Tôi hối hận vì để con nhìn ba đánh mẹ

28/09/2019 - 05:30

PNO - Con nói: "Mẹ không làm, con đánh mẹ bây giờ". Tôi sửng sốt. Đó là câu cửa miệng của chồng tôi. Con học câu ấy từ bao giờ?

Chiều đón con, tôi giận tái mặt vì được cô giáo kể tội con. Việc con đánh bạn không phải lần đầu, nhưng kỳ này thì quá lắm: Con đánh bạn để đòi ly trà sữa. Con nhào đấm vào bụng bạn, rồi bạn về méc mẹ bạn, cô không hay biết. Mẹ bạn vô thẳng lớp gặp con trai tôi để hỏi tội và hù sẽ báo công an nếu con tái phạm.

Con tôi là đầu gấu hay sao? Thật không tin nổi! Những món đồ mà con nói với mẹ là bạn cho thì ra do con dùng vũ lực mà có! Thật không tài nào tưởng tượng được!

Thằng bé từ nhỏ đã tỏ ra rất thông minh và nhanh nhẹn. Nhưng từ bé đã biết đòi hỏi và nếu không được đáp ứng sẽ lăn đùng ra ăn vạ.

Thú thật tôi đã bị cái vẻ lanh lợi của con lấn át đi lý trí. Hơn nữa, đi làm về mệt, tôi cũng không muốn nhà cửa ồn ào. Chồng tôi lại rất khó tính. Cho nên để yên tôi hay chiều con.

Mà đâu phải riêng tôi, bà nội cũng thế. Vì cháu khá giống bên nội, lại là cháu đầu, cháu đích tôn cho nên càng được nuông chiều thái quá. Con đòi, chon gay. Con hét, chon gay. Con khóc, cho ngay.

Và tôi đã phải hối hận rất nhiều về điều đó!

Toi hoi han vi de con nhin ba danh me
Con đánh bạn chỉ vì một ly trà sữa. Ảnh minh họa

Bây giờ, con đã 5 tuổi. Từ những ngày đầu học mầm non, con không hề sợ sệt mà ngược lại còn phấn khích vì được đi đến chỗ mới. Nhưng chỉ đến chiều hôm đó, đã nghe cô giáo mắng vốn vì cào bạn, cắn bạn. Phải xin lỗi cô và mẹ bạn liên hồi, nhưng thú thật lúc đó cũng chỉ la mắng con sơ sơ vì nghĩ đứa nào đi học cũng có lúc xô xát với bạn.

Tôi ly hôn chồng. Anh đánh tôi dưới sự chứng kiến của thằng bé. Không biết có phải vì điều đó mà con tôi tỏ ra xó xu hướng bạo lực hơn hay không. Bất kể điều gì không vừa ý sẽ dùng ngay bạo lực để giải quyết. Thậm chí có hôm còn nói: "Mẹ không làm, con đánh mẹ bây giờ"!

Tôi sửng sốt. Đó là câu cửa miệng của chồng tôi. Con học câu ấy từ bao giờ không biết, nhưng rõ là nó đã chìm sâu vào tâm trí của con.

Nhìn lại mình, tôi thấy mình cũng sai. Trong những ngày tháng đầu ly hôn, tôi bị nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn những áp lực vô hình như làm thế nào để con thành một người tốt. Tôi còn ám ảnh bởi lời “tiên đoán” của mẹ chồng tôi về cháu: “Thằng này không làm quan thì làm tướng cướp, con xem mà dạy nó”.

Nghĩ mãi, thấy bế tắc vô cùng. Tôi bèn tìm hiểu thêm trên mạng, vô tình nghe được một câu hỏi của một phụ huynh đã hỏi sư Thích Minh Niệm về việc có đứa con 16 tuổi rất ương bướng. Sư nói từ tốn và những lời khuyên của sư giúp tôi nhìn nhận lại bản thân mình.

Toi hoi han vi de con nhin ba danh me
Đánh nhau, gây gỗ trước mặt con, hậu quả khôn lường xin đừng xem thường. Ảnh minh họa.

Con hiện tại là như vậy, dù con có thể nào cũng là con của mình. Riêng trong món “trà sữa” kia thì có lỗi của tôi. Vì áp lực kinh tế và thêm nhiều phần cho rằng món ăn ấy không tốt cho sức khỏe, tôi không cho con uống dù rất nhiều lần cháu xin mẹ. Kể cả các món ngon ngọt của tuổi thơ như bánh kẹo, tôi cũng không dám cho cháu dùng.

Và tất nhiên, những di chứng từ cuộc ly hôn, từ hành động vũ phu và thói gia trưởng của bố hẳn đã ảnh hưởng đến con rất nhiều. Sau nhiều lần nói chuyện với con, sáng nay nghe con nói với anh rằng: Em đã hiểu mẹ nói gì, đi đánh bạn đòi đồ của bạn thì sẽ bị công an bắt luôn chứ không phải tối cho em về với mẹ.

Sáng nay, tôi đi chợ, chọn mua một loại trà sữa ngon, làm một ít thạch rau câu nữa là đủ để thằng bé nhảy cỡn lên vì vui sướng và còn có thể ôm mẹ bảo “Con yêu mẹ” như cách bé vẫn hay làm.

Cả một đoạn đường dài phía trước, mà tôi đã xác định là dành hết mọi sức lực có thể để con thành người tốt. Chỉ cần là người tốt thôi con ạ.

Kim Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI