Bác sĩ cấp cứu rớm nước mắt vì những tai nạn do chính ba mẹ gây ra cho con

14/02/2018 - 08:58

PNO - Nam bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy rớm nước mắt khi nhớ về vụ tai nạn xảy ra vào mùng 1 tết mà nguyên nhân do sự thiếu kiểm soát khi sử dụng bia rượu dịp tết.

Hơn 10 năm làm việc, bác sĩ Ngô Lê Đại, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM từng tiếp nhận rất nhiều kiểu tai nạn, nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những ca thương vong khiến anh mỗi lần nhớ lại đều không khỏi xúc động. 

Cha uống rượu say vẫn chở con đi chơi tết

Bác sĩ  Ngô Lê Đại nói: “Tôi làm ở khoa Cấp cứu đã 11-12 năm rồi, gặp rất nhiều mặt bệnh. Nhưng có trường hợp thương tâm vào dịp tết thì tôi nhớ mãi. Đôi vợ chồng chở con gái đi chơi tết. Trong bữa tiệc, người chồng uống bia rượu hơi quá kiểm soát nhưng vẫn ráng chở vợ con về. Trên đường đi, mất kiểm soát, người chồng tông xe vào cột điện. Đứa con gái 7 tuổi ngồi phía trước bị thương nặng”.

Bac si cap cuu rom nuoc mat vi nhung tai nan do chinh ba me gay ra cho con
Bác sĩ Ngô Lê Đại, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)

Cháu bé 7 tuổi được ba mẹ đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Đại vẫn còn nhớ vẻ mặt người cha lúc đó vô cùng hốt hoảng, không còn chút gì của sự say xỉn. Vụ tai nạn khiến vợ chồng anh bị xây xát nhẹ nhưng con gái lại bị chấn thương sọ não nặng, phần đầu sưng và biến dạng.

Các bác sĩ dù rất cố gắng hồi sức, đặt nội khí quản và cho bé thở máy, nhưng 2 ngày sau, bé tử vong. Sự hối hận của người cha khi mất con gái khiến bác sĩ cấp cứu dù từng chứng kiến nhiều cảnh tượng khủng khiếp hơn, không khỏi đau lòng.

Bac si cap cuu rom nuoc mat vi nhung tai nan do chinh ba me gay ra cho con
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu cho người bệnh nhập viện những ngày giáp tết  Mậu Tuất 2018

Bác sĩ Ngô Lê Đại cho biết: "Thông thường, tai nạn giao thông xảy ra là do tông vào người khác hoặc bị người say xỉn tông vào. Ở đây, người cha mất kiểm soát tự gây ra tai nạn cho mình, khiến con gái ra đi vĩnh viễn.

Đó là nỗi đau mà không chỉ gia đình gánh chịu, đó cũng là nỗi đau của những bác sĩ cấp cứu khi chúng tôi không thể mang cháu về lại cho gia đình. Người cha đó sẽ mang theo nỗi ân hận suốt cả cuộc đời mình".

Con trai hóc dị vật trước mặt nhưng không thể cứu 

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vốn là bác sĩ cấp cứu. Trong nhiều năm công tác, chị gặp khá nhiều trường hợp nhập viện do trẻ có biểu hiện hóc dị vật. Nhưng với chị, câu chuyện về một người cha ôm con vào bệnh viện với vẻ mặt thất thần trong dịp tết khiến nhiều y bác sĩ không thể quên được.

Bac si cap cuu rom nuoc mat vi nhung tai nan do chinh ba me gay ra cho con
Dị vật là đầu bút bi được gắp ra khỏi phổi một bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM)

Người cha vốn tính cẩn thận, thấy con trai 2 tuổi sang nhà hàng xóm, ngậm một sợi cột tóc cho bé gái, vội hét lên bảo con nhả ra vì sợ con mắc cổ. Bé trai thay vì làm theo lời cha thì lại vội nuốt vào.

Không đủ kiên nhẫn, người cha tìm cách chữa hóc dị vật cho con. Ông vội dùng tay bóp miệng trong khi tay kia móc sợi thun ra ngoài. Nhưng do không khéo léo, sợi thun bị đẩy sâu vào trong và rớt vào cổ họng. Lúc đó, bé trai bắt đầu có triệu chứng của hóc dị vật đường thở, lên cơn khó thở, co giật và tím tái. Người cha vội đưa con đi bệnh viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 nội soi gắp ra cộng dây thun. Khi ra khỏi phòng nội soi, cháu bé vẫn còn sống nhưng bị tổn thương não nặng do thiếu oxy do ngưng tim ngưng thở lâu. Cháu bé sau đó bị tổn thương các cơ quan khác và một thời gian sau tử vong.

Bac si cap cuu rom nuoc mat vi nhung tai nan do chinh ba me gay ra cho con
Trẻ em nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 

Điều đau đớn nhất là cách lấy dị vật trong họng con của người cha đã đẩy sâu dị vật vào trong, gây ra phản xạ co thắt thanh môn, dẫn đến ngưng tim ngưng thở.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu khuyến cáo, trường hợp dị vật là sợi dây thun cột tóc thì rất khó có khả năng bịt kín đường thở mà khả năng ngưng thở là do co thắt thanh quản.

Khi rớt vào cổ họng, dị vật gây ra một kích thích co thắt thanh quản. Đây chỉ là phản xạ bảo vệ của cơ thể nhưng gây co thắt các cơ vùng thanh môn, co thắt hai dây thanh, gây ra hiện tượng tắt nghẽn đường thở, dẫn đến tử vong. Hiện tượng này được biết đến với tên gọi chết đuối trên cạn.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI