Trả con nuôi về cho cha mẹ đẻ có được không?

09/05/2019 - 14:00

PNO - Hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn trước, chăm sóc cả 3 con nhỏ là quá sức với tôi. Vợ chồng tôi dự định trả con nuôi về cho cha mẹ đẻ của bé.

Hỏi: Vợ chồng tôi nhận nuôi một cháu bé 2 tuổi là con đẻ của người em họ, thời điểm đó vợ chồng tôi hiếm muộn chưa sinh được con. Nhưng với quyết tâm và may mắn, tháng 10/2018 chúng tôi đã sinh đôi được một cặp hai con gái. Bây giờ hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn trước, một mình chăm sóc cả 3 con nhỏ là quá sức với tôi, lương của chồng cũng không đủ trang trải cho cả 3 cháu. Chúng tôi muốn trả lại con nuôi cho cha mẹ đẻ của bé thì có được không? Mong sự giúp đỡ của quý báo và luật sư.

Hoàng Thị Khánh (Long An)

Tra con nuoi ve cho cha me de co duoc khong?
Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn. 

Theo quy định tại điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

“Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi; Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi; Vi phạm quy định tại điều 13 của luật này”.

Tra con nuoi ve cho cha me de co duoc khong?
Ảnh minh họa

Như vậy đối với trường hợp của vợ chồng bạn, con nuôi chưa thành niên nên không thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1, điều 25 Luật Nuôi con nuôi: “con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi”. Nên mong muốn về việc chấm dứt việc nuôi con của anh chị là chưa thể thực hiện được vào thời điểm này.

Cũng không có dấu hiệu nào trong sự việc của bạn để cho rằng bạn và chồng vi phạm quy định liên quan đến nuôi con nuôi làm căn cứ chấm dứt quan hệ này như: Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi; Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Nên rất mong vợ chồng bạn suy nghĩ thấu đáo, xem cháu là may mắn vì sau khi nuôi cháu, anh chị đã có thêm con. Để từ đó cùng nuôi dạy cháu trưởng thành như con ruột của mình.

Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Hiền (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI