Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm vàng da cho trẻ sơ sinh dưới ánh nắng mặt trời

08/03/2018 - 09:30

PNO - 25% - 30% trẻ sinh đủ tháng và hầu hết trẻ thiếu tháng bị vàng da sơ sinh. Nếu phát hiện trễ, trẻ có thể bị co giật, hôn mê, viêm não; thậm chí bại não hoặc tử vong...

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Ở trẻ sinh đủ tháng, khoảng 25% trẻ phải chiếu đèn tối thiểu 24 giờ đầu sau sinh. Nếu để sau 7 ngày, khi da bé dày hơn, việc chiếu đèn ít tác dụng, do đó cần phát hiện sớm”.

Bac si chi cach phat hien som vang da cho tre so sinh duoi anh nang mat troi
Điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý cho trẻ

Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng khi chỉ số bilirubin cao vọt lên có thể tiến triển nặng thành vàng da bệnh lý. Các biểu hiện này hầu như khó phát hiện do trẻ không có những dấu hiệu đặc hiệu, vẫn bú, ngủ bình thường.

Khi trẻ có các biểu hiện lâm sàng điển hình như kích thích, giãy giụa, tăng trương cơ lực, ngủ li bì, kém phản xạ... khi đó chất bilirubin đã thấm nhiều vào não làm hại não, có thể khiến trẻ hôn mê, co giật...

Để phát hiện sớm vàng da bệnh lý trước 7 ngày đầu, bác sĩ Dũng khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi sát màu da của con dưới ánh sáng mặt trời, không nên quan sát dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì khó phát hiện.

Quan sát bé từ trên xuống dưới theo thứ tự trán – ngực – bụng – đùi – cẳng chân. Đầu tiên dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ lên lớp da trán để mạch máu giãn ra, giữ vài giây rồi bỏ ra và quan sát.

Bac si chi cach phat hien som vang da cho tre so sinh duoi anh nang mat troi
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện điều trị vàng da sơ sinh sớm nếu bị vàng da bệnh lý.

Nếu trán không vàng, không cần phải kiểm tra tiếp. Nếu trán vàng, tiếp tục kiểm tra vị trí trên xương ức. Cha mẹ dùng tay đè nhẹ rồi nhấc ra, quan sát.

Nếu trẻ chỉ vàng từ trán đến ngực thì không cần đưa đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà. Nếu trẻ vàng da đến bụng, đùi, cẳng chân thì bắt buộc phải đưa đến các bệnh viện chuyên khoa nhi, ngay cả khi trẻ vẫn chơi, bú bình thường. Tại đây các bác sĩ sẽ đánh giá sâu hơn qua khám lâm sàng và xét nghiệm định lượng bilirubin/máu.

Để phòng bệnh vàng da, thai phụ cần khám thai định kỳ, đặc biệt, các tháng cuối cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để không bị sinh non; khi sinh cần đến cơ sở y tế để được cán bộ có chuyên môn theo dõi và đỡ đẻ.

Đối với các trẻ mới chớm vàng da có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều phải đưa trẻ đi điều trị ngay.

Loan Phượng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI