Ba bệnh viện hợp sức cứu bé gái, kịch tính như phim hành động

12/11/2019 - 13:44

PNO - Xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận hối hả, gấp gáp đưa cô bé 12 tuổi mà mạng sống được tính bằng giờ vào Sài Gòn. Ấy vậy mà kẹt xe liên tục. Đến cổng bệnh viện, bé ngưng tim ngưng thở.

Kích hoạt tim ngay trên xe cấp cứu

Sáng 12/11, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho hay, bệnh viện đã cứu sống bé V.N.T.O. (12 tuổi, ở Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) bị viêm cơ tim tối cấp một cách ngoạn mục.

Nhớ lại cuộc chạy đua giành lại bé O. từ tay “thần chết”, bác sĩ Quang nhận định ca cấp cứu như một bộ phim hành động với nhiều cảm xúc vỡ òa.

Theo đó, sáng 25/10, bé O. đột nhiên ngất xỉu, sau đó em mệt mỏi nên gia đình đưa đến bệnh viện gần nhà. Tại đây, bé có dấu hiệu lơ mơ, gần như không tiếp xúc được nên chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cấp cứu. 

Ba benh vien hop suc cuu be gai, kich tinh nhu phim hanh dong
Bác sĩ thăm khám cho bé O.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bé O. bị sốc tim, nhịp tim yếu, gần như ngưng tim. Bé được chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim tối cấp, rối loạn nhịp tim, phải thở oxy, truyền thuốc vận mạch.

Không chần chừ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận hội chẩn trực tuyến với bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM để hỗ trợ cấp cứu, thống nhất khi tình trạng bé ổn định, phải chuyển ngay vào TP.HCM.

Khoảng 16g45 cùng ngày, bác sĩ ở Bình Thuận tiếp tục gọi vào Sài Gòn thông báo xe bắt đầu chuyển bé O đi. Lúc này, Bệnh viện Nhi Đồng 1 bật báo động đỏ liên viện, nhờ bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ đón bệnh.

Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn, chia làm nhiều ê-kíp, khi bé O. đến sẽ lập tức đặt máy tạo nhịp tim và thực hiện kỹ thuật Ecmo (máy tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhi.

Mặt khác, một ê-kíp trực sẵn, liên lạc với bác sĩ trên xe cấp cứu nhằm hỗ trợ duy trì tình trạng bệnh cho bé. Có những chặng đường, bé O. bị rung thất, rối loạn nhịp liên tục, bác sĩ buộc phải truyền thuốc vận mạch, kích hoạt tim ngay trên xe cấp cứu.

Ngưng tim, tím tái khi vừa đến cổng bệnh viện

Mỗi đợt bé O. ổn định trở lại, tưởng chừng đã qua nguy nan thì bị kẹt xe liên tục. Tiếng còi hú, tiếng thiết bị máy móc tít tít suốt 30 phút nằm đường khiến bác sĩ của cả 3 bệnh viện đều nóng lòng.

Hơn 21g, xe cấp cứu vừa đến cổng Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM thì bé O. ngưng tim ngưng thở, người đã tím tái.

Bỏ qua tất cả thủ tục, bé O. được đẩy ngay vào phòng cấp cứu, bác sĩ thay nhau nhồi tim, bóp bóng, đặt nội khí quản. Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường thêm thiết bị nhồi tim tự động, giành giật mạng sống bệnh nhi với tử thần.

“Hơn 1 giờ đồng hồ, bé có dấu hiệu hồi sinh, cả ê-kíp vỡ òa vì nghĩ bé O. qua cơn nguy hiểm. Không ngờ vừa tỉnh lại, bệnh nhi tiếp tục bị sốc tim, rung thất, tổn thương gan suốt 48 tiếng khiến tất cả bác sĩ không dám rời khỏi bé.

Tình trạng của bé ngày càng xấu, chúng tôi quyết định phải thực hiện cùng lúc 3 kỹ thuật lớn là lọc máu, đặt máy tạo nhịp tim, máy tim, phổi nhân tạo cho bé. May mắn, vài giờ sau bé ổn định trở lại”, bác sĩ Quang xúc động kể lại.

Ba benh vien hop suc cuu be gai, kich tinh nhu phim hanh dong
Hiện sức khỏe bé đã ổn định, có thể xuất viện về nhà

Đến ngày 31/10, sức khỏe bé O. cải thiện, cai được máy tim, phổi, tự thở. Hiện bé phục hồi hoàn toàn, căn bệnh không để lại di chứng. Bệnh nhi đã được kiểm tra các chức năng tim, gan, phổi đều phát triển bình thường và có thể xuất viện về nhà.

Tuy nhiên, bé O. phải được thăm khám theo chỉ định của bác sĩ trong khoảng 2 năm để đảm bảo hoàn toàn khỏe mạnh.

Bác sĩ Bạch Văn Cam - Cố vấn Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - cho biết, bé O. rất may mắn vì được bệnh viện ở Bình Thuận nghĩ đến bệnh viêm cơ tim tối cấp và liên lạc ngay với Bệnh viện Nhi Đồng 1 để có phương án xử lý tốt nhất.

Bác sĩ Cam cảnh tỉnh: “Viêm cơ tim là bệnh rất hiếm gặp, phần lớn do người bệnh bị sốt siêu vi, có người sốt vài ngày rồi khỏi, nhưng nếu siêu vi xâm nhập vào tim sẽ gây ra bệnh viêm cơ tim rất nguy hiểm. 

Ban đầu, biểu hiện của bệnh rất dễ bị nhầm với các bệnh sốt, cảm ho, đau bụng, nôn ói… Tuy nhiên, ngoài các biểu hiện trên, nếu bệnh nhân đột ngột khó thở, mệt mỏi, thở gấp, bác sĩ điều trị phải nghĩ ngay đến viêm cơ tim. Lúc này, nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong ngay.

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 3 trường hợp các bé bị viêm cơ tim tối cấp. Cả 3 bé được đưa đến cấp cứu trong tình trạng mất tri giác, suy hô hấp nặng, nhưng đã được cứu sống. Khi xuất viện, các bé hầu như không bị để lại di chứng, nguy cơ tái phát thấp, có thể trở lại cuộc sống thường nhật”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI