Tôi từng có một người đàn ông 'kiểu số 3'

14/05/2015 - 06:34

PNO - PN - Đọc bài “Nhận diện đàn ông” trên báo Phụ Nữ số 41 (ngày 22/4), tôi nhận ra mình đã từng gắn bó với người đàn ông “số 3”, nhưng không phải bám vợ, mà bám mẹ và chị…

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi biết và quen anh qua sự kết nối của mẹ anh, sau này trở thành mẹ chồng tôi. Ngày đó anh thường đưa đón mẹ đi làm, tôi làm cùng văn phòng ở đó. Bác ấy đã rất nhiệt tình, cởi mở với mối quan hệ của chúng tôi, luôn tạo điều kiện để chúng tôi đi cùng. Lần đầu tiên tôi hơi “lợn cợn” về anh là, theo lời mẹ đề nghị, hai đứa đi ăn cơm trưa ở một nhà hàng.

Và, tôi thấy anh khá lúng túng khi nhìn hóa đơn thanh toán. Lần thứ hai là khi tôi thấy anh đi xe Dream nhưng lúc nào anh cũng khen chiếc Future. Thì ra là anh thích Future, nhưng khi mua xe, ba anh cho tiền và nói, nếu mua Dream thì ba đưa tiền, còn mua Future thì… cứ mà tự lo!

Toi tung co mot nguoi dan ong 'kieu so 3'

Vậy mà tôi vẫn cưới, với suy nghĩ kinh điển của phụ nữ, “Mai này có vợ con anh sẽ khác!”.

Đám cưới, anh nói không cần phải lo gì, tất cả đã có mẹ và chị lo rồi. Quả đúng như vậy, từ áo dài cho đến bông tai, chị chồng đưa tôi đi sắm. Đi chụp hình ngoại cảnh có chị Hai đi cùng để giúp thay quần áo. Còn gì sướng bằng cô dâu này nữa phải không?! Chắc là nhiều người nghĩ vậy. Ngày đón dâu, tôi tự một mình đi đến tiệm chụp hình để trang điểm, tôi hỏi sao anh không đưa em đi, anh trả lời “Mẹ nói kiêng gặp trước khi đón dâu!”.

Đám cưới linh đình ở một nhà hàng nổi tiếng, anh không bỏ ra một đồng nào. Tất cả tiền bạc đã có chị Hai ứng. Và vì vậy, giỏ tiền mang từ nhà hàng về, anh bảo để nguyên đó để mai đưa lại cho chị. Tôi phải đề nghị cho tôi xem những phong bì của khách ở cơ quan và gia đình mình, để ghi lại, mai mốt còn biết đường mà lại quả. Một tuần trăng mật sang trọng tại một resort nhiều người mơ ước do nhà tài trợ… chị Hai, là quà cưới chị tặng hai vợ chồng, và vợ chồng chị cũng cùng nghỉ dưỡng ở đó!

Ngày tôi đi sinh con, mẹ chồng nói phải sinh ở bệnh viện quốc tế cho nó sang. Anh đồng ý dù không có đồng nào, tôi đã lôi hết những đồng tiền mình dành dụm ra để chi trả. Con trong tháng không có sữa mẹ bú, thường xuyên khóc đêm, tôi nhờ anh luân phiên thức dậy thay tã và pha sữa. Anh ở trong phòng với hai mẹ con được một đêm, đêm sau mẹ lên nói: “Con xuống phòng mẹ mà ngủ, để mẹ thức cho nó vừa lòng, đàn bà gì mà có chăm con cũng không xong, cũng phải kêu chồng!”.

Vậy là anh hồn nhiên đi ngủ. Cuộc sống lúc vui lúc buồn, nhưng câu thường xuyên được nghe trong nhà là câu nhắc nhở của mẹ: “Đừng có mà chiều nó quá đó nhe, suốt ngày nghe lời vợ!”. Khổ nỗi, thỉnh thoảng vợ anh - là tôi - cũng phải thốt ra câu “Sao anh cứ nghe lời mẹ!”. Tôi nghĩ chắc anh cũng chẳng sung sướng gì với cuộc sống như vậy. Cứ thế, ba bên bốn phía cứ phải chịu đựng nhau mà không có một cái cầu nối nào hết.

Rồi đến một ngày anh công bố quyết định không ở với tôi nữa. Để níu giữ gia đình cho con, tôi đề nghị anh trước hết hãy chấm dứt với cô gái kia đi, về nhà giải quyết chuyện gia đình. Giữa hai vợ chồng có chuyện gì bức bách thì giải quyết đến tận cùng, chừng nào không thể giải quyết xong thì chấm dứt, rồi lúc đó muốn đi với cô nào cũng được. Anh đồng ý, bảo cho anh hai tuần. Sau hai tuần không thấy chuyển biến gì, tôi nhắc nhở, anh lại bảo cho anh thêm 10 ngày. Kết thúc 10 ngày đó, anh nói với tôi là anh quyết định vẫn qua lại với cô kia, vì mẹ nói là trước sau gì cũng thôi tôi thì “mắc mớ gì phải bỏ con kia!”.

Toi tung co mot nguoi dan ong 'kieu so 3'

Sau một thời gian chịu đựng và chiến đấu một mình, tôi quyết định dùng đến chìa khóa cuối cùng là cậy nhờ đến cha mẹ chồng can thiệp công khai. Không thể nào quên được tối 30 Tết năm đó, trước mặt ba mẹ, tôi thưa mọi chuyện và nhờ ông bà giúp đỡ, ông bà nội của con tôi nói: “Ở được thì ở, không được thì thôi, tình cảm làm sao cưỡng ép được, thời buổi này thôi nhau là chuyện bình thường!”. Anh nhìn tôi, cười.

Trong lúc chờ thủ tục hoàn tất để chấm dứt mọi thứ, anh nói với tôi “Mai mốt xong (giấy tờ ly hôn) là em với con ra khỏi nhà đó nhe, nhà này là nhà của mẹ chứ không phải của anh đâu!”. Và rất “ân cần”, anh hỏi tôi mai mốt dọn nhà em đem cái gì theo, cái ti vi này hổng phải của mình đâu nhe, cái máy giặt này lúc trước là của chị Hai mua đó…! Và sau đó là như thế nào thì tôi không biết nữa, vì tôi không còn tiếp tục sống ở đó.

Mới đó mà số năm tôi và con trai sống độc lập gần bằng với thời gian sống cùng mái nhà với anh lúc trước. Cuộc sống thong thả, dễ chịu với sự nỗ lực của cả hai mẹ con. Tuy con trai chỉ ở với mẹ, nhưng tôi quyết tâm không để “lịch sử lặp lại”. Con tôi sẽ là một người đàn ông tự lập, biết yêu thương, và không lệ thuộc người khác.

Tôi chẳng những luôn cố gắng rèn luyện những điều này cho con mà tự bản thân, tôi cũng luôn răn đe mình, làm công tác tư tưởng cho chính mình là sẽ tuyệt đối không áp đặt, ràng buộc, không làm cho con lệ thuộc mình, không được để cho mình có cái tính sở hữu đối với con, không can thiệp thô bạo làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của con sau này.

Minh họa chút ít cho chân dung số 3 này, tôi cũng chỉ mong các cô gái khi lựa chọn bạn đời có thêm điều kiện để cân nhắc và tìm thấy phương án tối ưu để cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc.

 LAN TRINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI