Tủi nhục, khốn khổ như đòi trợ cấp nuôi con sau ly hôn

04/08/2018 - 20:33

PNO - Tin chồng cũ của cựu người mẫu Ngọc Thúy bị bắt vì không chu cấp cho con làm thỏa lòng nhiều chị em cùng cảnh ngộ. Chuyện đòi tiền cấp dưỡng của những người vợ với chồng cũ cũng không hiếm gặp ở xứ ta.

Có người mẹ đơn thân, một nách nuôi hai con, nhiều ngày liền một mình đứng trước cửa nhà người chồng cũ để hỏi về tiền cấp dưỡng. Cửa vẫn đóng bặt, không thể liên lạc được, trong khi những chi phí từ việc nuôi con như hứa hẹn trước đó trước tòa hoàn toàn là một con số không tròn trĩnh.

Một người mẹ kể, "năm lần bảy lượt nhắn tin gọi điện, anh ta còn trả lời đầy thách thức: “Đã hiểu là không có tao thì mẹ con mày cạp đất mà ăn chưa?”

Những câu chuyện đau lòng chỉ người trong cuộc mới hiểu. Chúng tôi mở diễn đàn bàn luận về vấn đề này, mời bạn chia sẻ quan điểm, câu chuyện của mình, gởi bài qua email tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn. Những bài viết tiêu biểu sẽ đăng tải lên chuyên mục phần nào xoa dịu nỗi lòng những người đồng cảnh ngộ, phần nào hi vọng giúp các nhà làm luật có động lực có thể cải tiến các chế tài mạnh hơn trong việc thực thi nghĩa vụ này.

Mẹ đẩy con ra trận chiến "đòi tiền cha"

Cô nhà văn nọ từng viết một câu vui vui khiến nhiều chị em muốn khóc: "Muốn biết bộ mặt thật của đàn bà, hãy đợi họ tẩy trang; còn muốn biết bộ mặt thật của đàn ông, hãy chờ nhìn họ hành xử sau ly hôn".

Sau ly hôn, người phụ nữ trông đợi gì, sự tôn trọng, tình nghĩa, thái độ văn minh của người từng đầu ấp tay gối? Ồ không, những thứ ấy xa xỉ quá. Nhiều chị em mưu cầu thứ đơn giản hơn nhiều: trách nhiệm làm cha của chồng cũ.

Bạn thử xem câu chuyện dưới đây có quen không nhé:

"Mày gọi, bảo thằng cha mày đóng học phí đi, tao không có tiền", chị Hà quát con gái rồi quay đi nén tiếng nấc nghẹn. Bé Bình gườm gườm nhìn mẹ rồi tức tưởi lùi vào góc nhà, vừa quẹt nước mắt vừa nung nấu ý định bỏ học.

Tui nhuc, khon kho nhu doi tro cap nuoi con sau ly hon
Ảnh minh họa

Chuyện nợ học phí của học sinh rất phổ biến trong các trường học. Tháng nào Bình  và nhóm bạn cũng bị nhắc lên nhắc xuống trong lớp, có tháng còn bị "rao" trước cờ, bị dọa đình chỉ học.

Bình học “trường làng”, tháng chỉ hơn một triệu đồng gồm học phí, phí bán trú. Khoản này, lúc ra tòa án nhân dân Phú Nhuận, anh Hoàn cam kết sẽ chu cấp tới khi con đủ 18 tuổi. Số tiền 2 triệu đồng ghi giấy trắng mực đen còn rành rành trong quyết định của tòa. Vậy mà thực tế, anh Hoàn cứ lần lữa việc chuyển tiền cho mẹ em. Sau một thời gian "tháng đực tháng cái" thì anh ta "xù" hẳn.

Một mình vật lộn với cuộc sống Sài Gòn, chị Hà nhiều lúc bí bách tiền nong không thở nổi. Túng bấn ép mẹ con chị sát tới chân tường, vậy mà chị gọi chồng cũ anh không bao giờ bắt máy.

Không còn cách nào khác, chị đành đẩy con ra "mặt trận đòi tiền". Số điện thoại con hiện trên màn hình, anh Hoàn nghe, nhưng hễ con nhờ ba đóng tiền học hay mua đồng phục, dụng cụ học tập, anh lập tức nói đang bận và tắt máy.

Có hôm anh nổi nóng, nạt nộ: "Chuyện tiền nong là của ba với mẹ. Từ nay cấm con gọi ba lèo nhèo như vậy".

Cô Thanh Ngọc, giáo viên chủ nhiệm của Bình từng nói trong cuộc họp phụ huynh rằng, việc trễ học phí rơi vào trường hợp các bé có cha mẹ đã ly hôn và đôi bên giằng co trách nhiệm đóng tiền, khiến giáo viên chủ nhiệm không biết ăn nói sao với nhà trường. Cô cũng mong người lớn thu xếp chuyện tiền nong, vì những học sinh này thường rơi vào mặc cảm, xấu hổ; cho rằng chúng chính là nguồn cơn làm khổ mẹ, làm khó cha, học hành bê trễ, đối phó; tâm tính bất thường.

Cha giàu, cha nghèo... “lầy” như nhau

"Đốt đuốc cũng không tìm ra ông bố đàng hoàng việc trợ cấp nuôi con sau ly hôn" là kết luận của các bà mẹ trong bài viết của nhóm phụ nữ trên facebook mang tên DBIK.

Suốt hơn một trăm "còm", các chị tuôn trào cảm xúc tiêu cực của mình khi nhắc về chồng cũ, những người quên mất đứa trẻ chính là con ruột của họ, tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ chung tay nuôi dưỡng con. Đẩy hết khó khăn tài chính cho vợ cũ.

Tui nhuc, khon kho nhu doi tro cap nuoi con sau ly hon
Ảnh minh họa

Gần 20 năm cùng các bà mẹ đấu tranh cho quyền lợi của con sau ly hôn, luật sư M.H, Công ty luật L.V (TP. HCM) cho rằng, có tới 60- 70% rắc rối hậu ly hôn liên quan tới tiền bạc, chủ yếu là việc chu cấp của cha cho con, vì đa số con cái do mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.

“Hành trình đi đòi quyền lợi của các bà mẹ cực kỳ khó nhọc, đầy nước mắt và buồn giận, bức bối. Rất hiếm bà mẹ nào quyết liệt, dai đẳng đòi quyền lợi như cựu người mẫu Ngọc Thúy” chị M.H nói và cho biết, đa số chị em sau một thời gian mệt mỏi, ức chế, họ đành rút lui, xem như mình và con... xui xẻo.

Tại các phiên xử hôn nhân và gia đình của tòa các cấp cũng ghi nhận, lúc đưa nhau ra tòa, cặp vợ chồng nào cũng muốn nhanh gọn cho "xong nợ" nên việc thỏa thuận cũng qua loa, đại khái. Hai bên thường thông báo sẽ tự thỏa thuận việc này sau mà không biết rằng, bước ra cổng tòa là không còn cơ hội thỏa thuận nào. Ai trực tiếp nuôi con là người đó sẽ "ôm" hết.

Thông thường, quy định mức trợ cấp không quá môt phần ba thu nhập của cha/ hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con. Nhưng điều đáng nói là, rất khó xác định thu nhập của một người. Người làm cơ quan nhà nước, công ty rõ ràng còn có thể nhìn vào lương, cơ quan thi hành án có thể yêu cầu cơ quan hoặc ngân hàng hỗ trợ trừ lương... Với người làm việc tự do, địa bàn cư trú thay đổi thì... bó tay.

Chưa kể, ở nhiều công ty tư nhân, đương sự có thể nhờ xác nhận số thu nhập cực thấp. Dó là lý do trong hồ sơ án có rất nhiều mức trợ cấp nực cười như 700.000 đồng/ tháng, 500.000 đồng/ tháng, thậm chí là... 300.000 đồng.

Dù ít ỏi, chỉ ngang bữa nhậu, buổi cà phê nhưng số tiền vài trăm đó cũng hiếm anh nào thực hiện đều đặn, đúng lịch. Văn phòng luật sư D. từng nhận hồ sơ từ Đắk Lắc của một ông bố có cấp bậc thượng tá quân đội. Sau thời gian "lầy lội" chu cấp tiền nuôi con cho vợ cũ, ông này làm đơn xin thay đổi mức cấp dưỡng từ 2 triệu đồng  xuống còn... 500.000 đồng.

Luật... như đùa

Theo luật sư Cồ Lê Huy, Công ty Luật Đại Việt (TP. HCM), các quy định của luật lên quan tới nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn dường như "có như không". Thực tế, chẳng ai giám sát việc thực hiện cấp dưỡng, mà tùy thuộc và thái độ trách nhiệm của người cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Tui nhuc, khon kho nhu doi tro cap nuoi con sau ly hon
Ảnh minh họa

"Việc cưỡng chế tuân thủ quy định của tòa thuộc trách nhiệm cơ quan thi hành án dân sự. Nhưng cơ quan này vừa yếu, vừa thiếu và... rất trời ơi. Thậm chí có tiền là mua được sự im lặng của họ", một nữ luật sư chuyên theo đuổi các vụ án ly hôn cho biết.

Phân tích vụ việc chồng cũ của cựu người mẫu Ngọc Thúy bị cảnh sát bắt vì không cấp dưỡng cho con theo bản án của tòa, luật sư Cồ Lê Huy nói: "Ở các nước, chỉ cần có bản án của tòa, nếu đương sự không tuân thủ, cảnh sát có quyền cưỡng chế hoặc thực hiện những biện pháp khác". 

Luật cũng quy định vài đơn vị, tổ chức ở địa phương có nghĩa vụ thúc ép đương sự thi hành quyết định của tòa, nhưng lực lượng này chủ yếu đi... vận động, kêu gọi trách nhiệm. Sau vài lần “năn nỉ”, những người này thường sớm bỏ cuộc.

Dù vậy, sẽ luôn có ánh sáng soi rọi mọi phận người. Luật sư M.H cho biết, nhiều năm đồng hành cùng phụ nữ, chị chứng kiến không ít chị em sau khi tơi tả trong cuộc chiến đòi tiền cho con, đã gạt nước mắt đứng lên để tự lực, tự cường. Nhờ cú sốc với chồng cũ mà họ trở nên thành công, giàu có, là chỗ tựa vững chắc, bù đắp những thiệt thòi của con.

T. Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI