70% sự cố trong phẫu thuật do thiếu giao tiếp

30/09/2019 - 07:00

PNO - Thiếu sót thông tin và giao tiếp giữa bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng là nguyên nhân gốc của gần 70% sự cố phẫu thuật.

Ngày 25/9, hội thảo Kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn trong phẫu thuật, do Bệnh viện Bình Dân TP.HCM tổ chức, đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố và sai sót y khoa trong phẫu thuật.

Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM - cho hay, mọi phẫu thuật đều có thể dẫn đến việc bệnh nhân lành bệnh hay tai biến.

70% su co trong phau thuat do thieu giao tiep
 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình mỗi năm, thế giới có từ 187 triệu - 281 triệu ca phẫu thuật, trong đó có khoảng 7 triệu ca gặp biến chứng và khiến khoảng 1 triệu người tử vong do phẫu thuật sai vị trí phẫu thuật, nhiễm khuẩn vết mổ, biến chứng gây mê…

Nhiễm khuẩn vết mổ được xem là vấn đề lớn trong an toàn phẫu thuật, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm tăng thời gian nằm viện lên 7 đến 10 ngày, tăng gấp 5 lần khả năng bệnh nhân nhập viện trở lại, nguy cơ tử vong tăng gấp đôi.

Đặc biệt, nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ, vi khuẩn đề kháng kháng sinh đang là vấn đề thách thức của y tế toàn cầu. Vì vậy, thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn người bệnh. Tuy nhiên, khu vực phẫu thuật tại đa số các bệnh viện ở Việt Nam chưa thực sự an toàn.

50% biến chứng liên quan đến phẫu thuật có thể phòng tránh nếu bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt các quy trình an toàn. PGS-TS Lê Thị Anh Thư nói: “Thiếu sót thông tin và giao tiếp giữa bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng là nguyên nhân gốc của gần 70% sự cố phẫu thuật.

Khi bác sĩ ra y lệnh, điều dưỡng/chuyên viên gây mê nhận lệnh phải viết và đọc lại nguyên văn cho bác sĩ đã ra lệnh nghe và bác sĩ phải xác nhận y lệnh đó là chính xác. Trường hợp khẩn cấp vẫn phải thực hiện trao đổi thông tin, không nên theo lệnh miệng tại chỗ hoặc qua điện thoại”.

Bác sĩ, điều dưỡng cũng phải xác định đúng bệnh nhân. Trong phòng phẫu thuật, bệnh nhân bắt buộc phải có vòng đeo tay, ghi rõ họ tên, ngày sinh, mã vạch và những thông số liên quan. Nhân viên y tế phải hỏi tên bệnh nhân, ngày sinh chứ không nên đọc tên rồi yêu cầu bệnh nhân xác nhận. Tuyệt đối không dùng số giường, số phòng bệnh để định dạng bệnh nhân.

Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, thân nhân người bệnh phải xác định. Nếu không có thân nhân, điều dưỡng phải hỏi công an hoặc nhân viên cấp cứu về người bệnh, ghi lại số nhập viện, số cấp cứu.

70% su co trong phau thuat do thieu giao tiep
 

Một cuộc mổ chỉ được tiến hành khi đã xác định đúng người bệnh, phương pháp và vị trí thủ thuật. Điều quan trọng, trước khi bắt đầu bất kỳ thủ thuật xâm lấn nào, việc đánh dấu vị trí bắt buộc bác sĩ phải có mặt liên tục từ đầu cho đến lúc kết thúc.

PGS-TS Anh Thư nhìn nhận, những sai sót liên quan đến phẫu thuật như mổ nhầm bệnh nhân, nhầm vị trí, bỏ quên băng gạc… vẫn còn xảy ra ở các bệnh viện và khi sự cố xảy ra, bệnh viện phải rà soát cả hệ thống chứ không nên chỉ quy trách nhiệm cho cá nhân hay ê-kíp mổ.

Bà nói: “Trước một sự cố, ai cũng nhìn vào lỗi của cá nhân, nhưng 80% lỗi nằm ở hệ thống. Ta phải xác định những rủi ro, đánh giá hậu quả, giải quyết nguyên nhân gốc của sự cố. Một quy trình thất bại là vấn đề của sức khỏe cộng đồng, là mạng người”.

Việc lập bảng kiểm an toàn, với sự tham gia của điều dưỡng, nhân viên gây mê, phẫu thuật viên trước, trong và sau phẫu thuật cũng được xem là rất quan trọng nhằm hạn chế tử vong, biến chứng, tai biến khi mổ. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI