TP. Biên Hòa) kể, mỗi khi thấy con trai ho, sốt và ngủ li bì 1 tuần không khỏi, cũng đưa con đến khám tại phòng khám của ông Chung. Chị Mai cho biết, người thường xuyên khám bệnh cho con chị Mai là “bác sĩ” nữ (bà Tạo).

Bac si mo phong mach de vo kham chui
Nhiều loại thuốc bóc vỏ tại phòng mạch bác sĩ Chung

Ngoài khu khám bệnh, phòng khám của bác sĩ Chung còn có phòng truyền dịch, với 3 giường. Khi vợ ông Chung đang khám bệnh, chuẩn bị thuốc đưa cho chị Sang, đoàn thanh tra của Sở Y tế kiểm tra đột xuất phòng khám này.

Thấy đoàn thanh tra, bà Tạo ngưng bán thuốc và bỏ vào nhà trong. 

Tước quyền hành nghề 6 tháng

Khi làm việc với đoàn thanh tra của Sở Y tế, vợ chồng ông Chung thừa nhận việc khám bệnh, bán thuốc của mình. Theo ông Chung, vợ ông làm việc 21 năm tại phòng hồi sức mổ tại một bệnh viện ở Phú Yên, nay đã nghỉ hưu.

Thanh minh cho việc phòng khám hoạt động không phép và để vợ không có chuyên môn khám bệnh tại nhà, bác sĩ Chung cho rằng, do mình bận đi dạy. Hơn nữa, vợ ông chỉ khám, bán thuốc những bệnh thông thường (?). “Tôi vẫn khám bệnh khi có mặt ở nhà. Vợ tôi chỉ khám bệnh khi tôi đi vắng”, bác sĩ Chung giải thích.

Bac si mo phong mach de vo kham chui
Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai phát hiện nhiều chai dịch truyền đã sử dụng

Theo kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, bà Tạo chỉ có bằng sơ cấp y tế do Trường trung học Y tế tỉnh Phú Khánh (tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay) cấp năm 1986. Còn ông Chung có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh chuyên khoa nội tổng hợp do Sở Y tế Đồng Nai cấp vào ngày 20/6/2012. Tuy nhiên, cơ sở không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và giấy đăng ký kinh doanh.

Dù phòng khám có thực hiện truyền dịch cho bệnh nhân nhưng không có hộp chống sốc đúng quy định, để có thể cấp cứu người bệnh trong tình huống khẩn cấp. Cơ sở này có rất nhiều thuốc, trong đó nhiều loại thuốc đã bóc vỏ. Trong phòng truyền dịch của cơ sở có nhiều chai dịch truyền đã sử dụng.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn thanh tra Sở Y tế thu giữ chứng chỉ hành nghề của ông Chung và yêu cầu cơ sở tạm ngưng hoạt động chờ giải quyết.

Trước các sai phạm của cơ sở, thanh tra Sở Y tế phạt 70 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Nguyễn Minh Chung trong thời hạn 6 tháng (từ 18/12/2018 đến 18/6/2019). Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai cũng yêu cầu phòng khám chấm dứt các sai phạm nêu trên.

Bac si mo phong mach de vo kham chui
Thuốc được bóc hết nhãn bán cho bệnh nhân

Bác sĩ Lê Quang Ánh - Trưởng phòng Quản lý hành nghề, Sở Y tế Đồng Nai - cho hay, theo luật định, tất cả những người tham gia công tác khám, chữa bệnh bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề.

Khi có chứng chỉ hành nghề, nhân viên y tế phải hoạt động đúng chuyên môn và được cấp giấy phép hoạt động (nếu là chủ cơ sở). Những người tham gia nếu có liên quan trực tiếp đến việc khám chữa bệnh cũng phải có chứng chỉ hành nghề và đăng ký danh sách để xác nhận đang làm việc trong cơ sở đó.

Điều này có nghĩa là điều dưỡng phụ việc cho bác sĩ cũng cần có chứng chỉ hành nghề để Sở Y tế theo dõi. Nhưng điều dưỡng chỉ được thực hiện các dịch vụ y tế như: tay băng, tiêm, chích, chăm sóc, đo huyết áp, nhiệt độ cho bệnh nhân theo yêu cầu của bác sĩ. “Nếu điều dưỡng có hành vi khám, chữa bệnh là sai phạm”, bác sĩ Ánh cho hay.

Luật Sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam – cho biết: Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” ghi rõ việc không có chứng chỉ hành nghề bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn từ 3-6 tháng, thậm chí có liên quan đến trách nhiệm hình sự như: gây chết người, tổn hại sức khỏe người bệnh…

Đan Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI