30 ngày không đi tiêu, trẻ phải nhập viện cấp cứu

22/03/2017 - 07:00

PNO - Táo bón là hiện tượng thường xảy ra ở trẻ em do chế độ ăn uống nhiều đạm, thiếu chất xơ, trẻ mải chơi, trẻ sợ ở trong nhà vệ sinh một mình nên hình thành thói quen nín đi tiêu.

Táo bón là hiện tượng thường xảy ra ở trẻ em do chế độ ăn uống nhiều đạm, thiếu chất xơ, trẻ mải chơi, trẻ sợ ở trong nhà vệ sinh một mình nên hình thành thói quen nín đi tiêu. TB nặng có thể dẫn đến tình trạng không thể đi tiêu trong nhiều ngày, gây biến chứng nguy hiểm. 

Bác sĩ (BS) Nguyễn Việt Trường - Phó khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, gần đây BV liên tiếp nhận nhiều ca trẻ bị táo bón (TB) lâu ngày nhập viện. Chỉ nội buổi sáng 17/3, tại phòng khám theo yêu cầu, BS Trường đã khám cho sáu ca bị TB/ 30 trẻ có bệnh lý đường tiêu hóa. Theo BS Trường, đó là tình hình chung trong khoảng một tháng trở lại đây, đa phần bệnh nhi (BN) ở lứa tuổi chuyển giao từ mẫu giáo lên tiểu học. 

Trường hợp TB nặng nhất là bé gái P.T.T., bảy tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM. “Cháu được mẹ đưa đến khám trong tình trạng đau bụng quằn quại, bụng chướng, ăn uống kém. Mẹ bé cho biết, đã 30 ngày bé không đi tiêu được.

30 ngay khong di tieu, tre phai nhap vien cap cuu
 

Gia đình đã đưa đi phòng khám tư, uống thuốc nhuận trường, thụt thuốc vào hậu môn nhưng không hiệu quả”, BS Trường nói. Sờ bụng BN, BS cảm nhận rõ những khối vón cục lổn nhổn. Bé T. phải uống thuốc nhuận trường, bơm đến năm ống thuốc vào hậu môn (thay vì một ống như gia đình đã làm). Để điều trị một ca TB như của bé T., BN phải tuân thủ một liệu trình và chế độ dinh dưỡng lành mạnh trong suốt sáu tháng. 

Chị T.T.H., 34 tuổi, ngụ Q.7 đã một phen hú hồn vì đang ở nơi làm việc thì trường gọi điện bảo con chị đau bụng quằn quại, đề nghị phụ huynh đến đưa đi khám ngay. “Tôi chạy vội đến để đưa con đi BV, bụng cứ lo con bị đau ruột thừa. Sau khi khám và siêu âm, hóa ra bé bị TB. Hỏi thì cháu cho biết đã năm ngày chưa đi tiêu được”, chị H. kể. Theo chị, bé rất lười ăn rau và trái cây, ít uống nước, mỗi lần đi vệ sinh ngồi cả tiếng chưa xong.

Trẻ bị TB không chỉ do chế độ dinh dưỡng nhiều đạm thiếu rau xanh, trái cây và uống ít nước mà còn vì một số trẻ không thích nhà vệ sinh. Có bé tâm sự với BS là rất sợ khi phải đóng cửa ngồi trong nhà vệ sinh một mình; hoặc nhà vệ sinh ở trường không sạch sẽ, thiếu xà bông rửa tay, khăn giấy…Từ đó, các bé hình thành thói quen nhịn đi tiêu, dẫn tới TB.

Trẻ bị TB sẽ được BS cho dùng thuốc nhuận trường, hướng dẫn người nhà cách bơm thuốc vào hậu môn để hỗ trợ bé đi tiêu dễ hơn. Với những trường hợp nặng, phải bơm đến 4–5 ống/lần (nhiều phụ huynh chỉ bơm một ống, thuốc chưa kịp vào đã rút ngay ống ra nên không hiệu quả).

Nếu không được xử lý kịp thời, TB có nguy cơ gây ra biến chứng tắc ruột, viêm ruột, sa trực tràng, nứt hậu môn. Nếu bị tắc ruột thì phải phẫu thuật, bị viêm ruột và các biến chứng khác BN sẽ được dùng thuốc để điều trị.

Tuy nhiên, BS Trường nhận định, điều trị các biến chứng của TB chỉ là… chữa phần ngọn. Cái gốc là phải triệt tiêu được nguyên nhân gây TB, nếu không giải quyết, trẻ vẫn bị tái phát. Ngoài việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, phụ huynh cần trò chuyện cùng con, tìm ra khúc mắc về tâm lý khiến con không muốn đi vệ sinh, từ đó giúp con giải tỏa.

T.H.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI