Tôi quá mệt khi hầu chồng ngày ba bữa

15/05/2019 - 12:12

PNO - Nếu có ai hỏi, khi chồng đi vắng, đầu tiên bạn sẽ làm gì để chứng tỏ mình được tự do, thì tôi không ngần ngại trả lời rằng, tôi sẽ không nấu cơm nhà.

Thú thật, chồng đi vắng một tuần, thì hết 5 ngày mẹ con tôi ăn cơm bụi. Ngoài chuyện lười, tôi không phủ nhận đi ăn cơm bụi để “xả” những ngày hầu hạ chồng: bữa cơm thì phải đủ 3 món, gồm canh, cá/thịt kho, rau luộc/xào. Anh ấy thường hay nói “ăn cơm không rau như nhà giàu chết không có trống”, nên dù bận đến mấy, tôi cũng chuẩn bị bữa ăn 3 món. Ăn cơm nhà, dĩ nhiên vừa vệ sinh, vừa đủ chất (nếu biết cân bằng các nhóm dinh dưỡng), nhưng cũng sẽ thật vất vả cho các bà nội trợ, bởi nấu ăn thời nay tốn rất nhiều công sức và thời gian.

Toi qua met khi hau chong ngay ba bua
Chồng tôi chí thích ăn cơm nhà. Ảnh minh họa

Tôi không thể yên tâm khi bữa cơm dọn lên mà rau không được rửa qua nước muối hoặc dung dịch rửa khác, thịt cũng phải được rửa sạch bằng nước muối, rồi chần qua nước sôi, trước khi muốn chế biến món kho/xào. Thông tin thực phẩm nhiễm bẩn vì các loại phân, thuốc nhan nhản, nên bà nội trợ biết chăm lo gia đình chẳng thể ngoảnh mặt trước sức khỏe bản thân và của chồng con.

Chồng tôi vốn không thích ăn ngoài, nhưng hầu như không bao giờ vào bếp, đó là lý do vì sao tôi sợ nấu cơm. Thật nhàm chán và buồn tẻ khi phụ nữ thường xuyên làm một việc mà không phải chồng không biết làm. Chỉ cần thỉnh thoảng chồng xớ rớ, phụ họa thôi, cũng khiến tôi đủ sức mạnh vào bếp, với một tâm trạng hưng phấn rồi. Cái cảm giác chờ chồng nấu cho một bữa cơm, với tôi như… trời hạn trông mưa.

Đôi lúc vừa mệt vừa giận, tôi nghĩ chồng đã không chịu học hỏi nấu ăn, không chịu vào bếp, thì sao có thể đòi hỏi bữa cơm đủ 3 món. Cho ăn 1 món hay 3 món là quyền của người vào bếp. Ai không biết phụ giúp thì không có quyền đòi hỏi. Nhưng là nói vậy thôi, chứ những món tôi nấu, không phải là nấu cho mỗi chồng ăn, mà tôi và các con cùng ăn theo, nhưng trong lòng vẫn thấy có gì đó ấm ức.

Tôi không cần chồng giỏi nấu ăn. Tôi chỉ cần anh ấy hiểu cảm xúc của một người vợ cả ngày đầu tắt mặt tối cơ quan, chiều về lại tất bật vào bếp. Mà thường thì, khi tôi nấu ăn, chồng chưa về nhà.

Đến khi tắt bếp, anh xuất hiện đầu ngõ, rồi thì phân bua anh phải làm hết việc mới về, này nọ. Lúc đó, tôi chỉ biết đùa: anh thật giỏi… đánh mùi. Nhưng rồi lại tự an ủi mình, thôi thì, chồng ăn cơm nhà cũng đủ mang lại sự ấm áp rồi, thiếu gì ông la cà nửa đêm mới mò về nhà đó sao. Hôm nào tôi mệt lắm, cả nhà mới dắt nhau ra tiệm.

Ở tiệm, chồng tôi nhìn các món ăn rồi phán: coi vậy chớ không sạch sẽ đâu, thức ăn không tươi, nấu nướng không vệ sinh như nhà mình đâu, rồi anh ấy ăn qua loa, trong khi hai con gái tôi, có lẽ lạ miệng, ăn như chưa từng được ăn.

Toi qua met khi hau chong ngay ba bua
Ăn gì, nêm gì, ướp gì, ngày nào cũng quay cuồng mấy câu hỏi ấy, có chị em nào mệt đầu như tôi không?

Để có một bữa ăn với đầy đủ 3 món, cái khác nhau giữa phụ nữ nội trợ với những phụ nữ vừa việc xã hội, việc gia đình, chỉ là vấn đề thời gian. Ai có nhiều thời gian, việc vào bếp sẽ thoải mái hơn. Nhưng cái giống nhau là sự nhàm chán nếu không được chồng hỗ trợ, chia sẻ. Phụ nữ nội trợ vẫn rất cần chồng lặt phụ cọng hành ngò, giã cho chén mắm ớt tỏi, để biết rằng cả cuộc đời cô ấy dù gắn bó với mấy bộ đồ bộ, nhưng vẫn được chồng quan tâm.

Dù biết rằng cơm hàng cháo chợ mãi cũng chẳng hay ho gì, nhưng thỉnh thoảng đèo nhau ra tiệm thay đổi khẩu vị, cũng là việc nên làm. Thay đổi khẩu vị để thấy ăn uống là cả nghệ thuật, cơm nhà 3 món đủ dưỡng chất, hợp vệ sinh, chưa hẳn đã ngon. 

Ái Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI