2 trẻ ở TP.HCM sốc phản vệ do tiêm vắc xin, bác sĩ cảnh báo chỉ có 15 phút để cứu sống

11/07/2019 - 06:00

PNO - 2 em bé rơi vào tình trạng sốc nặng sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 miễn phí ComeBE Five đã được cứu sống nhờ sự theo dõi kịp thời của mẹ. Thời gian tối đa cho trường hợp này chỉ vỏn vẹn 15 phút.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết vừa có 2 trẻ sốc nặng sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 ComeBE Five miễn phí của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. 

2 tre o TP.HCM soc phan ve do tiem vac xin, bac si canh bao chi co 15 phut de cuu song
Tiêm vắc xin cho trẻ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại một trạm y tế của quận Bình Thạnh, TP.HCM

Sốc phản vệ độ 3: Thời gian tối đa để cứu bệnh nhi chỉ vỏn vẹn 15 phút

Bộ Y tế phân mức độ phản ứng phản vệ  thành 4 mức độ

Độ 1 (nhẹ) chỉ có các triệu chứng ở da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mề đay, ngứa, phù mạch;

Độ 2 (nặng) có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan như nổi mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, ỉa chảy; huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp. 

Độ 3 (cấp độ nguy kịch) biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn gồm đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn; tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

Độ 4 bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp.

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trường hợp phản ứng phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin ComBE Five xảy ra ở bé gái 3 tháng tuổi. Bé tiêm vắc xin ComBE Five và uống vắc xin bại liệt OPV lần 1 tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức vào ngày 17/5/2019. Hơn 2 giờ sau khi tiêm, bệnh nhi đã về nhà thì khóc thét rồi tím tái, lịm người.

Trường hợp thứ 2 là một bé trai 2 tháng tuổi, được tiêm vắc xin ComBE Five và uống vắc xin bại liệt OPV tại Trạm Y tế Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM vào ngày 26/6/2019. 3 giờ đồng hồ sau khi đã về nhà, bé khóc nấc, khó thở, da xanh tái sau đó tím tái, lịm người.

Hai trẻ được xác định bị phản ứng phản vệ độ 3 sau khi tiêm vắc xin. Ngày 10/7, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Vũ Ngọc Chức – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM - cho biết: “Phản ứng phản vệ độ 3 là mức độ rất nguy kịch vì trẻ đã vào cơn sốc.

Lúc này, cơ thể tụt huyết áp, rối loạn nhịp thở, mạch nhanh, tím tái. Chỉ có tối đa 15 phút để cấp cứu. Khi chuyển sang độ 4, cơ thể ngừng tuần hoàn, tức ngưng tim ngưng thở. Thời gian cấp cứu tối đa là 0 phút, nghĩa là phải xử trí cấp cứu ngay”.

Vì sao mẹ theo dõi kỹ mới có thể cứu được con?

Hai trường hợp trẻ nguy kịch này được cứu sống nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm và Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - cho rằng: phụ huynh nên thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế, theo dõi sát sao con của mình, ngay cả trong 48 giờ sau tiêm vắc xin.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đánh giá: “Nhờ sự hướng dẫn theo dõi chăm sóc sau tiêm chủng của nhân viên y tế đã giúp bà mẹ biết cách theo dõi và xử trí khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ”.

Vì không chỉ với vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà cả với vắc xin dịch vụ, với thuốc kháng sinh, với thức ăn… trẻ cũng có thể bị phản ứng sốc phản vệ.

Theo bác sĩ Khanh, dù đã thực hiện test dị ứng của trẻ trước khi tiêm vắc xin nhưng có thể vẫn không tránh được phản ứng phản vệ.

Có thể kết quả dị ứng là âm tính nhưng trẻ vẫn phản ứng vào thời điểm tiêm vắc xin. Có trẻ, ở mũi vắc xin đầu tiên không phản ứng nhưng mũi vắc xin tiếp theo lại rơi vào sốc phản vệ.

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức khuyến cáo khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ sau khi tiêm vắc xin, gia đình cần nhanh chóng đưa bé đến nơi có phòng cấp cứu gần nhất. Về nguyên tắc, các trạm y tế đều được trang bị túi chống sốc có thuốc adrenalin – loại thuốc được dùng trong các tình huống cấp cứu do phản ứng phản vệ nghiêm trọng. Thông thường, chỉ sau một liều tiêm adrenalin, trẻ sẽ được cứu sống.

2 tre o TP.HCM soc phan ve do tiem vac xin, bac si canh bao chi co 15 phut de cuu song
Khi bị sốc phản vệ độ 3, trẻ chỉ có tối đa 15 phút để được cứu sống

Tuy vậy, theo bác sĩ Vũ Ngọc Chức, việc tiêm adrenalin phải được bác sĩ ở trạm y tế thực hiện. Trong trường hợp bác sĩ không có mặt, y sĩ hay điều dưỡng có thể thực hiện nhưng họ phải được tập huấn thường xuyên.

Vì tùy thuộc vào cơ địa, sẽ có những phản ứng phản vệ ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Liều lượng adrenalin tiêm vào trẻ do đó cũng khác nhau. Có trường hợp nếu trẻ không đáp ứng liều đầu tiên thì sau 3 - 5 phút phải tiêm thêm một liều adrenalin. Ngoài ra, khi trẻ bị sốc phản vệ kèm theo các bệnh lý nền về hô hấp, tim mạch… thì việc tiêm adrenalin cũng không chắc cứu được trẻ.

Theo bác sĩ Chức, ở các nước tiên tiến, bác sĩ gia đình sẽ đưa cho bố mẹ một loại bút tiêm adrenalin để tự xử lý khi xảy ra sốc phản vệ tại nhà. Loại bút tiêm adrenalin này rất dễ sử dụng, có thể đâm xuyên qua lớp quần áo để tiêm thẳng vào bắp đùi của trẻ. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa cho nhập khẩu loại bút adrenalin này.

Vì thế, theo các bác sĩ, cách tốt nhất để cứu trẻ chính là nhờ vào sự theo dõi chặt chẽ của gia đình sau khi cho bé tiêm vắc xin, bất kể là loại vắc xin nào.

Tổng số mũi tiêm vắc xin ComBE Five từ khi triển khai đến thời điểm hiện tại của TP.HCM là 40.117 mũi. Trong đó, các cơ sở y tế đã triển khai chích mũi thứ 1 cho trẻ đến 16.891 mũi; chích mũi thứ 2 là 13.830 mũi và 9.396 mũi thứ 3.

Ngoài 2 trường hợp phản ứng nặng, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM còn ghi nhận 1.976 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chiếm tỷ lệ 4,9% - tương đương tỷ lệ thử nghiệm lâm sàng mà ngành y tế khuyến cáo.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI