Vàng cưới của ai?

26/03/2015 - 19:49

PNO - PN - Đám cưới ngày trước, ngày sau đã dắt nhau tới Trung tâm trợ giúp pháp lý là chuyện nhà của chị Ngọc Huyền và anh Minh Hoàng (ngụ Đức Huệ - Long An). Thật ra, việc này không phải là ý của anh chị Huyền-Hoàng, mà là của họ hàng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Anh em nhà chú rể buộc họ đến nhờ trợ giúp pháp lý cũng không phải là vô lý. Nguyên nhân, anh Hoàng đã có một đời vợ trước, cô gái ấy lại là bạn học với Hoàng từ thời cấp III, cùng nhau đi qua 5 năm đại học với biết bao khó khăn, tình nghĩa. Sau khi đi làm ba năm, họ tổ chức cưới và trong thời gian ba năm ấy, bao nhiêu tiền tiết kiệm, tiền lễ tết, tiền thưởng... anh Hoàng đều đưa cô giữ “để lo tương lai hai đứa”. Ngày cưới, nhà trai đã “nộp tài” đến 50 triệu, cho cô dâu một cây vàng. Nhưng, sống với nhau được tám ngày, không xích mích, to tiếng gì, cô dâu lẳng lặng ôm gần hai cây vàng và hơn 30 triệu đồng tiền mặt bỏ đi mất! Cô lý giải (bằng thư để lại) rằng đó là vàng của cô, vì trong ngày cưới ai cũng bảo “cho cô dâu”. Giờ sống hơn tuần lễ, thấy “không hợp nhau” thì cô ra đi. Hai người chưa đăng ký kết hôn, xem như... khỏi ly hôn luôn.

Anh Hoàng sau nhiều phen tới lui tòa án thì đành buông xuôi vì không sao trả lời được các câu hỏi của tòa “Tại sao vợ anh bỏ nhà đi?”. “Một cô gái đã nhận lời lấy chồng, cưới xin rồi, không xích mích gì sao lại bỏ chồng ra đi không lời từ biệt? Anh phải biết có nguyên nhân gì chứ?”.

Thật tình anh Hoàng không biết lý do gì vợ mình bỏ chồng. Số vàng cưới đó không chỉ có nhà chú rể cho cô dâu, mà cha mẹ cô dâu cũng đã cho con gái mình những năm chỉ vàng gọi là “của hồi môn”. 30 triệu tiền mặt là tiền “lời” của nhà trai sau đám cưới, đôi vợ chồng mới đã định mở một cửa hàng thuốc thú y theo chuyên môn của cô dâu. Vậy mà...

Tám năm sau, khi vết thương liền miệng, anh mới dám yêu thương và cưới người khác. Thế mà bi kịch “vàng cưới của ai?” vẫn lặp lại. Nếu tám năm trước cô dâu của anh Hoàng “vàng đeo gãy cổ” thì cô dâu lần này chỉ có duy nhất sợi dây chuyền. Nhà cô có nghèo khó gì cho cam! Nhưng, nhà gái bảo, phải “trụi lủi” vậy cô dâu, chú rể mới có động lực làm ăn.

Trái khoáy hơn, dù nhà gái không cho cô dâu chút vàng cưới nào, khi hai vợ chồng thuê lại một cửa hàng băng đĩa, hàng tháng ngoài việc trả tiền thuê, cô dâu còn phải “biếu” mẹ ruột mình một triệu đồng tiền... tiêu vặt với lý do “cửa hàng cũ, khách hàng quen, con không phải sợ ế hàng”.

Vang cuoi cua ai?

Chị Huyền cho biết: “Thật tình tụi em không nghĩ vì chuyện tiền bạc, vàng vòng lại dẫn nhau tới mấy chỗ không vui này. Nhưng yêu chồng thì phải chiều nhà chồng, em cũng không gian lận như ai đó nên “cây ngay không sợ chết đứng”, cứ theo các anh chị chồng ra đây. Nhà đám tiệc mới xong, còn lu bu biết bao nhiêu việc mà phải ngồi nghe bao điều, khoản, luật... gì đó. Em thấy cha mẹ em cũng hơi quá đáng, nhưng “truyền thống” họ nhà em là vậy. Con gái lấy chồng là... hết, không được cho một li vàng nào, dù một bộ quần áo cũng không được mang theo. Mẹ bảo, hồi xưa mẹ về nhà nội cũng như vậy, bà nội hồi mới về làm vợ ông nội cũng như vậy... Không biết có phải nhờ “nghèo” thế mà sau đó ông bà, ba mẹ cố gắng làm ăn rất khá hay không? Còn em, giờ thấy buồn cho mình bởi hồi ở nhà, em đã tay năm tay mười buôn bán, chạy chợ... đóng góp cho gia đình không ít. Càng tủi thêm vì anh chị em chồng nói em chắc cũng này nọ như “người kia” nên một mực dắt ra trung tâm để phân định vàng cưới là của ai”.

Anh Hoàng thì không giấu được vẻ bực dọc: “Tại “quyền huynh thế phụ”, vợ chồng còn sống lâu dài nên tôi phải làm vui lòng các anh chị tôi cho vợ sống yên, chứ không đầy cây vàng mà họ làm dữ quá! Tôi nói thiệt, dù hôm nay trung tâm trợ giúp pháp lý có bảo vàng cưới là “của ai” thì tôi cũng giao cho vợ tôi giữ hết, vì không phải ai cũng tham lam.

Anh Hoàng nói chưa dứt ý, đã nghe anh chị của anh lao xao nhiếc móc “thằng ngu”, có người còn bảo nếu biết vậy đã không cho nhiều thế, chỉ vài trăm ngàn gọi là “mừng cưới”. Có giọng đàn ông ồm ồm bảo nhân viên trung tâm mà không “chí công vô tư”, dám “phán” vàng đó của cô dâu thì anh ta thề sẽ đòi lại công bằng cho em trai!

Kết quả (hú hồn!) đại diện Trung tâm trợ giúp pháp lý cho biết: vàng cưới dù là của “bên nào” cho thì cũng là của chung hai vợ chồng, không ai có quyền tự ý tiêu xài mà phải thông qua ý kiến cả vợ lẫn chồng.

Cô dâu chú rể uể oải ra về với bao công việc còn chờ họ ở nhà. Anh chị em chú rể thì bảo, đã “mất bò” một lần giờ phải “lo làm chuồng” chứ không lẽ để... sổng lần nữa. Chỉ tội nghiệp cho đôi vợ chồng mới, niềm vui tân hôn chưa trọn vẹn đã đứng ngồi không yên bởi nỗi hồ nghi của những người mà mình phải gọi là “người thân”.

 KIM CÚC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI